Mấu chốt vẫn là Trung Quốc
Tờ Nhà Ngoại giao (The Diplomat) cho rằng các đồng minh của Mỹ đã trở nên thoải mái với cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc, nên lo lắng về chiến thắng của ông Biden. Tương tự, nhiều quan chức ở Tokyo, Đài Bắc, New Delhi, Singapore… bình luận: “Các chính sách của Trump không hoàn hảo, nhưng cách tiếp cận mạnh mẽ hơn của ông đối với Bắc Kinh được hoan nghênh”.
Hoặc Ấn Độ, khi phải vật lộn với mối quan hệ Trung-Ấn đang xấu đi nhanh chóng, New Delhi cũng đang tỏ thái độ coi trọng các chính sách chống Trung Quốc của ông Trump. Ít nhất, sự xuất hiện của ông Biden có thể làm phức tạp vị trí chiến lược của Ấn Độ, như nhà bình luận đối ngoại Raja Mohan đã lập luận gần đây, khi ông dự đoán Biden sẽ ít đối đầu hơn với Trung Quốc trong khi chấm dứt cách tiếp cận khoan dung của Trump với Nga.
“Những căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ-Nga và mối quan hệ hợp tác Trung-Mỹ dưới thời Biden chắc chắn sẽ làm phức tạp mối quan hệ với các cường quốc của Ấn Độ” - ông viết.
Những lo lắng tương tự cũng được tìm thấy ở Đài Loan, nơi các quan chức đối ngoại rất nhạy cảm với những thay đổi trong chính sách Trung Quốc của Mỹ. Chieh-Ting Yeh, Phó Chủ tịch Viện Đài Loan toàn cầu, một nhóm chính sách có trụ sở tại Washington, cho biết: “Đài Loan đã được hưởng lợi trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump”. Phát biểu trước nhiều người ở Đài Loan, ông ủng hộ “quá trình hiện tại thay vì những lời hứa chiến dịch chưa được kiểm chứng”.
Nhà ngoại giao cấp cao người Singapore Bilahari Kausikan nhận định trong một cuộc thảo luận trực tuyến gần đây: “Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ vì ông Trump. Tôi nghĩ giờ đây nó là một đặc điểm cấu trúc trong chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như của quan hệ quốc tế”.
Một nhà ngoại giao Đông Nam Á có trụ sở tại Washington, cho biết có quan điểm đồng thuận ở nước ông rằng phần lớn chính sách của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc sẽ được ông Biden giữ lại nếu ông đắc cử. “Trong kịch bản như vậy, Đông Nam Á sẽ tiếp tục chịu đựng sự tác động tiêu cực khi Mỹ và Trung Quốc còn cãi vã” - nhà ngoại giao này nói.
ASEAN muốn được tôn trọng hơn
ASEAN muốn được tôn trọng hơn
Hơn bất cứ điều gì, tổng thống Mỹ tiếp theo cần xuất hiện tại các hội nghị thượng đỉnh khu vực, một tín hiệu quan trọng về cam kết khu vực của Washington. Hunter Marston, nghiên cứu sinh tiến sĩ về cạnh tranh của các cường quốc ở Đông Nam Á |
Điều này cho thấy các nhà hoạch định chính sách ở ASEAN không có lý do gì trì hoãn việc xây dựng kế hoạch chính sách tương lai đối với Mỹ trong khu vực. Pou Sothirak, Giám đốc điều hành Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, nói với tờ This Week in Asia rằng ông hy vọng Washington sẽ tìm cách hợp tác với khu vực vì chính bản thân ASEAN, không phải để cạnh tranh với Trung Quốc.
“Chưa bao giờ có chính sách đối ngoại tập trung và mạnh mẽ được Mỹ thiết kế dành riêng cho ASEAN hoặc cho một số quốc gia thành viên ASEAN. Nếu có, chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á không nhất quán và có thể thay đổi không cần thông báo trước” - ông Pou nói.
Các nhà lãnh đạo quốc gia cũng đã đưa ra quan điểm riêng về những thay đổi họ hy vọng sẽ thấy trong chính sách đối ngoại của Mỹ sau ngày 3-11. Vào tháng 7, khi được hỏi sẽ nói gì với ông Biden hoặc ông Trump nếu họ gọi để xin lời khuyên sau cuộc bầu cử, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói: “Trước tiên, Washington phải ổn định quan hệ với Trung Quốc để Đông Nam Á có thể có môi trường an toàn và dự đoán được. Tiếp theo, hy vọng chính quyền mới sẽ phát triển sự đồng thuận của lưỡng đảng về chính sách châu Á”.
Ông Lý còn cho biết sẽ đề nghị Mỹ "tìm cách quay trở lại" Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp ước thương mại châu Á-Thái Bình Dương do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đề ra.
Tại Thái Lan, nhà bình luận ngoại giao dày dạn kinh nghiệm Kavi Chongkittavorn đã viết trong bài đăng trên tờ Bangkok Post ngày 8-9 rằng, có khả năng chính sách của Biden đối với khu vực sẽ phản ánh chính sách “sếp” cũ của ông - Obama.
Ông trích dẫn các đoạn trong cương lĩnh của Đảng Dân chủ, được coi là tuyên ngôn chính trị không ràng buộc của Biden, tuyên bố rằng Mỹ sẽ tăng cường liên minh ở châu Á. Thái Lan và Philippines là đồng minh hiệp ước duy nhất của Washington ở Đông Nam Á. Kavi nói: "Nếu ông Biden đắc cử tổng thống, liên minh Mỹ-Thái sẽ được tăng cường thêm, có thể có sự phân chia rộng hơn".
Cũng nổi lên trong cuộc bàn tán xung quanh cuộc bầu cử Mỹ là các tiêu chuẩn mới ông Trump đặt ra cho một trong những thước đo cơ bản được các nước ASEAN sử dụng để xác định mối quan tâm của các cường quốc bên ngoài đối với các vấn đề của họ: tham dự các sự kiện ngoại giao quan trọng.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump chỉ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào năm 2017. Ngược lại, Tổng thống Obama đã tham dự mọi hội nghị thượng đỉnh EAS từ năm 2011-2016, trừ năm 2013.
Kavi, nhà bình luận Thái Lan, chỉ ra rằng việc chính quyền Trump không bổ nhiệm đại sứ cho Ban Thư ký của ASEAN tại Jakarta là một thiếu sót trong chính sách của họ đối với khu vực. Hiện có 75 phái viên như vậy, bao gồm từ Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. “Ông Trump có thể thoái thác cách tiếp cận trực tiếp với ASEAN, nhưng việc không bổ nhiệm đặc phái viên của ASEAN là sự xúc phạm lớn đối với khối" - ông Kavi nhấn mạnh.
Trong khi đó, một số giới tinh hoa chính trị trong khu vực đã báo hiệu rằng họ sẽ thích Biden hơn, mặc dù thừa nhận ông có thể không mang lại thay đổi mạnh mẽ cho sự phát triển của Washington ở Đông Nam Á. Anwar Ibrahim, lãnh đạo phe đối lập của Malaysia và là biểu tượng cải cách lâu năm, đã nói với báo giới rằng ông muốn Biden chiến thắng “vì anh ấy là bạn của tôi”.
Ông Ibrahim, người vẫn được yêu thích ở phương Tây vì chủ trương ủng hộ dân chủ, cũng giữ quan điểm rằng kết thúc cuộc bầu cử Mỹ trên thực tế sẽ giảm bớt những rắc rối khác nhau mà Đông Nam Á đang phải đối mặt vì sự cạnh tranh của các siêu cường.