Bài học cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu

(ĐTTCO) - Trả lời ĐTTC, TS. HÀ ĐĂNG SƠN, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh (CEGR), nhận xét cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại nhiều quốc gia và Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Đây là lúc Việt Nam cần nhìn nhận nghiêm túc về chiến lược an ninh năng lượng quốc gia để có những điều chỉnh chính sách phù hợp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá như thế nào về cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới và đâu là nguyên nhân chính?
TS. HÀ ĐĂNG SƠN: - Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở một số nền kinh tế lớn châu Âu và Trung Quốc. Giá khí đốt tăng cao, kéo theo chi phí sản xuất và vận tải hàng hóa tăng mạnh, đã và đang làm chậm sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19.
Một tác động trực tiếp tới nền kinh tế của châu Âu là giá điện đã tăng lên ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó Anh là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất. Đây cũng là bức tranh cho thấy một nền kinh tế trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu năng lượng, từ dựa trên cơ sở các nguồn năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ tiềm ẩn rất rủi ro, bất ổn.
Tại châu Á, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang đối mặt với việc thiếu điện và đã phải cắt giảm tiêu thụ điện.
Về nguyên nhân, đầu tiên do giá nhiên liệu giảm mạnh trên toàn cầu đầu năm 2020 do xu hướng chuyển dịch năng lượng của các quốc gia phát triển sang NLTT. Cũng trong năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu về năng lượng giảm sút, kéo theo việc đầu tư cho các hoạt động khai thác, sản xuất năng lượng giảm, dẫn tới thiếu nguồn cung trong ngắn hạn.
Trong khi đó, châu Âu phải đối mặt với một mùa đông rất khắc nghiệt, nên nhiều quốc gia đã tiêu dùng hầu hết nguồn nhiên liệu dự trữ. Bước sang năm 2021, nhu cầu về năng lượng của thế giới bắt đầu hồi phục và tăng trưởng. Song các quốc gia châu Âu phải mua các nhiên liệu dự trữ cho mùa đông năm 2021, đã khiến nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch tăng.
Các quốc gia ở châu Âu và châu Á bắt đầu cạnh tranh để có được nguồn khí đốt hạn chế do Mỹ, Na Uy, Nga, khu vực Trung Đông cung cấp, khiến giá khí tự nhiên tăng mạnh.
Việc giá khí đốt tăng phi mã dẫn tới sự xê dịch ngược khi một số quốc gia bắt đầu chuyển từ tiêu thụ khí sang than để có mức giá rẻ hơn. Điều này cũng gây áp lực lên một số quốc gia châu Á có tỷ trọng sử dụng than cao phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn cung và giá tăng. 
Tại Anh, các tác động kép như giá nhiên liệu đầu vào tăng, năng lượng gió bị sụt giảm, điện nhập khẩu suy giảm, dẫn tới cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Sản lượng điện gió của Anh nửa đầu tháng 9 giảm một nửa so với cùng kỳ 2020. Cũng trong tháng 9, một vụ hỏa hoạn đã gây sự cố lên đường dây truyền tải điện giữa 2 nước Anh và Pháp dẫn tới sụt giảm nguồn điện nhập khẩu. 
Còn tại Trung Quốc, bên cạnh nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng đột biến, chính sách mới về cắt giảm khí nhà kính cũng là nguyên nhân dẫn tới thiếu điện.
Rất nhiều nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng giá nhiên liệu tăng cao vừa bị áp đặt về chỉ tiêu phát thải khí nhà kính, nên họ lựa chọn giảm sản xuất điện để tránh chịu hậu quả kép: vừa bị lỗ vừa bị phạt do phát thải.
- Cuộc khủng hoảng năng lượng của thế giới tác động như thế nào đến Việt Nam, thưa ông?
- Việt Nam bắt đầu chuyển sang nhập khẩu thuần năng lượng từ năm 2015, nên việc tăng giá nhiên nhiệu dẫn tới chi phí đầu vào đối với các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu nhập khẩu sẽ tăng.
Chi phí sản xuất điện tăng lên sẽ gây áp lực lớn với ngành điện. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng nguồn NLTT, nhưng buộc phải đảm bảo các chi phí điện năng phù hợp đối với khả năng chi trả của người dân, đồng thời đảm bảo cung ứng đầy đủ điện với chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là thách thức rất lớn.
Có thể nói, giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phụ tải điện giảm nên Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ điện. Tuy nhiên, thời gian tới, khi nền kinh tế  mở cửa trở lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi, việc cung ứng điện sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bởi hiện các nguồn điện phát triển rất chậm.
Với các nguồn hiện có, thủy điện do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên có đủ nguồn nước hay không là câu hỏi lớn. Còn các nguồn NLTT như điện gió, điện mặt trời có sự rủi ro lớn về mức độ biến động, khó dự báo.
Vương quốc Anh dựa phần lớn vào nguồn điện gió, khi sản lượng điện gió không đáp ứng được nhu cầu, phải huy động các nguồn dự phòng khác, chủ yếu là các nguồn hóa thạch. Tuy nhiên, sự khác biệt của Việt Nam và Anh là nhu cầu tiêu dùng năng lượng của Anh đang giảm dần, do đó áp lực thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Ở Việt Nam khi nhu cầu cả về năng lượng sơ cấp và điện năng tăng liên tục, trong trường hợp có sự sụt giảm về NLTT, câu hỏi đặt ra là chúng ta lấy nguồn ở đâu để bù?
- Việt Nam cần làm gì để đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn tới, thưa ông?
- Cần phải nhìn nhận rằng việc đa dạng hóa nguồn cung đồng thời tiếp tục chuyển dịch sang sử dụng NLTT là lựa chọn dài hạn để giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch.
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có chiến lược phù hợp và có kế hoạch đầu tư cho lưới điện truyền tải liên vùng, liên quốc gia; xem xét các công nghệ lưu trữ năng lượng…
Riêng đối với nguồn nhiên liệu nhập khẩu, phải có sự chủ động trong việc mua các nhiên liện ngắn hạn, trung hạn; đầu tư hạ tầng các kho chứa…
Quy hoạch điện VIII dự kiến giảm công suất nguồn điện than, bổ sung nhiều nguồn điện sử dụng khí LNG. Do đó việc đảm bảo các hợp đồng cung ứng nguồn nhiên liệu dài hạn với giá cả hợp lý là cực kỳ quan trọng.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác