Tuy nhiên, tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách vẫn gây bức xúc cho xã hội. Ông VÕ THÀNH HƯNG (ảnh), Vụ trưởng Vụ NSNN, đã trao đổi với ĐTTC xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Khi KTNN tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN 2016 có nêu vẫn còn tình trạng doanh nghiệp kê khai thiếu khiến ngân sách thất thu; dự toán thu thuế, phí chưa sát với kết quả thực hiện; chi vẫn còn tình trạng vượt, sai định mức… Trách nhiệm của Bộ Tài chính trước thực tế này ra sao, thưa ông?
Ông VÕ THÀNH HƯNG: - Tình trạng doanh nghiệp kê khai thiếu đang là vấn đề khá đau đầu với cơ quan thuế, hải quan. Bởi vấn đề nằm ở chỗ, vừa qua chúng ta chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm. Trước kia doanh nghiệp kê khai, cơ quan thuế duyệt nhưng nay doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm.
Ngành thuế cũng đã triển khai hệ thống điện tử đến người nộp thuế, tiếp xúc với cán bộ thuế để thực hiện chủ trương kê khai điện tử. Sau đó, cơ quan thuế sẽ tiến hành hậu kiểm, dựa trên cơ sở phân tích mức độ rủi ro của người nộp thuế. Bộ Tài chính luôn nhấn mạnh việc thanh, kiểm tra hậu kiểm.
Năm 2017, toàn ngành thực hiện hơn 110.000 cuộc thanh, kiểm tra, trong đó ngành thuế khoảng 103.000-104.000 cuộc, xử lý tài chính 55.000 tỷ đồng, gồm thu về ngân sách, giảm lỗ... Nhưng trong đó tăng thu chỉ khoảng 19.000 tỷ đồng, còn lại là giảm lỗ.
Về ý kiến giao thu nhưng chưa bao quát hết nguồn thu là do khi xây dựng dự toán với các địa phương đều được dự kiến trên con số thực hiện của năm hiện tại, chính sách thu hiện hành, dựa trên tăng trưởng kinh tế địa phương. Trong giao thu, cơ quan thuế đều muốn giao sát. Thí dụ, dự toán thu của năm 2016, 2017 nếu trừ tiền sử dụng đất, tiền thuế, phí tương đối sát với thực hiện.
Năm 2017, số tăng thu so với dự toán 76.000 tỷ đồng đều đến từ tiền sử dụng đất, thuê đất. Tuy nhiên, tổng thể cả nước sát nhưng có thể với từng địa phương chưa thực sự sát vì có nơi vượt dự toán, có nơi hụt, nên KTNN nhận xét giao chưa sát, bỏ sót nguồn thu. Với địa phương vượt thu, nguyên nhân có thể khi xây dựng chưa tính toán hết các cơ sở kinh tế mới ra đời, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại… Còn với địa phương hụt thu, có thể năm trước doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhưng năm sau lại gặp khó khăn.
Về dự toán chi của nhiều địa phương cao hơn thông báo của Bộ Tài chính, tôi nghĩ không chỉ Việt Nam mà có ở nhiều nước khi nhu cầu luôn cao hơn khả năng. Bộ Tài chính, trên cơ sở khả năng cân đối, xem xét yêu cầu về ưu tiên cho các nhiệm vụ quan trọng như chương trình mục tiêu quốc gia, sau đó nguồn còn lại dành cho các bộ, ngành, địa phương. Thí dụ, năm 2018 chi hành chính cho các bộ, cơ quan Trung ương không tăng so với năm 2017, trừ trường hợp đặc thù được giao thêm. Chi đi ngang nhưng theo yêu cầu vẫn phải tiết kiệm để đảm bảo tăng tiền lương thêm.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều nơi chi vượt định mức, chi sai. Bên cạnh nguyên nhân do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập, còn do vấn đề về nhận thức, chưa có tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm kinh phí ngân sách, tài sản công…
- Báo cáo quyết toán NSNN 2016 của KTNN có nêu một số bộ, ngành và địa phương giao biên chế công chức vượt Bộ Nội vụ giao; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định; tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao làm tăng chi ngân sách…?
- Khi làm dự toán hàng năm, chúng tôi đều có giải trình với cơ quan của Quốc hội. Cái khó của cơ quan tài chính là tại thời điểm quyết định dự toán nhưng Bộ Nội vụ chưa giao chỉ tiêu biên chế nên chưa được sát, vì giao dự toán năm nay dựa trên biên chế của năm trước. Nhưng nói như thế không có nghĩa chúng tôi bị động.
Thí dụ, năm 2018 dự toán ngân sách dựa trên biên chế năm trước và dựa yêu cầu tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là đến 2021-2022, mỗi năm giảm 1,7-1,8% biên chế. Tác động của tinh giản biên chế tác động lớn đến chi.
Chẳng hạn năm 2018, Bộ Tài chính được Bộ Nội vụ yêu cầu giảm biên chế toàn ngành khoảng 1.000 người và dự toán cũng đã theo xu hướng đảm bảo sát với biên chế được giao và yêu cầu tinh giản biên chế.
- Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong vấn đề lập lại kỷ cương, kỷ luật ngân sách nói chung, trong đầu tư công nói riêng?
- Về pháp lý, cần tiếp tục hoàn thiện chế độ chi tiêu, phân bổ; thực hiện công khai minh bạch. Về đầu tư công, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý tài chính ngân sách phải đảm bảo sự tuân thủ của các bộ, ngành cơ quan trung ương theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công.
Về thu, ngành có trách nhiệm thu đúng, thu đủ, kịp thời. Về chi, định mức phân bổ chỉ tiêu muốn chuẩn thì các vụ trong bộ phải theo sát; kho bạc kiểm soát chi; cơ quan thanh tra phối hợp với Thanh tra Chính phủ, KTNN trong thanh, kiểm tra, kiểm toán. Làm tốt những việc này sẽ lập lại kỷ cương và tăng thu ngân sách.
Luật NSNN thực hiện năm 2017 đã có bước tiến mới về công khai, minh bạch. Đó là công khai dự toán, thực hiện hàng quý, năm; công khai quyết toán. Cùng với đó là tăng cường giám sát, đẩy mạnh thanh, kiểm tra; xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Trong vấn đề xử lý trách nhiệm người đứng đầu, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ đang tổng hợp. Trong báo cáo quyết toán ngân sách cũng có số liệu về bao nhiêu vụ việc, bao nhiêu người đứng đầu… |