Giải ngân quá chậm
Báo cáo của Bộ KH-ĐT gửi Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về tình hình giải ngân vốn ĐTC 7 tháng năm 2021 và các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC, tổng số vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân là 398.616,466 tỷ đồng, đạt 86,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó vốn trong nước đạt 86,05% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 89,27% kế hoạch).
Nhưng đến cuối tháng 7, số vốn các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án do chưa có quy hoạch đầu tư trung và dài hạn của các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của Luật ĐTC, và Nghị quyết 129/2020/QH14 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2021, là 62.683,534 tỷ đồng, bằng 13,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, dự kiến giải ngân vốn ĐTC đến ngày 31-7 là 169.335,05 tỷ đồng, đạt 36,71% kế hoạch, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%), trong đó vốn trong nước đạt 40,38%, vốn nước ngoài chỉ đạt 7,52%, rất thấp so với kế hoạch. Tuy nhiên, nếu không tính những khoản vốn chưa được phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân nêu trên, tỷ lệ giải ngân đạt 42,48%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 10 bộ và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình cả nước (36,71%); 7 bộ, cơ quan chưa giải ngân kế hoạch vốn và 2 bộ, cơ quan đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân dưới 1%. Có thể thấy tốc độ giải ngân vốn ĐTC hiện vẫn rất chậm, chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Mô tả ảnh
Nguyên nhân giải ngân chậm trước hết do công tác phân bổ, giao chi tiết kế hoạch ĐTC vốn NSNN tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương năm 2021 chậm, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ hai, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, một số địa bàn, cơ sở, xã, phường, khu công nghiệp… áp dụng phong tỏa, cách ly, ảnh hưởng đến việc thực hiện ĐTC trên địa bàn.
Thứ ba, do việc giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới, các chuyên gia thẩm định, giám sát của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài không tiếp cận, ký kết các văn bản có liên quan, gây khó khăn trong hoạt động đầu tư và giải ngân.
Thứ tư, một số dự án ODA vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục gia hạn, hồ sơ thiết kế, thẩm định…
Thứ năm, các vướng mắc về chuẩn bị thủ tục thực hiện đầu tư tại một số dự án chậm được xử lý, như giải phóng mặt bằng, tái định cư, điều chỉnh dự toán do sự tăng giá của nguyên, nhiên, vật liệu, sự mất cân đối trong việc cung cấp vật liệu chậm được giải quyết.
Thứ sáu, việc áp dụng chế tài xử lý các cơ quan, đơn vị để chậm, muộn trong phân bổ ngân sách chưa quyết liệt…
Quy trách nhiệm cụ thể
Thực tế, dù đã có Luật Đầu tư và Luật ĐTC nhưng ĐTC vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Hiện nay đầu tư còn dàn trải ở nhiều địa phương, ngành nghề, lĩnh vực. Điều này thể hiện ở việc hàng năm có hàng chục ngàn dự án đầu tư trên cả nước, nhưng mỗi năm số lượng dự án hay công trình hoàn thành đưa vào sử dụng quá nhỏ so với số lượng vốn đầu tư đã bỏ ra.
Từ đây dẫn đến thất thoát, lãng phí rất lớn. Việc này được minh chứng từ các cuộc kiểm toán của các cơ quan kiểm toán đưa ra về những số liệu vốn đầu tư đi vào dự án thấp. Các cuộc kiểm toán đều chỉ ra sự thất thoát của các dự án đầu tư, nguồn vốn thực tế đi vào được dự án chỉ khoảng 50-60%.
Xảy ra tình trạng này do cơ chế quản lý đang có vấn đề. Phần lớn xuất phát từ việc phân bổ dòng vốn đầu tư, cấp vốn đầu tư cho các dự án, kiểm tra giám sát dự án sau quá trình đầu tư đều có kẽ hở, tạo ra thất thoát, tham ô, lãng phí trong ĐTC, đã khiến hiệu quả ĐTC ngày càng thấp. Hoạt động ĐTC có nhiều vấn đề chưa hợp lý và thiếu cẩn trọng, địa phương, ban ngành lập dự án và xây dựng các chương trình để thực hiện đầu tư trong từng giai đoạn, từng thời kỳ theo cảm tính, thiếu cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn.
Việc lập dự án cũng không xem xét và nhìn nhận thấu đáo về khả năng có thể đáp ứng đủ nguồn vốn của từng địa phương, bộ ngành cũng như cả nước. Do thiếu căn cứ khoa học dẫn đến việc lập dự án sơ sài, theo ý chủ quan của các địa phương, bộ, ngành.
Nguyên nhân nữa do các cơ quan tập hợp nhu cầu đầu tư chỉ làm công việc tập hợp các nhu cầu của địa phương, không phải người tính toán, kiểm tra dự án, cũng như đánh giá sự cần thiết và nguồn lực có thể thực hiện được dự án đó. Thêm vào đó, cơ quan nắm giữ nguồn vốn cấp phát để thực hiện các kế hoạch là Bộ Tài chính lại biết đến sau cùng, nên chỉ sau khi biết được các kế hoạch dự án mới xem xét cân đối nguồn vốn đầu tư. Bất cập này đã dẫn đến khả năng đáp ứng nguồn vốn cho các dự án gặp rất nhiều khó khăn. Trong khoảng thời gian dài, khả năng đáp ứng nguồn vốn từ ngân sách cho thực hiện dự án ĐTC thường thiếu trước hụt sau.
Bên cạnh đó, do cơ chế cấp vốn cũng có vấn đề từ việc thông báo vốn đầu tư hàng năm đến thực hiện cấp vốn, nên rất cần khống chế số lượng dự án đầu tư. Theo đó, cần đưa ra dự án thực sự cần thiết và có tác động lâu dài, rót vốn đến đâu hoàn thành dứt điểm dự án đến đó. Hiện nay, đấu thầu là nhiệm vụ bắt buộc tại tất cả dự án, nhưng đấu thầu không thực chất lại trở thành vấn đề nguy hiểm, khi các bên lập ra “quân xanh, quân đỏ” để bắt tay nhau trúng thầu. Việc này dẫn đến lập dự toán khống cao hơn mức quy định của Nhà nước, hay đưa các khối lượng công việc không phù hợp vào trong dự án một cách dễ dàng.
Thực tế trên cho thấy, để ĐTC đạt được hiệu quả, cần quy rõ trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của các cơ quan ban, ngành đối với các dự án ĐTC hiện nay. Trách nhiệm này cần được thực hiện từ khâu lập kế hoạch đầu tư sơ bộ, đến lập dự án tiền khả thi, lập dự án khả thi, kiểm tra, giám sát, thẩm định các dự án, đến các khâu thực hiện đầu tư dự án.
Các cuộc kiểm toán đều chỉ ra sự thất thoát của các dự án đầu tư, nguồn vốn thực tế đi vào được dự án chỉ khoảng 50-60%. |