Những kịch bản liên tục thay đổi về kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được dự báo xấu, thậm chí rất xấu của và đứng trước nguy cơ “bay sạch” vốn chủ sở hữu nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp hết năm nay và kéo dài sang năm 2022 đang rất hiện hữu.
Nguy cơ mất sạch vốn sở hữu
Theo báo cáo của VNR, trong sáu tháng của năm 2021, doanh thu vận tải của Tổng công ty đạt 1.249 tỷ đồng, bằng 79,4% so với cùng kỳ 2020 và bằng 53,9% so với năm 2019 khi chưa có dịch COVID-19.
Đặc biệt, VNR đã phải dừng chạy 2.300 đoàn tàu khách trong sáu tháng và lỗ hơn 400 tỷ đồng, mức lỗ dự tính sẽ lên đến 940 tỷ đồng trong năm nay. Hiện, Tổng công ty có khoảng 1.637 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ không hưởng lương.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này được phía VNR chỉ ra là do hai đợt dịch COVID-19 bùng phát tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó đợt 3 bùng phát cuối tháng 1/2021 là thời gian cao điểm phục vụ vận tải Tết Nguyên đán. Đợt dịch lần 4 bùng phát từ ngày 27/4 và xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. Một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, có số ca nhiễm dịch lớn, có ổ dịch phức tạp đã tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Phú Yên…
Mặt khác, nhiều tỉnh, thành quy định hạn chế đón, trả khách đến từ các địa phương đang có dịch và người về từ các vùng dịch phải thực hiện cách ly từ 14-21 ngày. Thực hiện các quy định phòng dịch này, người dân hạn chế đi lại, ngành đường sắt phải cắt giảm nhiều tàu khách, vì vậy lượng khách đi tàu sụt giảm nghiêm trọng.
Hiện tại, trên tuyến đường sắt chỉ chạy duy nhất đôi tàu khách Bắc-Nam (SE7/SE8) và tàu hàng. Các tàu khách khu đoạn địa phương đã bị tạm dừng do không có khách.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết Tổng công ty đã có kiến nghị gửi tới Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó vì COVID-19, trong đó xin vay 800 tỷ đồng không tính lãi nhằm nhằm bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động của đơn vị.
Theo ông Minh, VNR đang thực hiện các giải pháp siết chặt quản trị, giảm chi phí, bao gồm giảm lương trong điều kiện khó khăn sản xuất kinh doanh hiện nay.
“Năm 2020, Tổng công ty lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 lỗ thêm 942 tỷ đồng. Nếu dịch bệnh kéo dài qua năm 2022, nguy cơ mất hết vốn chủ sở hữu, không có đủ dòng tiền trả lương người lao động. Do đó, VNR kiến nghị Chính phủ gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ đồng vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động và đề nghị có chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động đang bị mất và thiếu việc làm,” vị Chủ tịch VNR cho biết.
“Nguồn sống” từ vận tải hàng hóa
Cũng giống như hàng không, trong bối cảnh dịch COVID-19, các quy định cách ly và tâm lý e ngại đi lại khiến vận tải hành khách “chạm đáy,” VNR buộc phải chuyển hướng sang sống nhờ vận tải hàng hóa, vốn đem lại nguồn thu trợ lực cho doanh nghiệp để có thể vượt qua khó khăn đại dịch.
Thống kê của VNR cho thấy sáu tháng của năm nay, doanh thu vận tải hàng hóa đã tăng hơn 22% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng các mặt hàng truyền thống như quặng Apatit tăng 31%, than tăng 10%, phân bón tăng 8%...
Nhờ vận tải hàng hóa tăng trưởng tốt, doanh thu vận tải sáu tháng nói chung mới thực hiện được 1.249 tỷ đồng, bằng 79,4% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 53,9% so với năm 2019 khi chưa có dịch COVID-19. Nếu không, đường sắt còn lỗ nặng nề.
“Vận tải hàng hóa tăng trưởng là kết quả từ các giải pháp chuyển dịch cơ cấu vận tải, tập trung thúc đẩy vận tải hàng hóa, xác định vận tải hàng hóa là trọng tâm từ năm 2019 nhờ các chính sách như điều chỉnh giá cước linh hoạt; hệ thống quản trị vận tải hàng hóa qua mạng; mở rộng nguồn hàng; đẩy mạnh vận tải hàng hóa liên vận tới các thị trường...,” Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh nói.
Theo ông Minh, VNR sẽ từng bước tăng tỷ lệ vận tải hàng hóa để bù đắp vào vận tải hành khách đồng thời dành quỹ đường vận tải hành khách sang quỹ đường vận tải hàng hóa, hoặc mở thêm các tuyến container mới chạy tuyến Bắc-Nam.
Tuy nhiên, người đứng đầu VNR cũng thừa nhận, rào cản lớn nhất đối với vận tải hành hóa chính là cơ sở hạ tầng đường sắt nên Nhà nước cần “rót vốn” đầu tư vào các hạng mục nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới bãi hàng, kho hàng tại các ga xếp dỡ hàng hóa trọng điểm để tăng năng lực xếp dỡ thông qua.