Tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế TPHCM 2019, chủ đề “Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường EU thông qua EVFTA” do Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức ngày 19-12, nhiều chuyên gia nhận định EVFTA là một trong những bước tiến lớn mà Việt Nam đạt được trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do, bởi tính toàn diện và mức độ mở cửa thị trường.
Đi vào cụ thể, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho biết, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, sẽ có 85,6% số dòng thuế được xóa bỏ, chiếm khoảng 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU; sau 7 năm thực hiện EVFTA có 99,2 số dòng thuế xóa bỏ, chiếm 99,7% kim ngạch xuất khẩu và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ áp TRQ (hạn ngạch áp dụng thuế quan) với thuế trong hạn ngạch là 0%.
Với việc giảm thuế từ EU sẽ mang lại cơ hội nhiều mặt hàng nông sản như gạo và sản phẩm từ gạo. Cụ thể, EU sẽ dành tổng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, thuế trong hạn ngạch là 0%. Riêng gạo tấm sẽ xóa bỏ thuế trong 5 năm, các sản phẩm từ gạo xóa bỏ thuế trong 3-5 năm. Các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi cơ bản xóa bỏ thuế ngay. Xóa bỏ ngay thuế đối với cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong.
Ở nhóm hàng công nghiệp, dệt may sẽ có 42,5% số dòng thuế được xóa bỏ ngay, còn lại về 0% sau 3-7 năm; da giày có 37% dòng thuế xóa bỏ ngay, về 0% sau 3-7 năm; 83% số dòng thuế gỗ và sản phẩm gỗ được xóa bỏ, về 0% sau 5 năm; máy tính, các sản phẩm điện tử và linh kiện 74% xóa bỏ ngay, về 0% sau 3-5 năm; các sản phẩm nhựa, điện thoại và linh kiện, túi xách, sản phẩm sắt thép, thủy tinh cơ bản được xóa bỏ thuế ngay.
Với nhóm hàng thủy sản, hải sản sẽ có 50% số dòng thuế xóa bỏ khi EVFTA có hiệu lực (thuế suất hiện nay 6%-22%); 50% số dòng thuế còn lại về 0% sau 3-7 năm. Hiện EU đang dành TRQ đối với cá ngừ đóng hộp 11.500 tấn/năm và cá viên là 500 tấn/năm thuế suất trong hạn ngạch 0%.
Việc giảm thuế suất theo các cam kết tạo sức cạnh tranh cho hàng Việt nhưng cũng đồng nghĩa các DN Việt Nam phải đối mặt nhiều hơn với thách thức về xu hướng bảo hộ thông qua quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng nhập khẩu tại thị trường EU.
Theo Cục Công nghiệp, giày dép và dệt may là những ngành có lợi thế nhất khi EVFTA có hiệu lực với mức độ giảm thuế sâu và quy tắc xuất xứ không quá khắt khe. Nhưng điểm chung của 2 lĩnh vực này phần lớn là gia công nên muốn tận dụng ưu đãi thuế theo cam kết EVFTA, các DN dệt may, da giày cần chuyển sang công đoạn phát triển sâu, theo chuỗi từ phát triển nguyên liệu, thiết kế đến sản phẩm hoàn chỉnh để đảm bảo nguyên tắc xuất xứ trong EVFTA.
Với hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu vào EU, ngoài việc đáp ứng tốt về chất lượng, an toàn thực phẩm, còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất...
Nhìn nhận về cơ hội và thách thức từ EVFTA, TS Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, việc ký kết nhiều hiệp định toàn diện, thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, cho thấy Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để thu hút các nhà đầu tư quan trọng trên thế giới. Nói cách khác, Việt Nam còn nhiều dư địa làm ăn.