Hụt nguồn do FDI và TNCN
Trong báo cáo “Phân tích cấu trúc, xu hướng và gánh nặng thuế tại Việt Nam: Hướng tới hệ thống thuế công bằng”, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố mới đây, cho thấy dư địa về nguồn thu từ thuế của Việt Nam thực sự không còn nhiều.
Hiện là nước có thu nhập thấp nhất trong nhóm các nước ASEAN, nhưng tỷ trọng thu thuế/GDP của Việt Nam cao nhất. Trong đó, thu từ phí, lệ phí và các nguồn thu không phải từ thuế tăng một cách tương đối trong cơ cấu thu ngân sách.
Tốc độ tăng thu thuế tương đương với tốc độ tăng của GDP. Kể từ năm 2011, tỷ lệ thuế trên GDP của Việt Nam ổn định ở mức quanh 18%. Có nghĩa GDP tăng thuế cũng tăng theo.
Trong khi đó, tỷ trọng thuế trực thu đã giảm liên tục trong giai đoạn 2012-2017, từ 44,6% năm 2012 xuống còn 33,8% năm 2017. Điều này phần nào làm giảm tính lũy tiến của hệ thống thuế Việt Nam.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2018-2019, số liệu ước tính của Bộ Tài chính cho thấy tỷ trọng thuế trực thu có xu hướng tăng trở lại, ước đạt 38,9% năm 2019. Còn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, dù đang có xu hướng giảm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hụt thu nguồn thuế là việc áp dụng ngày càng nhiều các ưu đãi thuế cho khu vực DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi đó, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tăng trưởng mạnh nhưng vẫn đóng góp khiêm tốn trong tổng thu NSNN.
Tỷ trọng của thuế gián thu trong tổng thu thuế ngày càng tăng và đã vượt con số 60% vào năm 2016, chiếm 11% GDP. Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là nguồn thu chiếm 50-60% tổng số thu của thuế gián thu trong giai đoạn 2006-2019.
Không còn nhiều dư địa mở rộng
Không còn nhiều dư địa mở rộng
Theo đánh giá của VEPR, xu hướng chung trong những năm tới là các nguồn thu từ các loại thuế như TNDN, thuế xuất nhập khẩu… sẽ giảm mạnh, bởi Việt Nam hiện đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nên sẽ thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế. Dư địa đáng kể nhất đối với lĩnh thuế lúc này là thuế tài sản. Tuy nhiên, việc luật hóa và thực thi loại thuế này lại rất phức tạp, thiếu tính khả thi.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), trong giai đoạn 2011-2020, Bộ Tài chính từng có dự thảo thuế tài sản và thảo luận vấn đề này nhưng chưa ban hành được, vì thiếu sự đồng bộ giữa các bộ luật.
Đơn cử như Luật Đất đai năm 2013, quy định giá đất do Nhà nước ban hành để làm căn cứ xác định giá tính thuế trong hoạt động chuyển nhượng, chuyển đổi. Tuy nhiên, giá nhà đất lại do thị trường quyết định, do đó việc ban hành luật là khó khả thi.
Song dù chưa có thuế tài sản nhưng chúng ta đã thực hiện một số loại thuế liên quan tới tài sản, như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp...
Cụ thể, với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có 3 mức thuế suất 0,03% với đất nằm trong hạn mức, 0,07% với diện tích đất vượt hạn mức không quá 3 lần và 0,15%. Với thuế sử dụng đất nông nghiệp, lệ phí trước bạ đối với nhà, đất, súng, tàu, thuyền, máy bay, mô tô và ô tô các loại, mức thu phổ thông là 2%; trong đó với nhà và đất là 0,5%, với tàu thuyền 1%, đặc biệt ô tô dưới 10 chỗ ngồi có thể bị đóng phí trước bạ ở mức 10-20%.
Tuy nhiên, số thu từ các loại thuế này chỉ đóng góp vào ngân sách một phần khiêm tốn. Cũng theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, đây là loại thuế cổ xưa nhất của các loại thuế.
Cơ cấu lại nguồn thu
Cơ cấu lại nguồn thu
Cơ cấu nguồn thu hiện nay vẫn chủ yếu nhờ vào các khoản thu không tái tạo, như thoái vốn DNNN, tài nguyên, tài sản công hoặc nguồn thu từ đất. Trong khi đó, mở rộng nguồn thu từ biện pháp mở rộng các sắc thuế lại không khả thi và không còn dư địa. |
Đã vậy, vấn đề tính thuế trong nền kinh tế số cũng đặt ra thách thức cho cơ quan thuế và chính sách thuế… Trong bối cảnh mở rộng nguồn thu ngân sách từ biện pháp mở rộng các sắc thuế không khả thi và không còn dư địa, thu thuế theo chiều sâu và bổ sung các nguồn thu ngoài ngân sách có thể xem là giải pháp trong trung hạn.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, các nguồn thu ngoài thuế đang tăng lên đáng kể trong cơ cấu nguồn thu ngân sách. Điều này cũng hàm ý Việt Nam cần thực hiện linh hoạt các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, cân nhắc thận trọng trong việc tăng thu từ các nguồn bán tài sản, quyền tài sản.
Vấn đề đặt ra lúc này, cần kiểm soát chặt vấn đề chi ngân sách, từ đó tạo ra “đệm” an toàn cho chính sách tài khóa. Cần có phương án cắt giảm chi tiêu hiệu quả và tìm nguồn thu bền vững hơn, đẩy nhanh tiến độ dự án thuế tài sản, đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021-2026.
Đồng thời, cũng cần có những thay đổi trong tỷ lệ, số lượng thu nhập hoặc đối tượng phải nộp thuế liên quan đến từng khung để tính thuế suất thuế TNCN, thay vì chỉ đề cập đến thu nhập tối thiểu không phải nộp thuế, hay nâng mức giảm trừ gia cảnh. Ngoài ra, Chính phủ cần rà soát lại chính sách ưu đãi thuế đối với DN, đặc biệt là DN FDI…