Việt Nam vẫn là điểm đáp lý tưởng của các 'đại bàng'

(ĐTTCO) - Dù bất ổn trong hệ thống ngân hàng và làn sóng lãi suất cao, nhưng Việt Nam tiếp tục nổi lên bởi có tăng trưởng GDP ấn tượng trong 2022 và dự báo khả quan trong 2023.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper tham quan nhà máy GE tại Hải Phòng. Ảnh: VIẾT CHUNG
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper tham quan nhà máy GE tại Hải Phòng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Liệu đó có phải những lý do khiến các “đại bàng” FDI vẫn nhắm đến thị trường Việt Nam?

Tốt nhất châu Á

Trên Diễn đàn Đông Á (Eastasia Forum), GS. Edmund Malesky của Đại học Duke (Mỹ), cho rằng Việt Nam đã kết thúc năm 2022 với tư cách là “nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở châu Á”, phần lớn nhờ khả năng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển từ Trung Quốc sang. Trong đó, ít nhất 11 công ty Đài Loan trong chuỗi cung ứng của Apple đã chuyển đến Việt Nam, hiện các cuộc đàm phán đang được tiến hành để tăng cường sản xuất máy tính bảng và điện thoại thông minh.

Lego đã mở nhà máy trị giá 1 tỷ USD ở tỉnh Bình Dương. Các nhà đầu tư FDI đã hiện hữu, như Samsung và Intel, cũng tăng cường và mở rộng hoạt động ở Việt Nam. Tổng vốn FDI tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, thêm 1.570 dự án mới trị giá 9,9 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 5,7% lên 58,3 tỷ USD.

GS. Malesky cho biết, sự quan tâm của các nhà đầu tư đến Việt Nam tăng mạnh từ năm 2018 khi thuế quan của Mỹ làm tăng chi phí kinh doanh tại Trung Quốc. Nhiều công ty đã sản xuất hầu hết hàng hóa của họ ở Trung Quốc trong khi duy trì một số cơ sở ở Việt Nam, như một biện pháp dự phòng.

Do thuế quan của Mỹ, các công ty này đã chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Mức lương thấp ở Việt Nam cũng là điểm thu hút khác khi chưa bằng một nửa mức lương cho vị trí tương đương ở Trung Quốc vào năm 2019.

Để tăng sức hấp dẫn như điểm đến đầu tư sinh lợi, Việt Nam cần cải cách mạnh hơn nữa, củng cố niềm tin nhà đầu tư FDI.

Kể từ năm 2020, dòng vốn FDI di chuyển khỏi Trung Quốc đã tăng tốc do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung, dịch Covid-19 và độ mở của Việt Nam đối với các thị trường lớn trên thế giới.

Thương chiến Mỹ-Trung đã khiến các nhà đầu tư ngày càng khó khăn khi xuất khẩu từ Trung Quốc, nên họ đã chọn cách đa dạng hóa sang các nước khác ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Việt Nam cũng ghi điểm bởi luôn tăng trưởng mạnh và ổn định, từ năm 2000-2022, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng hơn 10 lần, từ 39,5 tỷ USD lên 409 tỷ USD. So với năm 2021, GDP năm 2022 tăng tới 8,02%, là con số rất ấn tượng trong thời kỳ hậu Covid.

Điểm đáp ưa thích của các “đại bàng”

Theo nghiên cứu gần đây của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các nhà điều hành doanh nghiệp châu Âu tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm hấp dẫn cho FDI, với 3% đưa Việt Nam vào danh sách 3 điểm nóng đầu tư toàn cầu hàng đầu của họ; 36% xác định Việt Nam là 1 trong top 5 địa điểm đầu tư hàng đầu trên thế giới. Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của EuroCham, dùng để đánh giá môi trường kinh doanh cộng đồng đầu tư và kinh doanh châu Âu tại Việt Nam, không đổi ở mức 48 điểm trong quý I-2023.

