Vụ 100 container hạt điều bị lừa: Còn nhiều vấn đề phía trước

(ĐTTCO)-100 container hạt điều trị giá gần nghìn tỷ đồng xuất sang Italia có nguy cơ bị chiếm đoạt khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận một đồng nào từ đối tác mà đã trao gần hết chứng từ gốc và “người mua” đã chờ sẵn ở cảng để đòi nhận hàng!
Vụ 100 container hạt điều bị lừa: Còn nhiều vấn đề phía trước

Vụ lừa đảo có quy mô lớn chưa từng có đã được tháo gỡ kịp thời với sự vào cuộc gấp rút của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan, Thương vụ Việt Nam tại Italy, các doanh nghiệp và Hiệp hội Hạt điều Việt Nam cùng sự phối hợp tích cực từ phía Đại sứ quán và các cơ quan chức năng của Italy! Một lần nữa câu chuyện về thận trọng trong kinh doanh, tìm hiểu kỹ đối tác để tránh lừa đảo thương mại tiếp tục là bài học lớn đối với các doanh nghiệp Việt.

PV đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán thương mại Việt nam tại Italy để hiểu bản chất vấn đề cùng những việc đã và đang gấp rút triển khai để giải quyết vụ việc.

PV: Thưa ông, cách đây 1 tháng, ngay khi nhận thông tin báo cáo sự việc về lô hàng container xuất hẩu hạt điều sang Italy có dấu hiệu bị lừa đảo, Thương vụ tại Italy đã có các biện pháp và hoạt động hỗ trợ như thế nào ?

Ông Nguyễn Đức Thanh: Ngày 5/3/2022 mới chỉ có 1 doanh nghiệp báo cáo sự việc, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã ngay lập tức khởi hành đi gần 700km đến cảng biển Genova, phía Bắc Italy, để xử lý vụ việc, vì nếu chậm một tí là bên mua có thể thông quan nhận hàng của Việt Nam mà không trả tiền.

Thương vụ đã làm việc với hãng tàu COSCO và các cơ quan liên quan. Đã có vài container hạt điều của Việt Nam cập cảng và đúng lúc Thương vụ đến thì người mua đã trả phí cảng và nộp bộ chứng từ gốc để đòi nhận mấy container này. Hãng vận tải giải thích theo luật thương mại quốc tế thì hãng phải giao hàng cho người nhận có bộ chứng từ gốc, không thì họ sẽ kiện.

Thương vụ giải thích sự việc người xuất khẩu Việt Nam bị lừa vì chưa nhận được tiền mà người mua đã lấy được bộ chứng từ gốc theo một cách nào đó ở bên Italy. COSCO thấy Tham tán Thương mại Việt Nam trực tiếp đến rất nhanh để ngăn chặn vụ việc nên tin tưởng Thương vụ Đại sứ quán không thể lừa dối được và tham vấn với các luật sư, nên đã đồng ý dừng ngay việc giao lô hàng cho người mua.

Ngày 8/3, Thương vụ ĐSQ mới nhận được công văn của Hiệp hội hạt điều là có gần 10 công ty xuất khẩu Việt Nam đã xuất đi 100 cont cho nhóm công ty lừa đảo Italy trị giá gần ngàn tỷ đồng! Thực là một vụ lừa đảo quy mô lớn chưa từng xảy ra!

Đại sứ quán VN tại Italy đã gửi Công hàm tới các Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh Tài, Bộ Kinh tế phát triển, các cơ quan cảng biển, hải quan, cảnh sát kinh tài, phòng thương mại khu vực, DHL, ngân hàng... để thông báo vụ việc lừa đảo lớn này và phối hợp hỗ trợ.

Thương vụ cũng ngay lập tức triển khai tiếp hướng dẫn những việc cần làm: Các bộ hồ sơ gốc chưa gửi phải giữ lại ngay; bộ nào gửi DHL rồi phải yêu cầu gửi trả lại ngay; bộ nào đã bị nhóm người xấu nhận rồi phải báo chi tiết tên người nhận, thời gian và địa điểm nhận để tìm cách truy vết. Tại Việt Nam, đề nghị Hiệp hội và doanh nghiệp làm việc để Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, Tòa Kinh tế TPHCM ra phán quyết khẩn cấp yêu cầu các hãng tàu tạm dừng việc giao hàng đã đến cảng Italy cho người có chứng từ gốc.

Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc rất nhanh, yêu cầu 5 bộ ngành Công Thương, Ngoại giao, Nông nghiệp, Giao thông Vận tải, Công an... tích cực triển khai các biện pháp tiếp theo để xử lý vụ việc này. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có thư gửi Đại sứ Việt Nam tại Italy và các Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính, Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Cộng hòa Itaila đề nghị các bên cùng phối hợp tham gia hỗ trợ giải quyết sự việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam.

