Tuy vậy, tăng trưởng của khu vực này đang phụ thuộc nhiều vào tình hình thắt chặt các điều kiện tài chính ở Mỹ và đà tăng trưởng của Trung Quốc.
Ảnh hưởng chung và ảnh hưởng về kinh tế
Theo chỉ số Asia Power 2023, trong 10 nước ASEAN chỉ Philippines và Singapore có ảnh hưởng chung của Mỹ cao hơn Trung Quốc, tuy nhiên khoảng cách khá hẹp khi tỷ lệ là 52-48 và 51-49 (Mỹ - Trung Quốc). Trong khi đó, khoảng cách này ở một số nước còn lại rất đáng kể, như Lào (29-71), Campuchia (31-69), Myanmar (37-63).
Riêng về kinh tế, Trung Quốc vượt hẳn Mỹ ở tất cả các nước. Kinh tế của Lào, Brunei, Myanmar, Indonesia, Malaysia và Campuchia phụ thuộc rất nhiều vào ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều ngạc nhiên ở đây, là Việt Nam khi ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc khá cân bằng cả ở chỉ số kinh tế lẫn chỉ số chung (53-47).
Tuy sức ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc với các nước trong khu vực ngày càng tăng trong những năm gần đây, tình hình tăng trưởng của Mỹ lại có ảnh hưởng lớn hơn so với Trung Quốc. Một ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo triển vọng kinh tế tháng 4-2023, cho thấy 1 điểm phần trăm tăng trưởng của Mỹ sẽ kéo theo 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng của khu vực ASEAN, trong khi đó mức độ ảnh hưởng tương tự của Trung Quốc là 0,3 điểm phần trăm.
Chính sách tiền tệ của Mỹ cũng có ảnh hưởng lớn hơn, vì quy mô của thị trường tài chính Mỹ cũng như sức ảnh hưởng của đồng USD. Ước tính, nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, tăng trưởng của các nước sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm. Điều này thị trường tài chính thế giới đã chứng kiến, khi Fed tăng lãi suất mạnh và liên tục từ tháng 3-2022, nhiều nước trên thế giới đã phải tăng lãi suất theo để giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Sự cân bằng tích cực của Việt Nam
Có lẽ không ít người ngạc nhiên khi thấy sự ảnh hưởng chung và riêng về kinh tế của Trung Quốc với Mỹ đối với Việt Nam qua báo cáo của The Lowy Institute. Nhưng khi nhìn lại các con số thống kê về xuất nhập khẩu và vốn đầu tư nước ngoài (FDI), điều này có thể lý giải phần nào.
Tính đến tháng 3, giá trị xuất khẩu trượt 12 tháng (TTM) của Việt Nam sang thị trường Mỹ khoảng 103,87 tỷ USD, bỏ xa thị trường xuất khẩu ở vị trí thứ 2 là Trung Quốc với giá trị 56,55 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc cùng kỳ 114 tỷ USD, từ Hàn Quốc 57,44 tỷ USD và từ Mỹ 14,06 tỷ USD. Như vậy có thể thấy, ảnh hưởng từ xuất khẩu sang Mỹ và nhập khẩu từ Trung Quốc khá cân bằng cho Việt Nam.
Về FDI, ghi nhận đến tháng 3, số đăng ký trượt 12 tháng khoảng 4 tỷ USD cho cả Trung Quốc và Hồng Kông, trong khi của Mỹ gần 700 triệu USD. Tuy nhiên, cũng khó bóc tách ra được khi FDI thông qua các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, những nơi Mỹ có ảnh hưởng lớn về kinh tế. Chỉ riêng 3 quốc gia và vùng lãnh thổ này đã có số dự án FDI đăng ký lên đến 11 tỷ USD.
Sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước trong khu vực ASEAN ngày càng lớn, đặc biệt qua chương trình “Vành đai Con đường”, hay các chương trình cho vay mà gần đây Trung Quốc được biết đến là chủ nợ lớn. Ngoài ra, Trung Quốc còn rất tích cực trong việc rủ rê một số nền kinh tế khác giảm phụ thuộc và đồng USD, thay vào đó dùng đồng nhân dân tệ (CNY) trong các thanh toán quốc tế.
Không những thế, tiếng nói của Trung Quốc cũng rất quan trọng trong các vấn đề quốc tế, như xung đột Nga - Ukraine, trung gian cho việc gặp gỡ giữa Iran và Saudi Arabia. Ngay cả Liên minh châu Âu (EU) cũng phải hết sức dè chừng với Trung Quốc, hiện đang tìm mọi cách để dung hòa, tìm cách đối thoại thay cho đối đầu, thậm chí có thể thấy phần nào nhún nhường với Trung Quốc.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế năm 2023 và 2024 được dự báo chậm lại ở các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ và EU. Gánh vác cho tăng trưởng toàn cầu sẽ trông chờ chủ yếu vào tăng trưởng của Trung Quốc, cũng như một số nền kinh tế đang phát triển khác.
Việt Nam có đặc thù là xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, song lại nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc. Không những thế, Việt Nam và Trung Quốc cùng chia sẻ nhiều chính sách tương đồng về vĩ mô. Vì vậy, việc mở cửa cũng như tăng trưởng của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam hơn so với chính sách tiền tệ của Mỹ.
Việc 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới cạnh tranh với nhau là điều không thể tránh được. Và trong bối cảnh thế giới có nguy cơ bị phân cực, việc duy trì được sự cân bằng ảnh hưởng từ các nước lớn rất khó, nhưng làm được lại là lợi thế lớn. Đây là điều đáng mừng cho Việt Nam, ít ra trong giai đoạn này.
Ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc đang ngày càng tăng, trong chính sách tiền tệ của Mỹ lại có tác động lớn hơn, nên để duy trì được sự cân bằng ảnh hưởng 2 nước này rất khó đối với các nước ASEAN.