Tuy nhiên, DXY trong phiên cuối tuần vẫn thấp hơn so với mức đỉnh của tuần là 105,64 (ngày 6-12). Chỉ số này cũng đã giảm rất mạnh so với kỷ lục lịch sử 114,78 điểm từng đạt được hồi cuối tháng 9. Một sự hạ nhiệt rõ ràng. Điều này xảy ra sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, chính thức xác nhận Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất sau tháng 12.
Với diễn biến trên, sức ép tỷ giá USD/VNĐ đã giảm xuống. Ngày 9-12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá, hạ giá USD bán giao ngay 10 đồng, từ 24.840 đồng/USD xuống 24.830 đồng/USD. Trên thị trường, tỷ giá tại các NHTM rơi khỏi mốc 24.000 đồng và thị trường tự do cũng lao dốc mạnh. Chốt phiên cuối tuần, tỷ giá USD/VNĐ tại Vietcombank ở mức 23.420-23.700 đồng/USD, giảm 4,7% so với mức trần 24.888 đồng/USD ngày 26-10.
Như vậy, VNĐ chỉ còn mất giá khoảng 3,9% so với USD tính từ đầu năm. Tỷ giá “chợ đen” về mức 24.330-24.430 đồng/USD, và giá bán giảm khoảng 4% so với đỉnh 25.450 đồng/USD trước đó.
Tỷ giá VNĐ/USD hạ nhiệt, nhà điều hành đã có nhiều dư địa hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN cũng có thêm dư địa để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, hỗ trợ giải cơn khát vốn sau khi nới room thêm 1,5-2% thông qua việc bơm thanh khoản dài hạn, ổn định hơn cho các NH.
Cụ thể, sau thời gian dài đóng băng, hợp đồng cho vay cầm cố giấy tờ có giá với kỳ hạn lên đến 91 ngày đã được nhà điều hành sử dụng lại. Và chỉ trong 3 ngày 7, 8 và 9-12, NHNN đã bơm gần 9.000 tỷ đồng qua kênh này.
Trong dòng chảy đó, tuần qua các NH công bố giảm lãi suất cho vay. Song điều này có thể chỉ tạm thời. Chia sẻ với báo chí mới đây, Phó thống đốc Đào Minh Tú có đề cập, NHNN sẽ dành room tín dụng ưu tiên những NHTM có khả năng thanh khoản cao, đặc biệt những NH đang giảm lãi suất.
Nguyên nhân các NH giảm lãi suất cho vay có lẽ nằm ở đây. Đồng thời, nhìn vào các mức giảm lãi suất, các NH chủ yếu giảm cho các khoản vay trong 1-2 tháng cuối năm 2022 cũng như giảm theo gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm của Chính phủ. Ngoài ra, đối tượng được giảm lãi cũng có khuôn khổ quy định riêng.
Về lâu dài, nhà điều hành không thể ép NHTM giảm lãi suất sâu, vì hiện nay chi phí huy động vốn rất cao. Lãi suất huy động cao nhất trên biểu lãi suất công khai đã chạm mốc 10%/năm trong tháng 12. Tuần này, Fed sẽ công bố một đợt tăng lãi suất vào thứ tư. Trường hợp Fed tăng lãi suất 0,5% như dự đoán, áp lực tỷ giá và lãi suất lên thị trường Việt Nam sẽ giảm so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, xuất khẩu đang bị tác động bởi tình hình kinh tế tại các nước xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, làm giảm nguồn cung ngoại tệ. Trong khi đó, giá cả hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đang tăng vì lạm phát tại nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, làm tăng nhu cầu ngoại tệ. Thế nên, với mục tiêu linh hoạt NHNN sẽ phải tùy cơ ứng biến cho phù hợp với tình hình, khó có thể nói dư địa hỗ trợ cung tiền, thanh khoản hiện tại để giữ ổn định lãi suất là ổn định.
Hơn nữa, sâu xa của câu chuyện thanh khoản tại các NHTM, là tiền cho vay trước không trở lại do nợ xấu đã xấu hơn, sau khi dừng cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của NHNN. Cùng lúc, tốc độ huy động vốn chậm lại, các NH thiếu thanh khoản, buộc phải huy động vốn với lãi suất cao để có tiền trả cho khách hàng. Như vậy, trên mặt bằng chung giảm lãi suất cho vay vẫn có nhưng nếu giảm sâu, giảm đúng kỳ vọng của thị trường rất khó.
Cuối năm, nhu cầu vốn rất lớn. Nhưng nhiều DN phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, tỷ giá tăng, cộng thêm lạm phát nhập khẩu, làm giá thành hàng nhập khẩu bị đội lên rất cao, giảm doanh thu và xói mòn lợi nhuận.
Nếu lãi vay vẫn cao, DN khó chịu đựng nổi. Chưa kể việc DN có tiếp cận được vốn hay không. Bởi vẫn đang có nỗi lo dù room tín dụng được nới thêm, nhưng có thể vốn chỉ được đáp ứng cho những DN mà NH cảm thấy “chắc ăn”, sau khi tình hình nợ xấu có biểu hiện tăng vọt trong quý III.