Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE), với ĐTTC về những ấn tượng trong thu hút FDI năm 2023
Năm 2023 Việt Nam đã đạt con số kỷ lục về vốn FDI đăng ký với 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Trong đó, có 3.188 dự án mới với 20,19 tỷ USD, tăng 56,6% so với 2022 về số dự án và tăng 62,2% về số vốn đăng ký. Trong bối cảnh thế giới khó khăn, cạnh tranh FDI rất lớn, kết quả thu hút FDI như thế là khá tốt.
2023 là năm có nhiều dấu ấn về thu hút đầu tư. Tháng 3-2023, phái đoàn 52 doanh nghiệp lớn của Mỹ, trong đó có Boeing, SpaceX, Netflix, Apple đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác.
Tháng 6-2023 trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, có 205 lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có chủ tịch những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG, Lotte…
Tháng 9-2023 Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. 2 nước chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Nhiều thỏa thuận hợp tác, đầu tư trị giá tỷ USD trong chuyến thăm này như thương vụ Vietnam Airllines và Boeing, Vietjet và Tập đoàn tài chính Carlyle và Vietjet với Boeing...
Tháng 12-2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc được tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất Việt Nam và cũng là nhà đầu tư lớn.
Chính trị ổn định, vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế có triển vọng. Quan hệ ngoại giao có những kết quả nổi bật. Đây là bước tiến lớn và mở ra cơ hội thu hút đầu tư mới. Thời cơ đã mở, dòng FDI sẽ đổ mạnh vào Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt, 2024 sẽ là năm bắt đầu cho cơn sóng FDI mới.
PHÓNG VIÊN: - Kỳ vọng mở ra kỷ nguyên mới trong thu hút vốn FDI thế hệ mới có chất lượng cao hơn. Vậy Việt Nam đã sẵn sàng như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Toàn: - Tôi thấy Chính phủ đã rất sẵn sàng, nhưng từ sự sẵn sàng đến thực tế vẫn còn khoảng cách. Năm 2008 khi Việt Nam tham gia WTO, đã có làn sóng FDI đổ vào. Vốn đăng ký tăng vọt, nhưng lúc đó chúng ta chưa đủ năng lực hấp thụ nên giải ngân rất thấp.
Bây giờ ta đã có sự chủ động hơn và có quyền chọn lọc hơn. Cần rút kinh nghiệm từ bài học năm 2008 để tận dụng tốt hơn cơ hội, tạo bước ngoặt về chất trong thu hút FDI.
Việt Nam đang có những tiềm năng về đất hiếm, sản xuất chip bán dẫn và một số ngành công nghiệp mới, phải chuẩn bị cho tốt để chớp thời cơ tận dụng được tiềm năng này để thu hút FDI chất lượng. Đồng thời phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng, doanh nghiệp nội địa chất lượng, đủ năng lực.
Bên cạnh đó, cần tính kỹ để đưa ra những chính sách hỗ trợ nhà đầu tư đang đầu tư ở Việt Nam, khi chúng ta đã chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Thời cơ đã mở, dòng FDI sẽ đổ mạnh vào Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt, 2024 sẽ là năm bắt đầu cho làn sóng FDI mới.
Thu hút thêm nhà đầu tư mới rất quan trọng, nhưng giữ được chân nhà đầu tư hiện tại quan trọng không kém. Bởi họ chính là những dẫn chứng, là người truyền bá Việt Nam ra thế giới, là nhân tố làm đậm thêm sức hút đầu tư của Việt Nam.
- Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng mạnh mẽ, theo ông phải làm gì để thu hút FDI chất lượng cao?
- Từ khi có Nghị quyết 50, Việt Nam đã chọn lọc kỹ hơn theo hướng ưu tiên dự án FDI công nghệ cao, công nghệ nguồn, tạo liên kết và tạo lan tỏa với khu vực doanh nghiệp trong nước. Với Nghị quyết 50, đã đến lúc Việt Nam cần thực hiện quyền lựa chọn các đối tác để cùng nhau hợp tác phát triển nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, không phải thu hút vốn FDI bằng mọi giá.
Nhưng cũng không thể cạnh tranh bằng giá, bằng nhân công giá rẻ, bằng ưu đãi thuế... Nỗ lực thu hút FDI nhưng phải bảo vệ môi trường, bảo vệ lao động, nâng cao giá trị lao động Việt Nam.
Theo đó, chúng ta phải cạnh tranh bằng môi trường kinh doanh thuận lợi không rào cản, sự phát triển ổn định bền vững và chính sách hỗ trợ hợp lý. Cạnh tranh bằng nguồn nhân lực chất lượng, bằng đổi mới sáng tạo và luật chơi mới, bằng thị trường công nghệ, thị trường lao động… với đội ngũ doanh nghiệp nội địa mạnh.
Nguồn nhân lực và doanh nghiệp là 2 điều kiện trọng tâm nhất để tiếp thu được FDI chất lượng cao. Các bộ ngành, địa phương cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón dòng FDI thế hệ mới, dựa trên các nguyên tắc các bên cùng có lợi. Đồng thời đẩy mạnh công tác hỗ trợ sau đầu tư; hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư ngoài thuế đối với dự án công nghệ cao khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu...
- Gần đây đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng rất nhanh. Tuy nhiên đang có hiện tượng nhiều địa phương rất ngại nhà đầu tư Trung Quốc? Quan điểm ông thế nào?
- Tôi cũng rất hiểu, nhiều địa phương năng lực thẩm định, đánh giá công nghệ có giới hạn. Vì thế thấy dự án của nhà đầu tư Trung Quốc là ngại. Tâm lý này cũng không nên, vì không phải cứ Trung Quốc là công nghệ thấp, là hao tốn tài nguyên và môi trường.
Gần đây dự án đầu tư của Trung Quốc quy mô lớn, công nghệ cao xuất hiện nhiều hơn, như dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam có tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD... Thêm nữa, trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2023, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 2 (chỉ sau Singapore) với 3,54 tỷ USD, chiếm 17,6%.
Vấn đề phải nâng tầm của mình lên để soi dự án và chọn dự án. Hiện chúng ta đang có “chiếc chìa khóa” để lọc dự án, đó là báo cáo tác động môi trường, có nghĩa đã thể hiện công nghệ.
Quy định đã có, vấn đề là phải thực hiện nghiêm, chặt chẽ. Theo đó, trong thực hiện, các tỉnh phải chọn dự án chất lượng cao và phù hợp với xu thế chung phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và xanh. Có như vậy, Việt Nam mới theo kịp các nước.
- Xin cảm ơn ông.