Tăng trưởng tín dụng không có nghĩa vốn chảy vào nền kinh tế

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng chỉ đạt 3,72%, ngành ngân hàng đang chịu áp lực rất lớn trước mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% trong năm nay.
Tăng trưởng tín dụng không có nghĩa vốn chảy vào nền kinh tế

Điều này đặt ra câu hỏi lâu nay xem tín dụng là chìa khóa của tăng trưởng và là giải pháp cho mọi vấn đề của nền kinh tế, cũng như xem lại liều lượng tăng trưởng tín dụng nên là bao nhiêu thì hợp lý trong mối tương quan với tốc độ tăng trưởng kinh tế?

Không phải tăng trưởng tín dụng là tăng trưởng kinh tế

Tín dụng là đầu vào quan trọng cho nền kinh tế. Để kích thích tăng trưởng, các nền kinh tế tìm cách hạ lãi suất để kích thích tiêu dùng, vay vốn, đầu tư. Muốn vậy, phải dựa trên các nguyên tắc đảm bảo các chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng, như lạm phát được kiểm soát hay tỷ giá hối đoái được duy trì ổn định.

Khi đó tổng cầu của nền kinh tế đủ mạnh để hấp thụ được sự mở rộng của hoạt động sản xuất kinh doanh, và doanh nghiệp (DN) có thể thấy được sự mở rộng kinh doanh của họ là khả thi về góc độ thị trường.

Còn việc tăng trưởng tín dụng bằng biện pháp giảm lãi suất để đưa giá tín dụng xuống thấp hơn nữa, sẽ gặp những trở ngại như rủi ro về lạm phát vẫn chực chờ, tác động đối với tỷ giá hối đoái khi lãi suất của đồng USD vẫn chưa giảm, thậm chí vẫn có khả năng tăng.

Bên cạnh đó, vấn đề của nền kinh tế Việt Nam hiện nay nằm nhiều ở tổng cầu. Ngoại trừ tiêu dùng trong nước, đầu tư, chi tiêu chính phủ đặc biệt thông qua đầu tư công là những yếu tố chúng ta có thể tác động và phần nào kiểm soát được, thì hoạt động xuất nhập khẩu phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của các nền kinh tế lớn nhập khẩu hàng hóa dịch vụ từ Việt Nam.

Thực tế, sự hồi phục của thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cho tới thời điểm này chưa có những dấu hiệu tích cực rõ nét. Trong bối cảnh đó, gia tăng tín dụng để DN hay các cơ sở kinh tế mở rộng sản xuất kinh doanh trong khi tổng cầu không theo kịp, chắc chắn sẽ chứa đựng nhiều rủi ro đối với chính DN, kế đó là đối với chất lượng tín dụng.

Tỷ lệ tín dụng NH trên GDP của Việt Nam hiện nay 125%, nằm trong số các nước cao nhất ASEAN. Nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB đã khuyến nghị Việt Nam không nên để mức tín dụng trên GDP ở mức quá cao, có thể ảnh hưởng tới các chỉ số an toàn về kinh tế vĩ mô, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương, cũng như khiến nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn NH.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn gấp 2 hoặc gấp 3 tốc độ tăng trưởng GDP trong những năm vừa qua, và có thể trong năm nay và những năm tới, sẽ khiến tỷ lệ này của Việt Nam sớm vượt xa mức 125%, sẽ không có lợi cho sự ổn định vững chắc và năng lực chống chọi cao của kinh tế vĩ mô.

Liều lượng hợp lý và hiệu quả cao

Tăng trưởng tín dụng là cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, song mức tăng trưởng tín dụng với vai trò của một yếu tố đầu vào nên ở liều lượng phù hợp, đủ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng về tín dụng cũng chỉ nên ở mức tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trong những năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn ở mức gấp 2 lần, thậm chí gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này cho thấy hiệu quả đóng góp của một đồng tín dụng tăng thêm vào tăng trưởng GDP chưa cao.

Thực tế này đặt ra yêu cầu, thay vì chỉ tập trung vào con số tăng trưởng về số lượng, các ưu tiên chính sách, hiện nay cần chuyển hướng sang chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng của tín dụng và hiệu quả đóng góp của tăng trưởng về tín dụng cho tăng trưởng GDP, từ đó nâng cao hiệu quả tổng thể trong sử dụng nguồn lực của nền kinh tế.

Do vậy, tăng trưởng tín dụng nên chỉ ở liều lượng phù hợp để hỗ trợ, kích thích tăng trưởng kinh tế, phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế. Vốn tín dụng quá nhiều, vượt quá năng lực hấp thụ của nền kinh tế sẽ gây rủi ro về nợ xấu, rủi ro bong bóng tài sản, tình trạng đầu cơ.

Từ góc độ này, tốc độ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng về số lượng không nên được coi là mục tiêu, hay chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của ngành NH và nền kinh tế. Nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn nếu các nguồn lực hạn chế như tín dụng được sử dụng ít hơn nhưng mang lại tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Nhấn mạnh vào tăng trưởng tín dụng mới là nhấn mạnh về yếu tố đầu vào, chưa phải vào hiệu quả đầu ra, vào số lượng, chưa phải vào chất lượng. Vì thế, các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế không nên được coi là chỉ tiêu ưu tiên hàng đầu.

Thay vì sử dụng chỉ tiêu về số lượng hay tốc độ tăng trưởng tín dụng, cần sử dụng các chỉ tiêu về chất lượng của tăng trưởng tín dụng, đặc biệt về mức độ đóng góp của tăng trưởng tín dụng cho tăng trưởng GDP.

Nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay không đạt được mục tiêu 14-15%, song tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức 5,3%, tiệm cận mục tiêu 6-6,5% Chính phủ đề ra, đồng thời lạm phát được kiểm soát, tỷ giá hối đoái được ổn định, các chỉ số kinh tế vĩ mô được duy trì, sức khỏe ngành NH, hệ thống tài chính được đảm bảo, đầu tư vẫn gia tăng… chắc chắn không phải là điểm trừ.

Trái lại, nó là điểm cộng, là chỉ dấu cho thấy nền kinh tế bắt đầu hướng tới mục tiêu sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn, cũng như sẽ có những định hướng để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn NH, chú trọng hơn khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn khác của nền kinh tế.

Bơm vốn bằng mọi cách để đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt về rủi ro gia tăng nợ xấu do áp lực phải giải ngân vốn bằng mọi cách, áp lực phải hạ chuẩn tín dụng để đưa vốn ra thị trường.

Các tin khác