Là xứ sở của lễ nghi, tự hào hậu duệ Nữ thần Mặt trời, chọn nếp sống hòa mình với thiên nhiên và yêu chuộng cái đẹp, hình ảnh người phụ nữ Nhật Bản luôn nổi danh nhẹ nhàng và tao nhã cùng bộ Kimono nổi tiếng và trở thành huyền thoại thế kỷ 20: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”.
Áo Kimono (着物,きもの) hay Hòa phục (和服; わふく) hàm nghĩa y phục Nhật góp phần lớn làm nên huyền thoại trên. Kimono không đơn thuần là trang phục truyền thống, mà còn được xem là một tác phẩm nghệ thuật có mặt từ thời Heian (794 -1192). Thời Minh Trị Duy tân (1868 - 1912), Nhật Bản chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa nước ngoài, người mặc Kimono phải được gắn thêm huy hiệu gia tộc để phân biệt gia tộc người mặc. Phụ nữ Nhật mặc Kimono mang màu sắc theo mùa trong năm và có phân chia độ tuổi, tầng lớp.
Đặc tính văn hóa áo Kimono cho nữ chỉ có một cỡ duy nhất, được tạo từ miếng vải dài 12-13m, rộng 36-40cm và cắt thành 8 mảnh. Kimono phân biệt rất rõ ràng theo từng loại: Furisode (振袖) dài tay sáng màu dành cho thanh nữ sẵn sàng kết hôn; Shiro-maku (白無垢) màu trắng tinh khiết, rất dài và tỏa tròn, dành cho cô dâu ngày vu quy; Hōmongi (訪問着) chỉ dành cho phụ nữ đã có chồng mặc trong tiệc cưới, tham dự tiệc trà; Tomesode (留袖) thường màu đen có ống tay áo ngắn hơn dành mặc tham dự đám cưới, đám tang họ hàng; Mofuku (喪服) đen tuyền dành đi đám tang họ hàng gần; Tsukesage (付け下げ) chuyên mặc tiệc tùng sang trọng, trà đạo, cắm hoa và đám cưới bạn bè; Komon (小紋) mặc trong những dịp bình thường; Tsumugi (紡ぎ) dành cho thường dân; đặc biệt, áo Yukata (浴衣) cắt may đơn giản mặc trong mùa hè. Phụ kiện Kimono gồm: Thắt lưng Obi (帯) dài 4m và guốc mộc Geta (下駄).