PV: Phải nói rằng nếu không có sự vào cuộc kịp thời của Thương vụ tại Italy và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, doanh nghiệp đã mất trắng 100 container hạt điều trị giá gần nghìn tỷ đồng. Trực tiếp vào cuộc với doanh nghiệp trong sự cố này, ông nhận thấy vấn đề mấu chốt của sự việc là gì?

Ông Nguyễn Đức Thanh: Hãng tàu Cosco đã rất ngạc nhiên khi thấy tham tán đến tận nơi, trực tiếp nên họ tin ngay, các luật sư đã vào cuộc ngay lập tức. Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli, lãnh sự danh dự Việt Nam tại Torino, phòng thương mại Italy tại Torino, Hội hữu nghị người Việt tại Genova đã cùng vào cuộc với chúng tôi, kịp thời ngăn chặn việc nhóm lừa đảo có thể lấy được chứng từ gốc và lấy được hàng; đến lúc này không lấy được một hạt điều nào của Việt Nam.

Mấu chốt của sự việc không phải do DNVN yếu kém về nghiệp vụ, đó là DNVN quá thật thà, tin người môi giới từng giúp xuất khẩu một vài lô hàng rồi nên người môi giới bảo làm gì đều ký tất; không tự mình xác minh đối tác trước khi ký kết hợp đồng, không áp dụng đúng phương thức thanh toán cho khách hàng mới và để mất thông tin bí mật kinh doanh như tiết lộ mã số theo dõi tracking của BCTG gửi theo DHL, họ dùng mã số đó để theo dõi và lấy trộm hàng; đó là một điểm yếu.

PV: Có ý kiến chuyên gia cho rằng, việc xuất khẩu 100 container hạt điều nói trên rủi ro là vì sử dụng phương thức thanh toán D/P (nhờ thu kèm chứng từ). Phương thức thanh toán này có lợi thế là thủ tục đơn giản, không mất phí, nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn, nhưng rõ ràng cũng rất rủi ro, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Thanh: Trong thương mại quốc tế có rất nhiều phương thức thanh toán khác nhau và đều có nhiều rủi ro, ví dụ như: điện chuyển tiền (T/T), trả tiền nhận chứng từ (D/P), CAD, thư tín dụng (L/C). Hình thức thanh toán nào thì cũng đều có ưu, nhược điểm từ góc độ của mỗi bên tham gia kinh doanh cũng như kỹ thuật có nhiều yếu tố.

Phương thức D/P nghe có vẻ không có lợi nhưng là phương thức ít tốn kém chi phí giữa người mua và người bán có quan hệ tốt từ trước, khách hàng truyền thống, tin tưởng nhau gần như hoàn toàn; nhưng rủi ro vẫn chủ yếu do bên bán chịu, do giá cả thay đổi trên thị trường... khiến người mua đổi ý muốn gây sức ép giảm giá... Riêng trong những ngành như hạt điều, phải dùng nhiều phương thức D/P vì người mua không chấp nhận L/C mất thời gian, chi phí cao.

Theo tôi, với phương thức D/P là phải với khách hàng truyền thống; còn nếu người mua mới thì tối thiểu phải đặt cọc tối thiểu 10-50% trị giá, phần còn lại bằng L/C, hoặc kiểm tra kỹ người mua rồi mới giao hang, chỉ gửi bộ chứng từ photo thôi… phần tiền còn lại nhận xong, nhận được tiền chứ không phải giấy chuyển tiền giả; rồi mới gửi bộ chứng từ gốc đi. Môi giới là cần thiết trong thương mại quốc tế nhưng tin người môi giới, vẫn phải kiểm tra kỹ đối tác, với thời buổi công nghệ hiện nay, có thể có nhiều cách để kiểm tra người mua…

Ngoài các phương thức trên thì có những phương thức hỗn hợp...mà không thể nêu hết được. Những phương thức dựa trên lòng tin thì kể cả hai bên ghi số, cho nhận hàng bán rồi trả sau... rồi hàng đổi hàng. Trước đây có Tổng công ty XNK Tổng hợp I thường xuyên thực hiện xuất nhập khẩu theo phương thức hàng đổi hàng với khách hàng nước ngoài có quan hệ truyền thống tốt.”

PV: Như ông vừa đánh giá thì mấu chốt là do doanh nghiệp quá tin tưởng người môi giới dẫn đến bị lừa hàng loạt. Hay thậm chí thời gian đầu khi sự việc xảy ra còn có nghi ngờ doanh nghiệp khai gian để ăn tiền bảo hiểm… Vậy theo ông thì  các doanh nghiệp cần rút kinh nghiệm ra sao từ vụ việc này và rõ ràng doanh nghiệp cần nắm bắt thêm các thông tin về thị trường châu Âu?

