Ở tầm vi mô, những khoản chi tiêu điển hình bị cắt giảm, theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, bao gồm đi du lịch, ăn uống và giải trí bên ngoài, thậm chí cả mua sắm quần áo mới, tức những nhu cầu không thực sự thiết yếu hoặc bị hạn chế do tác động trực tiếp của dịch bệnh. Thu nhập bị giảm sút cũng khiến người dân quan tâm nhiều hơn đến giá cả khi mua sắm hàng hóa, nhất là dịp lễ, Tết.
Ngoại trừ những sản phẩm liên quan đến sức khỏe, các sản phẩm tiêu dùng có giá phải chăng được cân nhắc hơn so với các sản phẩm có chất lượng cao nhưng đắt đỏ. Bởi vậy, hàng hóa sản xuất trong nước cũng được người tiêu dùng ưu tiên hơn so với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài.
Theo báo cáo về tình hình việc làm 9 tháng năm 2020 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, như mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Trong đó 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Còn theo số liệu cuối năm 2020, Tổng cục Thống kê cho biết tình hình lao động, việc làm quý IV-2020 có nhiều dấu hiệu khởi sắc so với quý III nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tính chung cả năm 2020 cao hơn năm 2019, trong khi số người có việc làm, thu nhập của người làm công ăn lương thấp hơn 2019. Năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp ước tính 2,26% (quý I: 2,02%; quý II: 2,51%, quý III: 2,29 và quý IV: 2,16%)
Xét ở tầm vĩ mô, xu hướng cắt giảm chi tiêu được thể hiện qua các số liệu do Tổng cục Thống kê mới công bố trong báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Theo báo cáo này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 tăng 2,6% so với năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2020 chỉ tăng 0,1% so với tháng 11-2020, tức giá cả hàng hóa gần như không thay đổi; CPI quý IV-2020 tăng 0,22% so với quý III-2020 và tăng 1,38% so với quý IV-2019. Những số liệu này cho thấy xu hướng cắt giảm chi tiêu của người dân và đây cũng là yếu tố then chốt khiến kim ngạch nhập khẩu trong năm 2020 chỉ tăng 3,6%, nhờ đó Việt Nam đạt mức xuất siêu lên tới 19,1 tỷ USD.
Câu hỏi được đặt ra liệu xu hướng tăng tiết kiệm, giảm chi tiêu hiện nay có bền vững, hay chỉ là hiện tượng mang tính nhất thời? Rõ ràng, khi thu nhập bị giảm sút, việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu là điều hiển nhiên, hợp với logic kinh tế.
Do vậy, khi kinh tế phục hồi và thu nhập quay trở lại mức bình thường, có thể nhận định rằng chi tiêu dùng cũng sẽ được cải thiện theo. Tuy nhiên, dù chưa có đủ cơ sở vững chắc để khẳng định, nhưng có một số lý do để thấy rằng xu hướng tăng tiết kiệm, giảm chi tiêu có thể còn kéo dài trong ít nhất vài năm tới.
Lý do đầu tiên là tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Mặc dù vaccine phòng ngừa Covid-19 đã được Việt Nam và nhiều nước trên thế giới thử nghiệm, nhưng để vaccine được phân phối đến đại đa số người dân vẫn cần khoảng thời gian dài. Trong khoảng thời gian này, mức chi tiêu cho các lĩnh vực như du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn… vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn.
Tiếp đó, hiệu quả mang tính lâu dài của các vaccine phòng ngừa Covid-19 cho đến nay vẫn chưa được kiểm chứng. Do vậy, vẫn còn sự lo ngại về tính bất định đáng kể với dịch bệnh trong tương lai, cho dù vaccine được phân phối rộng rãi. Tình trạng không chắc chắn về việc làm, thu nhập bấp bênh do ảnh hưởng của Covid-19 sẽ vẫn ám ảnh người lao động, khiến họ ít lạc quan hơn trong chi tiêu.
Hơn nữa, dịch bệnh Covid-19 cũng đã thay đổi cách nhìn của người dân về nguy cơ của các dịch bệnh tương tự. Nói các khác, những lo ngại về dịch bệnh và hậu quả nó gây ra có thể đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng theo hướng thận trọng hơn trong chi tiêu.
Tâm lý phòng ngừa cho tương lai gia tăng sẽ thúc đẩy người dân tiết kiệm nhiều hơn trong dài hạn. Một số cuộc điều tra, khảo sát cho thấy người dân đang có xu hướng tăng tiết kiệm dưới hình thức mua bảo hiểm. Và xu hướng này có khả năng sẽ tiếp tục trong tương lai.
Về lâu dài, xu hướng tăng tiết kiệm mang lại nhiều lợi ích cho tăng trưởng kinh tế nhờ mức tích lũy và đầu tư cao hơn. Lịch sử phát triển kinh tế của các nước trong khu vực thời gian gần đây như Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là Trung Quốc, cho thấy tỷ lệ tiết kiệm cao hơn sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Tuy nhiên, trước mắt, việc cắt giảm tiêu dùng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tổng cầu và sức mua của nền kinh tế trong ngắn hạn, khiến nhiều ngành sản xuất, dịch vụ gặp khó khăn. Tết Tân Sửu đang tới là cái Tết “khiêm tốn” nhất của người Việt trong nhiều thập niên qua.
Hình ảnh phần lớn người dân mặc những bộ quần áo cũ, đón năm mới tại gia, thưởng thức những món ăn truyền thống sẽ là điều không ngạc nhiên trong Tết Tân Sửu này.