Theo phản hồi từ những người tham gia khảo sát, việc đơn giản hóa quy định, các sáng kiến phát triển bền vững, khuyến khích đầu tư và các chương trình phát triển lực lượng lao động, đã tạo ra những điều kiện thiết yếu cho sự thành công kinh tế lâu dài.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, cộng đồng doanh nghiệp và đầu tư ở châu Âu tỏ ra hài lòng với các hoạch định chính sách về kinh doanh tại Việt Nam. 1/3 số người tham gia thể hiện sự hài lòng đáng kể hoặc vừa phải, chứng tỏ cam kết liên tục của Chính phủ trong việc thúc đẩy môi trường thân thiện với doanh nghiệp.

Hồi tháng 3, phái đoàn gồm 52 doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam để tìm hiểu các cơ hội đầu tư kinh doanh. Phái đoàn bao gồm các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như năng lượng, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất, công nghệ thông tin, y tế, hậu cần, du lịch, hàng không vũ trụ và quốc phòng. Trong đó, có những cái tên đình đám như Apple, Coca-Cola, PepsiCo, SpaceX, Pfizer, Johnson & Johnson, Abbott, Visa, Citibank, Meta, và Amazon Web Services, Boeing, Lockheed Martin, Bell…

Ông Lawrence D. Bushnell, Chủ tịch Gratia Dei Seafoods, bang Alaska, nói: “Với dân số 100 triệu người và thu nhập của người dân ngày càng tăng, thị trường Việt Nam là mục tiêu của doanh nghiệp Mỹ”.

Nỗ lực “lót ổ”

Gần đây, những nỗ lực “đốt lò” chống tham nhũng của Việt Nam được giới đầu tư đánh giá cao. Các nhà đầu tư FDI nhìn nhận đây là quyết tâm của Việt Nam trong việc minh bạch hóa môi trường đầu tư. GS. Malesky cũng cho rằng cùng với nỗ lực chống tham nhũng và hối lộ, Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia. Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cũng đã tập trung vào việc cải thiện nguồn nhân lực.

Theo khảo sát PCI 2021, các nhà đầu tư FDI lạc quan hơn về khả năng cải thiện nguồn nhân lực trong tương lai, khi đánh giá giá trị của các chương trình đào tạo kỹ thuật và chuyên môn tại Việt Nam. Xếp hạng của họ về chất lượng lao động địa phương đã được cải thiện đều đặn cho cả giáo dục phổ thông và dạy nghề.

GS. Malesky cũng đánh giá cao nỗ lực mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng để cải thiện khả năng hấp thụ đầu tư của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Ông nói báo cáo PCI 2018 cho thấy cơ sở hạ tầng của Việt Nam không phải là lợi thế so sánh đối với các công ty nước ngoài khi chọn địa điểm đầu tư.

Nhưng đến năm 2021, đánh giá của nhà đầu tư đã tăng vọt so với năm 2017 về chất lượng đường bộ (từ 3,72 lên 4,44), kết nối cảng với đường cao tốc (từ 4,02 lên 4,49) và kết nối đường sắt - đường cao tốc (từ 3,97 lên 4,41). Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao thậm chí còn nhận thức tốt trong tất cả hạng mục cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, trong khảo sát đầu tháng 4 của EuroCham, các chủ doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng tình trạng mập mờ về quy định, quản lý kém hiệu quả và những khó khăn về thị thực và giấy phép lao động vẫn tiếp diễn.

Ngành công nghiệp sản xuất gặp thách thức từ các thủ tục hải quan phức tạp, trong khi các công ty dịch vụ phải đối mặt với những trở ngại đáng kể về thị thực và giấy phép lao động. EuroCham cho biết có 55% nhà quản lý châu Âu ở Việt Nam không thuê thêm người trong quý II, trong khi 16% đã cắt giảm việc làm. Chỉ khoảng 25% vẫn lạc quan về kế hoạch nhân sự của họ.

Các tin khác