Trung Quốc-Cải cách hướng nào? (K3): Kế sách và kỳ vọng

Trong báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp mới kết thúc, Bắc Kinh đã đưa ra một số kế sách để thực hiện những mục tiêu. Liệu những nỗ lực cải tổ đã thực hiện và sẽ triển khai có đưa Trung Quốc đạt được “giấc mơ Trung Hoa” như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn?

Trong báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp mới kết thúc, Bắc Kinh đã đưa ra một số kế sách để thực hiện những mục tiêu. Liệu những nỗ lực cải tổ đã thực hiện và sẽ triển khai có đưa Trung Quốc đạt được “giấc mơ Trung Hoa” như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn?

Trung Quốc-Cải cách hướng nào? (K2): Đâu là mục tiêu

Trung Quốc-Cải cách hướng nào? (K1): Lưỡng đầu thọ địch

Cam kết thay đổi

Thứ nhất, để bảo đảm kinh tế tăng trưởng ổn định, báo cáo cho biết sẽ thúc đẩy vai trò của tiêu dùng nội địa trở thành lực đẩy quan trọng hơn trong nền kinh tế, đồng thời giảm dần vai trò của đầu tư công. Để thực hiện điều này, Bắc Kinh cam kết sẽ có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm gia tăng thu nhập cá nhân. Thí dụ, sẽ triển khai những biện pháp cải tổ sâu rộng thu nhập xã hội; lương hưu cơ bản của các doanh nghiệp sẽ tăng 10%; cải tổ hệ thống bảo hiểm của cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước và dịch vụ công; cải thiện hệ thống hỗ trợ và phúc lợi xã hội kịp thời với đà tăng của vật giá để bảo đảm mức sống của người dân. Bắc Kinh cũng nhắm đến việc khuyến khích gia tăng tiêu dùng trong các lĩnh vực còn mới mẻ như chăm sóc người già, sản phẩm xanh, văn hóa, giáo dục...

Để cải thiện môi trường tiêu dùng, Trung Quốc sẽ thành lập các hệ thống đánh giá, giám sát chất lượng sản phẩm, dịch vụ; xây dựng cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh... Trong lĩnh vực đầu tư, Bắc Kinh sẽ có những biện pháp để gia tăng sự tham gia của nguồn vốn tư nhân vào các công trình công, kể cả các công trình trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12. Dự kiến đầu tư sẽ tăng 15% trong năm nay.

Thứ hai, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh cải tổ cấu trúc kinh tế. Theo đó, những kế hoạch cải cách hiện có sẽ được cải thiện và thúc đẩy tiến độ, bảo đảm những biện pháp cải tổ đều có hiệu lực. Bắc Kinh cam kết sẽ cân bằng quan hệ giữa nhà nước và thị trường, thông qua việc thành lập một hệ thống thị trường quốc gia cởi mở, thống nhất và mạnh mẽ.

Những điều đó sẽ được thực hiện thông qua những biện pháp chính, như cải tổ sâu rộng quy trình kiểm tra và cấp phép của các cơ quan nhà nước; đẩy nhanh cải cách các doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục thực hiện cải cách hệ thống thuế và tài chính; bảo đảm các dịch vụ tài chính tốt hơn cho nền kinh tế thực; cải tổ sâu rộng hệ thống tài chính và cơ chế đầu tư; thúc đẩy cải cách về giá, mở rộng thí điểm cải tổ giá sản xuất và phân phối điện; cải cách hệ thống đất đai và nông thôn.

Thứ ba, triển khai những chiến lược mở cửa toàn diện để giúp nền kinh tế cạnh tranh hơn trên bình diện quốc tế, nâng cao vai trò của xuất khẩu trong tăng trưởng kinh tế. Theo đó, ngoại thương sẽ được tạo điều kiện phát triển bằng những biện pháp như giúp phổ biến thương hiệu của các sản phẩm, dịch vụ trong nước; cải thiện thương mại điện tử xuyên biên giới, dịch vụ ngoại thương; đánh giá tín dụng khách hàng quốc tế; triển khai các biện pháp kích thích xuất khẩu dịch vụ, lĩnh vực thuê ngoài; mở rộng nhập khẩu công nghệ tiên tiến, thiết bị chính yếu...

