Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn nên chịu nhiều ảnh hưởng bởi những biến động của thị trường thế giới. 6 tháng đầu năm 2023, các nền kinh tế là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm lại như Mỹ, EU, Nhật Bản,… nên xuất khẩu của Việt Nam suy giảm mạnh. Xuất khẩu và đầu tư suy giảm dẫn đến việc làm và thu nhập cũng giảm. Khi thu nhập giảm, chi tiêu nội địa cũng theo đó giảm, ảnh hưởng đến nhiều ngành thương mại, dịch vụ.
Từ tháng 10-2022, chính sách vĩ mô của Việt Nam hướng đến mục tiêu ổn định, trọng tâm là kiềm chế lạm phát. Theo đó, hạn mức tín dụng bị thắt chặt, lãi suất tăng. Đồng thời, chính sách tài khóa được điều hành theo hướng tăng thu, giảm chi, năm 2022 kết quả bội thu ngân sách.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 4-2023 đến nay, Chính phủ quyết tâm kích cầu nội địa với kỳ vọng bù đắp phần nào cho việc suy giảm xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Biểu hiện trước hết là thúc đẩy giải ngân mạnh mẽ các dự án đầu tư công; giảm phí, lệ phí; giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kích cầu nội địa. Kế đến là thực hiện chính sách mở rộng tiền tệ thông qua nới rộng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất để cung cấp thêm lượng cung tiền phục vụ tiêu dùng và sản xuất.
Qua đó cho thấy, chính sách vĩ mô đang hướng đến mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng thay cho mục tiêu ổn định như trước đó.
Mặc dù chính sách hỗ trợ tăng trưởng cơ bản khá rõ ràng, nhưng chưa có tác động nhiều. Mục tiêu cuối cùng của chính sách hỗ trợ tăng trưởng là hướng đến tạo cơ hội làm ăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh thì mới tạo thêm việc làm và thu nhập. Khi người lao động có việc làm thì chi tiêu trong nền kinh tế sẽ gia tăng.
Việc này chưa rõ nét trên thực tế. Chưa hết, việc thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án đầu tư công chủ yếu là tập trung triển khai các công trình xây dựng, qua đó tạo thêm việc làm cho các ngành vật liệu xây dựng, doanh nghiệp thi công, dịch vụ vận chuyển, hỗ trợ có liên quan. Tuy nhiên, những nhóm ngành khác đang chịu ảnh hưởng nặng nề thì chưa có những công cụ kích cầu hiệu quả như dệt may, giày da, gỗ, chế biến thực phẩm và các nhóm ngành chế biến, chế tạo.
Hiệu quả của việc tăng chi tiêu công không chỉ đo lường bằng việc số tiền giải ngân, mà cần tính toán đến cơ hội làm ăn được tạo ra cho toàn nền kinh tế. Các ngành công nghiệp chế biến cần được kích thích bởi các chương trình đầu tư công cụ thể, để tạo ra cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp trong ngành.
Thời gian qua, các gói hỗ trợ được triển khai trong bối cảnh Nhà nước đang thắt chặt kỷ cương quản trị nhà nước. Tâm lý e ngại rủi ro pháp lý của công chức cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các gói hỗ trợ giải ngân chậm. Mặt khác, chính sách tiền tệ đang được mở rộng so với thời gian trước nhưng liều lượng thì rất hạn chế.
Qua nhiều lần giảm lãi suất nhưng lãi suất cho vay vẫn còn khá cao so với giai đoạn bình thường. Cạnh đó, do chính sách tài khóa chưa hiệu quả, doanh nghiệp vẫn chưa có được thêm cơ hội làm ăn nên cũng chưa tính toán được hiệu quả khi vay vốn. Do vậy, việc hấp thụ dòng vốn tín dụng hiện nay còn rất hạn chế.
Cán bộ công chức thực hiện chức trách nhiệm vụ theo những điều pháp luật cho phép; doanh nghiệp được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Nguyên tắc này chỉ hiệu quả khi cơ chế pháp luật điều chỉnh theo hướng doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong các hoạt động kinh doanh, Nhà nước chỉ nên thực hiện vai trò hậu kiểm, hạn chế tối đa các hoạt động xin cấp phép.
Nếu lĩnh vực nào tính tuân thủ pháp luật phức tạp thì có thể cấp phép cho các tổ chức tư vấn để đồng hành và chịu trách nhiệm pháp lý cùng doanh nghiệp. Nhà nước chỉ giữ vai trò hậu kiểm, khi đó thủ tục hành chính mới thật sự được cải cách.