Kinh tế theo chiều hướng xấu đi
Theo báo cáo mới đây của WEF, 56% kinh tế gia trưởng được khảo sát cho rằng kinh tế thế giới sẽ chậm lại trong năm nay. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU và ngay cả Nhật Bản, sẽ phải xoay sở với nhiều khó khăn trong năm 2024. Mỹ và EU đều có chung vấn đề phải xử lý là lạm phát.
Việc tăng lãi suất liên tục và mạnh đã khiến nền kinh tế bị “làm nguội” đột ngột, nhiều khả năng dẫn đến suy thoái, hoặc nhẹ hơn là hạ cánh mềm. Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng của 2 nền kinh tế này cũng bước vào giai đoạn bế tắc, vì tốc độ tăng từ đóng góp của vốn, lao động và TFP (năng suất tổng hợp) đã bị chững lại.
Trong khi đó vấn đề nội tại của Trung Quốc là khủng hoảng thị trường bất động sản và nợ, nhu cầu nội địa suy giảm mạnh và sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài. Trung Quốc đang ở giai đoạn có thể nói là bước ngoặt, khi những lợi thế trước đây đang trở thành các thách thức, như đề cập trong cuốn sách “The Rise and Fall of the EAST” của GS. Yasheng Huang, được tạp chí Foreign Affairs bầu chọn là sách hay nhất năm 2023.
Không những sự phát triển của thể chế không theo kịp kinh tế, những vấn đề về dân số học cũng là nguyên nhân quan trọng khiến sự thần kỳ Trung Quốc bị hụt hơi.
Kinh tế theo chiều hướng xấu, thế giới rạn nứt và phân cực, bước ngoặt của AI, năng lượng và khí hậu… là những thông điệp được đưa ra từ WEF 2024.
Với Nhật Bản, thách thức nằm ở chính sách tiền tệ, trong việc kiểm soát đường cong lãi suất cũng như tỷ giá. Nhật Bản đã kiên trì trong thời gian dài với chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, nhưng lạm phát và tốc độ tăng lương không theo kịp, khiến cầu nội địa không đủ lực để thúc đẩy nền kinh tế. Xuất khẩu giảm cũng là nguyên nhân khiến nền kinh tế Nhật Bản thiếu đi một động lực quan trọng của tăng trưởng.
Thế giới rạn nứt và phân cực
Sau đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu đã được định hình lại, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào công xưởng Trung Quốc, nhiều quốc gia quay lại ưu tiên cho sản xuất trong nước hơn. Rồi xung đột Nga-Ukraine cũng gây rạn nứt quan hệ giữa nhiều quốc gia khi khác nhau về lập trường quan điểm.
Cụ thể nhất là liên minh Mỹ phương Tây với nhóm các nước BRICS. Sự phân cực còn tiếp tục bị đẩy mạnh với xung đột ở dải Gaza, những căng thẳng mới đây ở biển Đỏ. Bởi thế giới biết rằng đằng sau Israel là Mỹ và phương Tây, và đằng sau Palestine là nhiều nước khối Ả-rập cũng như Nga - Trung Quốc.
Nhưng quan trọng hơn tất cả vẫn là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như đại diện cho 2 hệ tư tưởng khác nhau. Không chỉ cạnh tranh nhau trên các lĩnh vực quan trọng như kinh tế, quân sự, khoa học - kỹ thuật, căng thẳng Mỹ - Trung còn ảnh hưởng đến các nước khác.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong năm nay Đài Loan sẽ là vấn đề có thể làm nảy sinh căng thẳng Mỹ - Trung, khi tân lãnh đạo của Đài Loan là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
Một rủi ro lớn khác của thế giới trong năm nay còn ở kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm. Bởi nếu Donald Trump đắc cử, mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc, với châu Âu trong đó có NATO, sẽ có những thay đổi khó đoán được trước, theo hướng tạo thêm nhiều căng thẳng.
Ở nhiệm kỳ 2017-2021, thế giới đã biết đến một tổng thống Mỹ có những quyết định mà không cần để ý đến những nguyên tắc trong ngoại giao, hay chính trị truyền thống.
Bước ngoặt của AI, năng lượng và khí hậu
AI là một trong những chủ đề nóng của WEF năm nay. Được coi là một động lực quan trọng cho mô hình phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, các hướng nghiên cứu, ứng dụng, giám sát được các chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội thảo luận rất tích cực.
Tuy nhiên, như nhiều công nghệ mới, AI cũng có những vấn đề 2 mặt của nó. Các nền kinh tế đã phát triển được dự báo sẽ nhận được nhiều lợi ích từ AI hơn là các nền kinh tế đang phát triển. Nhờ có AI, năng suất của các quốc gia có thu nhập cao sẽ tăng nhanh hơn các quốc gia có thu nhập thấp.
Điều này cũng dễ hiểu vì hạ tầng, trình độ lao động, đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) cho AI của các nước giàu là vượt trội, khi có ứng dụng thêm AI, sản lượng hay giá trị đầu ra sẽ tăng đáng kể, chủ yếu là rút ngắn được thời gian.
Năng lượng và khí hậu cũng là chủ đề thu hút nhiều quan tâm, tiếp nối sau sự kiện COP28. Vấn đề biến đổi khí hậu dần dần được nhận thức rộng rãi là vấn đề khu vực và toàn cầu, không phải là chuyện riêng của một quốc gia nào đó. Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh đến mức có lo ngại nếu không chung tay xử lý sẽ là quá muộn đối với trái đất.
Việc giảm khí thải thông qua loại bỏ nguyên liệu hóa thạch, chuyển sang năng lượng tái tạo là một chuyển biến quan trọng, vì suốt thời gian dài bị phản đối bởi các quốc gia hay tập đoàn có lợi ích gắn liền với dầu mỏ.
Nhưng việc này cũng đặt ra thách thức không hề nhỏ, là nhu cầu năng lượng của thế giới ngày càng tăng theo quy mô dân số, cũng như nhu cầu vốn để tài trợ cho các dự án chuyển đổi.
Vẫn còn hy vọng
Thế giới bước vào năm 2024 với nhiều bất ổn, nhiều rủi ro đến từ công nghệ, xã hội, môi trường, kinh tế, và địa chính trị. Chẳng hạn, lo ngại về thông tin sai lệch có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, các thảm họa thiên nhiên, sự phân cực kinh tế xã hội, xung đột vũ trang, lạm phát, kinh tế suy giảm, ô nhiễm môi trường là những rủi ro đáng quan ngại nhất trong ngắn hạn.
Tuy vậy, phần lớn các rủi ro kể trên đều có thể xuất phát từ con người, phụ thuộc vào cách hành xử giữa những con người với nhau. Ứng viên tổng thống, lãnh đạo của một quốc gia, hay những người ra một quyết định quan trọng, cũng vẫn là con người.
Và do đó, kết quả xấu hay tốt của một vấn đề là ở cách nhìn vấn đề có toàn diện, có thiện chí hợp tác hay không.