Trung Quốc cũng sẽ có những biện pháp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, năng suất cao; cải thiện nền công nghiệp thông qua các biện pháp thúc đẩy sáng tạo; cải thiện phân bổ thành quả phát triển kinh tế giữa các vùng, các khu vực...

Thành hay bại?

Những biện pháp cải tổ mới nhất do Bắc Kinh đưa ra có thể đưa Trung Quốc lên một tầm cao mới như kỳ vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đây vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Trong đó, phần lớn thiên về ý kiến tin rằng Trung Quốc sớm hay muộn cũng sẽ chứng kiến một sự sụp đổ thể chế. Đại diện cho luồng ý kiến này là GS. David Shambaugh, Giám đốc Chương trình chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington. Trong bài viết đăng trên Wall Street Journal ngày 6-3, GS. Shambaugh chỉ ra các lý do để tin rằng Bắc Kinh trước sau cũng phải chứng kiến một sự đổ vỡ.

Đó là việc giới tinh hoa của nền kinh tế Trung Quốc đang sẵn sàng rời bỏ đất nước nếu như hệ thống thực sự bắt đầu sụp đổ. Tính đến năm ngoái, 64% người giàu có ở Trung Quốc đã di cư hoặc đang lên kế hoạch di cư khỏi Trung Quốc. Hiện nay hầu hết người giàu Trung Quốc đều gửi con cái đi học ở nước ngoài, đang thực sự là một “bản cáo trạng” đối với hệ thống giáo dục của đất nước đông dân nhất thế giới này. GS. Shambaugh cho rằng những nỗ lực đàn áp bất đồng chính kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến bất ổn xã hội ngày càng gia tăng. Sự kiểm soát của chính quyền cũng đang tạo ra một xã hội giả dối. “Những biểu hiện giả tạo mang tính diễn kịch đang lan khắp bộ máy chính trị trong mấy năm gần đây” - GS. Shambaugh viết.

Đặc biệt, nạn tham nhũng làm thối nát bộ máy ĐCSTQ, chính quyền và quân đội cũng đã thâm nhập vào toàn bộ xã hội Trung Quốc ngày nay. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập kéo dài hơn và cũng khốc liệt hơn những đợt trước đây, nhưng không một chiến dịch nào có khả năng loại trừ vấn nạn này vì nó đã bắt rễ một cách ngoan cố vào hệ thống chính trị, vào mạng lưới người bảo trợ - khách hàng và một nền kinh tế hoàn toàn thiếu vắng sự minh bạch. Hơn nữa, chiến dịch chống tham nhũng của họ Tập còn làm gia tăng hiềm khích chính trị trong nội bộ ĐCSTQ.

Quang cảnh kỳ họp Quốc hội Trung Quốc.

Quang cảnh kỳ họp Quốc hội Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc dưới con mắt của phương Tây là một cỗ xe hủy diệt không thể dừng lại. Nền kinh tế đó đang bị sa lầy trong một chuỗi những cái bẫy mang tính hệ thống không dễ thoát ra. Dù chính phủ đã công bố những chương trình cải cách kinh tế đồ sộ, nhưng cho tới nay chúng vẫn còn nằm yên trên bệ phóng. “Dù các khoản chi cho tiêu dùng tăng, một số cải cách thuế được thực hiện, nhưng nhìn chung các mục tiêu đầy tham vọng của Tập Cận Bình đã chết yểu. Chương trình cải cách đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của các nhóm lợi ích hùng mạnh, cố thủ ở nơi thâm căn cố đế là những doanh nghiệp nhà nước và đội ngũ quan chức ở địa phương” - GS. Shambaugh viết.

Tim Heath, một nhà phân tích quốc phòng và quốc tế cấp cao của RAND Corporation, cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về chính trị, kinh tế, sinh thái, và các thách thức khác. ĐCSTQ cũng có thể không thực hiện được các cải cách cần thiết. Tuy nhiên, Trung Quốc đang ở đỉnh cao trong việc đạt được tham vọng thế kỷ về phục sinh đất nước, vì vậy  việc dự báo, phân tích nên thận trọng.

Các tin khác