Ông Nguyễn Đức Thanh: Chuyện Doanh nghiệp hay cá nhân lừa dối để lấy tiền bảo hiểm thì cũng có xảy ra, về xuất nhập khẩu ở Việt Nam thì chưa có. Chuyện lừa dối thế này tôi làm thương vụ nhiều năm thì tôi gặp nhiều rồi. Doanh nghiệp Việt Nam cả tin, thật thà quá, nhiều khi tin đối tác nước ngoài hơn cả đối tác Việt Nam. ở đâu cũng có chuyện lừa dối, ở Mỹ, ở Nhật, ở những nước giàu có văn minh khắp nơi vẫn có tồn tại những người lừa dối, gian lận. Tóm lại phải kiểm tra thật kỹ đối tác. Bây giờ là kinh tế mở, toàn cầu hóa, thương vụ ở hơn 50 nước luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi đang hỗ trợ hàng ngày hàng giờ, rất nhiều doanh nghiệp thường xuyên liên lạc với chúng tôi.

Thứ hai, tự doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ tiền thuê nhân viên có ngoại ngữ, chuyên môn ngoại thương thì mấy doanh nghiệp có thể cùng thuê một cán bộ hợp đồng. Vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp phải được thúc đẩy trong đào tạo, nhắc nhở, khuyến cáo về chuyên môn nghiệp vụ; các trường đại học của chúng ta cũng có các khóa đào tạo; Nói tóm lại là phải nâng cao đào tạo, phổ biến kiến thức, và quan trọng nhất là chống lừa đảo thương mại, nó gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của chúng ta.

PV: Được biết một số container doanh nghiệp đã tái xuất khẩu sang các nước khác. Xin ông cho biết các công việc Thương vụ và doanh nghiệp phải xử lý tiếp theo trong những ngày tới?

Ông Nguyễn Đức Thanh: Tóm tắt lại là ký hợp đồng 100 container, chúng ta đã kịp thời dừng lại và chỉ giao 74 container. Trong số 74 container, thì chúng ta mất quyền kiểm soát đối với 35 bộ chứng từ. Trong số 39 container mà chúng ta nắm được bộ chứng từ gốc trong tay, thì đã bán được 17 container, trong đó đi Hà Lan 10 công, Thổ Nhĩ kỳ 3 công, Thụy Điển 2 công và vào thị trường Italy 2 công. Và 12 công đang đàm phán giá cước để chở về Việt Nam như vậy chỉ còn khoảng 10 công có bộ chứng từ gốc cần xử lý tiếp.

Trong số 35 công mất chứng từ gốc thì như đã báo cáo, trong thời gian gần đây có 1 công ty mua điều (công ty C.N Srl ở Napoli) trong nhóm 5 công ty Italy đã phản hồi và email cho Luật sư là không biết việc có người đứng tên công ty mình và làm với Việt Nam và đã có email bảo đảm (PEC) từ chối nhận lô hàng 9 công để hãng tàu trả lại quyền sở hữu cho người bán. Nhưng vì theo thông lệ quốc tế, công ty Việt Nam vẫn phải đặt cọc/bảo lãnh ngân hàng hơn 100% trị giá container thì mới thực sự giành lại được sở hữu nên vẫn là khó khăn lớn cho doanh nghiệp.

Và có 3 container đã được đặt cọc/bảo lãnh ngân hàng nên doanh nghiệp đã cho lên tầu về lại Việt Nam. Như vậy còn 23 container mất chứng từ đang được xử lý tiếp. Còn lại một số container khác còn hoặc bị mất chứng từ gốc nhưng khách hàng đang muốn mua và đàm phán để đưa vào thị trường châu Âu.

Khả năng tiêu thụ không phải khó, nhưng phải giải quyết việc đòi lại bộ chứng từ gốc từ nhóm người mua. Thứ hai, tiếp tục điều tra các công ty mua điều, thúc đẩy phía các công ty này ký giấy xác nhận không nhận hàng hóa để trả lại quyền sở hữu cho người bán, tuy nhiên điều này vô cùng khó khăn, vì công ty mua điều có thể là những công ty thực tế không tồn tại và chủ công ty cũng không thấy xuất hiện.

Luật sư phối hợp với thương vụ, Đại sứ quán và các cơ quan tại Italy cũng như các doanh nghiệp Việt Nam cùng với Hiệp hội điều cần đẩy nhanh quá trình kiện ra tòa Việt Nam và tòa Italy; Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam. Cả hai bên hai phía đều phải cùng phối hợp để làm tốt quá trình này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Các tin khác