Tuy nhiên, những người có kinh nghiệm làm du lịch lâu năm cho rằng, du khách sẽ tăng nhưng không quá lớn như kỳ vọng. Bởi lẽ, ngoài yếu tố gia tăng thời gian lưu trú còn cần có rất nhiều yếu tố khác thay đổi nữa, nếu không du khách lưu trú lâu không có gì chơi lại dễ chán.
Những yếu tố truyền thống giữ chân khách như ẩm thực ngon lạ, cảnh quan đẹp, con người thân thiện cần được phát huy. Những loại hình mới như kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè, văn hóa bản sắc vùng miền cần được nâng lên cấp độ mới ngang tầm khu vực.
Có thể nói, bí quyết hút khách du lịch được gói gọn trong 2 chữ “độc đáo và khác biệt”. Nếu du khách đến thấy các “mảng miếng du lịch” của Việt Nam không khác hơn, lạ hơn Thái Lan, Singapore, Malaysia, họ mau chán, đến rồi không quay lại nữa.
Lý do Phú Quốc mất điểm trong mắt du khách nước ngoài, nhất là du khách châu Âu, chính ở chỗ Phú Quốc dày đặc các bản sao vụng về phong cách kiến trúc và các công trình nổi tiếng của Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp, La Mã, Maldives… du khách không còn xa lạ.
Một trong số các loại hình văn hóa hút khách du lịch nước ngoài là lễ hội địa phương. Qua lễ hội này du khách được biết về văn hóa, phong tục tập quán, con người của mỗi vùng miền. Trong lễ hội mọi người đều bình đẳng, người già, trẻ em, nam nữ thanh niên đều có thể tham dự theo khả năng và sở trường của mình.
Chính nhờ lễ hội các nhóm người có màu da, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch khác nhau có thể đến với nhau trong niềm vui chung. Thậm chí, người không đồng ngôn ngữ vẫn có thể hòa mình vào không khí lễ hội. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với khách nước ngoài khi đến vùng đất xa lạ.
Việt Nam là nước có rất nhiều lễ hội. Hiện cả nước có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng, chưa kể các lễ hội nghề nghiệp, cộng đồng, dòng họ... Nơi có lễ hội dày đặc nhất là vùng châu thổ sông Hồng, được coi là chiếc nôi của nền văn minh lúa nước, làng nào, dòng họ nào cũng có lễ hội của riêng mình. Một trong số những đặc điểm nổi trội nhất của phần lễ lẫn phần hội là tính hướng nội.
Chính vì các loại lễ hội này xuất phát từ nền nông nghiệp và nuôi dưỡng sau lũy tre làng, nên về cơ bản nó hướng đến thỏa mãn và phục vụ cộng đồng và bà con thân thuộc. Ngay các lễ hội ở Nam bộ, dù thoáng hơn về phần lễ nghi, cởi mở hơn về phần hội, hay lễ hội của người Việt, người Khmer, người Hoa cũng gói gọn trong cộng đồng mình.
Chính tính hướng nội mạnh mẽ này người ngoài không thể tham gia ở bất cứ khâu nào, chỉ đứng bên ngoài ngó, xem, phần tham gia được chủ yếu là phần ẩm thực sau lễ hội. Trong khi đó, phần hậu của nhiều lễ hội khiến người nước ngoài cảm thấy phản cảm như xẻ trâu sau cuộc thi, mổ lợn sau lễ chém lợn…
TS. nhân học Michael, sống ở Việt Nam hơn 5 năm, nói thạo tiếng Việt, viết trên facebook của mình “đến các lễ hội Việt Nam cứ lơ ngơ như “bò đội nón”, không sao thâm nhập để cùng chơi…”.
Ở các nước, ngoài lễ hội người nhà với nhau, có rất nhiều lễ hội bất kỳ ai cũng tham gia được. Điển hình như lễ hội té nước cổ truyền diễn ra vào tháng 4 ở Thái Lan (gọi là Songkran), ở Myanmar (gọi là Thingyan), ở Lào (gọi là Bun Pi Mai), ở Campuchia (gọi là Chol Chnam Thmay). Trong ngày lễ té nước này, tất thảy mọi người, nhất là những người nước ngoài, được tham gia hết mình và sung sướng thốt lên “vui khủng khiếp” cho dù ai cũng ướt như chuột lột.
Ở châu Âu hầu hết các lễ hội trong năm ai cũng tham gia, đóng vai trò này hay vài trò khác trong cuộc chơi. Một vài lễ hội mang tầm quốc tế như thế như Lễ hội ném cà chua của Tây Ban Nha (La Tomatina) sử dụng hết 200 tấn cà chua cho 1 ngày tấn công lẫn nhau. Lễ hội ném cam ở Italia diễn ra 3 ngày tiêu tốn 300.000kg cam…
Có thể kể thêm, lễ hội bia Oktoberfest (tháng 10) tại Đức được mô tả là “bia chảy như suối”, thu hút hàng triệu người tham dự. Hay lễ hội xúc xích với 250 loại xúc xích tổ chức hàng năm cũng ở Đức. Lễ hội lấy gối đập vào nhau diễn ra ở rất nhiều thành phố của New York (Mỹ), London (Anh), Amsterdam (Hà Lan), Melbourne (Australia)...
Rồi lễ hội bò tót ở Tây Ban Nha. Đặc biệt, lễ hội rượu Vang được tổ chức rầm rộ ở hầu hết nước châu Âu, như lễ hội rượu Bandol vùng Provence (Pháp); lễ hội Wine Down Under (Australia); lễ hội rượu Mosel (Đức); lễ hội Sherry ở thành phố Jerez (Tây Ban Nha); lễ hội Chianti vùng Toscana (Italia). Lễ hội ném bột màu Holi, hay còn gọi là "Lễ hội Sắc màu" của người dân Ấn Độ thu hút hàng triệu người tham dự…
Chúng ta có thể liệt kê thêm rất nhiều loại lễ hội như thế, mà một trong số các đặc tính quan trọng của nó là “đồng tham gia” (participation). Chính nhờ điều này, mỗi lễ hội thu hút hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu khách nước ngoài tham gia, và doanh thu từ những lễ hội ấy cực lớn. Chẳng hạn, doanh thu từ lễ hội Carnival của thành phố Rio de Janeiro (Brazil) lên đến hơn 1 tỷ USD, cho thấy sức hấp dẫn của lễ hội cao đến mức nào.
Trong vài năm gần đây, một số địa phương đã cố gắng lôi kéo khách du lịch vào chơi chung, như múa sạp, múa xòe, ném còn của người Thái; múa cồng chiêng của đồng bào Tây nguyên. Một vài tỉnh, thành du nhập các lễ hội từ nước ngoài, như Quảng Ninh với lễ hội Carnival; quận 7 TPHCM với lễ hội Halloween; lễ hội nhảy dù ở Mù Căng Chải, Yên Bái.
Đó là những cố gắng đáng ghi nhận, nhưng quả thật là còn quá ít ỏi, hiệu ứng chưa đủ mạnh. Chúng ta cần nghiên cứu để du nhập những lễ hội hiện đại và cải tiến một số lễ hội về quy mô và hình thức, để khách thập phương có thể cùng chơi, cùng vui.