PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, các gói hỗ trợ kinh tế sẽ tác động như thế nào đến chính sách tài khóa của năm nay?
PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH: - Chính phủ đã tung ra các gói hỗ trợ kinh tế do dịch Covid-19, cụ thể là các doanh nghiệp (DN), đây là điều cần thiết. Khi gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng được triển khai chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tài khóa. Thực tế những năm qua cho thấy, chính sách tài khóa của Việt Nam thay đổi rất nhiều do nguồn thu bị giảm sút. Trước kia chúng ta dựa vào xuất khẩu, trong đó có dầu thô, nay tỷ trọng của nhóm dầu thô đã giảm trong cơ cấu nguồn thu.
Thậm chí trong cuộc chiến giá dầu giữa Arab Saubia và Nga vừa qua, giá dầu thế giới giảm mạnh, chúng ta còn phải hạn chế khai thác bởi càng khai thác càng lỗ do chi phí lớn. Vì thế, Việt Nam không còn nhiều không gian tài khóa cho các biện pháp kích cầu, sau khi tung gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng và triển khai gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng, nhằm giúp nền kinh tế vượt qua đại dịch.
Ảnh minh họa.
Những năm gần đây, tỷ lệ thu ngân sách trên GDP giảm khá mạnh. Đơn cử, năm 2019 giảm khoảng 24% do chủ yếu dựa vào các nguồn thu ngắn hạn như bán tài sản, trong khi thu từ thương mại quốc tế giảm nhanh do quá trình hội nhập. Cấu trúc ngân sách nhà nước chưa được cải thiện nhiều so với những năm trước, dù mức thâm hụt ngân sách giảm, năm 2018 khoảng 3,46% GDP và năm 2019 khoảng 3,4% GDP.
Nhìn vào sự thay đổi về mức thâm hụt ngân sách các năm 2018-2019, chúng ta thấy phần lớn do thay đổi cách hạch toán, không tính chi trả nợ gốc. Cơ cấu chi không được cải thiện, chi đầu tư phát triển chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, dưới 30%.
Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa ra dự báo thương mại quốc tế có thể giảm 50 tỷ USD xuất khẩu trên các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong số các nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất là EU (15,6 tỷ USD), Mỹ (5,8 tỷ USD), Nhật Bản (5,2 tỷ USD), Hàn Quốc (3,8 tỷ USD) và Việt Nam (2,3 tỷ USD).
Nhìn vào danh sách này Việt Nam đang là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của dịch Covid-19. Bởi Việt Nam có độ mở cao, kim ngạch xuất nhập khẩu thường gấp 2 lần GDP, do đó nguồn thu từ xuất khẩu của chúng ta sẽ bị giảm sút rất lớn.
- Vây theo ông, nguồn thu ngân sách năm nay sẽ suy giảm ra sao?
- Hiện nay, một số ngành nghề sản xuất hoạt động cầm chừng, nhiều DN đóng cửa, hộ kinh doanh buôn bán cũng không hoạt động… đã dẫn đến nguồn thu nội địa không đảm bảo. Hồi đầu tháng 3, theo đánh giá sơ bộ của Bộ Tài chính, nguồn thu năm nay do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 gây ra giảm khoảng 16.000 tỷ đồng.
Nhưng theo tôi, tính đến thời điểm hiện tại, con số suy giảm nguồn thu lớn hơn nhiều so với đánh giá trước đó. Bên cạnh suy giảm nguồn thu, chúng ta lại phải đưa ra các gói cứu trợ kinh tế chưa có tiền lệ, lấy ra trực tiếp từ ngân sách. Đây sẽ là áp lực kép đối với chính sách tài khóa năm nay, thậm chí với nhiều năm sau nữa.
Cân đối thu chi của năm nay sẽ rất khó khăn và chắc chắn ngân sách sẽ thâm hụt. Mọi năm ngân sách của chúng ta vẫn thâm hụt, nhưng năm nay tỷ lệ thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm 1,2-1,5% so với mọi năm. Điều này cũng đồng nghĩa chỉ tiêu thâm hụt ngân sách cho phép Quốc hội đề ra rất khó thực hiện.
- Khó khăn về tài khóa sẽ tác động thế nào đến đầu tư công và trả nợ, thưa ông?
- Hiện tại, tỷ lệ nợ đều đang nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Thời điểm cuối năm 2019, nợ công ở mức 56,1% GDP so với mức 58,4% GDP năm 2018, nợ chính phủ ở mức 49,2% GDP so năm 2018 là 50% GDP. Chỉ tiêu trả nợ trên thu ngân sách nhà nước nhìn chung trong ngưỡng an toàn, cuối năm 2019 ở mức 19,5-20,5% so với ngưỡng được Quốc hội cho phép 25%, và so với mức 15,9% cuối năm 2018. Tuy nhiên từ năm nay, Việt Nam mỗi tháng sẽ phải trả 20.000 tỷ đồng cả gốc và lãi nợ công, đây là thách thức rất lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn bởi tác động cực đoan từ dịch Covid-19.
Ngoài ra, một thực tế cho thấy nhiều năm qua tốc độ tăng thu ngân sách không theo kịp tốc độ tăng của nợ công, có nghĩa “đệm tài khóa” vẫn bấp bênh. Đây thực sự là điều rất đáng lo ngại khi năng lực chi trả nợ công đang giảm dần. Đối với đầu tư công, tôi cho rằng Việt Nam vẫn cần rất nhiều vốn. Nhưng vấn đề đặt ra chúng ta phải kiểm soát đầu tư công sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, điều không kém quan trọng là phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên, vì chi tiêu thường xuyên vẫn chiếm tỷ lệ cao trong chi tiêu ngân sách.
- Vậy theo ông với chính sách tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa khơi thông có hỗ trợ gì cho DN?
- Hiện nay, NHNN đã thực hiện giảm 6 loại lãi suất cơ bản và thực hiện việc mua lại khối lượng lớn giấy tờ có giá để đảm bảo việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt. Các NH thương mại cũng đăng ký thực hiện gói 285.000 tỷ đồng giảm lãi suất, hoãn nợ, giãn nợ, không chuyển nợ xấu, tái cấu trúc nợ cho các DN, giúp họ sử dụng vốn vay, không bị phạt nợ quá hạn, không bị nợ xấu, để yên tâm sử dụng vốn vay ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó gói hỗ trợ 180.000 tỷ đồng của Bộ Tài chính về giãn nợ thuế, miễn thuế đất cũng giúp DN có được lượng tài chính ngay trong tài khoản của họ để đảm bảo hoạt động thanh toán cho các khoản chi thường xuyên. Cùng với đó, việc giảm nhiều loại chi phí, lệ phí cũng giúp DN giảm được chi phí để duy trì và vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, DN là chủ thể quan trọng hình thành nên sức mạnh của nền kinh tế. Do đó, các DN cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh.Trong cơn biến động, rất cần sự nhanh nhạy, sự tìm tòi chuyển hướng sản xuất, sự đổi thay sáng tạo, sự thích ứng nhanh chóng với hoàn cảnh của các DN trong nền kinh tế.
- Xin cảm ơn ông.
Việt Nam không còn nhiều không gian tài khóa cho các biện pháp kích cầu. Bởi bên cạnh suy giảm nguồn thu, chúng ta lại phải đưa ra các gói cứu trợ kinh tế chưa có tiền lệ, lấy ra trực tiếp từ ngân sách. Đây sẽ là áp lực kép đối với chính sách tài khóa năm nay, thậm chí với nhiều năm sau. |