Lượng kiều hối có thể 'rực rỡ' hơn nếu…

(ĐTTCO) - Những ngày qua, tin vui về kiều hối xuất hiện dồn dập trên thị trường. Đáng chú ý, theo một số cơ quan truyền thông, ngày 25-1 một lãnh đạo Vụ Quản lý Ngoại hối, cho biết lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 đạt 16 tỷ USD.

Lượng kiều hối có thể 'rực rỡ' hơn nếu…

Mức này cao hơn cả ước tính 14 tỷ USD do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trước đó. NHNN chi nhánh TPHCM cũng công bố kiều hối năm 2023 đạt gần 9,5 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Mức tăng trưởng này cao nhất trong 10 năm trở lại đây, và TPHCM tiếp tục duy trì tỷ trọng cao so với tổng lượng kiều hối cả nước, ở mức trên 50%.

Số liệu từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cũng cho thấy Việt Nam có khoảng 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, trên 80% tại các nước phát triển, với khoảng 600.000 kiều bào có trình độ đại học trở lên.

Đời sống của kiều bào ngày càng tốt hơn, là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển đất nước. Nhờ đó nhiều năm qua, Việt Nam luôn nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Theo NHNN, giai đoạn 1993-2022 lượng kiều hối gửi về nước đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân trong cùng kỳ. Riêng tại TPHCM năm 2023 lượng kiều hối gấp 2,7 lần vốn FDI, và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Dẫu vậy, những con số thống kê kiều hối tuy rực rỡ nhưng chưa phải là con số thật sự, và đây chính là vùng xám trong bức tranh kiều hối hiện nay. Bởi cơ quan quản lý chỉ thống kê được những khoản ngoại tệ chuyển về qua các kênh chính thức, như tổ chức tín dụng quốc tế, bưu chính quốc tế, ngân hàng, công ty kiều hối.

Trong khi một lượng lớn kiều hối được giao dịch trên các kênh phi chính thức, như qua các đại lý tư nhân hoặc qua hình thức chuyển tiền tay ba. Hiện nhiều người Việt Nam sử dụng kênh này để chuyển tiền cho người thân đang học tập, làm việc ở nước ngoài. Một số đơn vị cũng thông báo nhận chuyển tiền Việt và giúp khách hàng quy đổi sang USD, EUR, bảng Anh… để gửi đi. Điểu này có nghĩa một lượng lớn ngoại tệ được chuyển trái phép ra khỏi biên giới quốc gia.

Dịch vụ chuyển kiều hối phi hình thức này nằm ngoài khuôn khổ của pháp luật. Vì để vận hành, đơn vị chuyển tiền chui phải dự trữ một khoản tiền lớn để chi trả cho người nhận. Nhiều kiều bào ưa chuộng dịch vụ này vì chi phí luôn rất rẻ, thậm chí nhiều nơi chỉ ăn chênh lệch tỷ giá. Trong khi mức phí nhận chuyển tiền qua kênh ngân hàng 0,15-1,5%, thậm chí các tổ chức bưu chính quốc tế thu phí đến 4-6% và còn mất thời gian thực hiện các thủ tục.

Kiều hối luôn được xem là nguồn lực vàng cho nền kinh tế, cung cấp lượng ngoại tệ lớn cũng như hỗ trợ bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai. Hơn nữa, không cần hoàn trả, cũng không mất chi phí lãi vay như một số nguồn vốn từ nước ngoài khác. Cũng vì vậy, Việt Nam rất chú trọng việc thu hút kiều hối bằng nhiều chính sách.

Tuy nhiên, theo các thống kê lượng kiều hối về Việt Nam chủ yếu đổ vào lĩnh vực đầu tư bất động sản (chiếm 22-25%) và đa phần là lướt sóng kiếm lời, số còn lại là hỗ trợ người thân và vào các lĩnh vực khác.

Quan sát trên thực tế cũng thấy, kiều hối đa phần phục vụ nhu cầu chi tiêu cá nhân, kinh doanh nhỏ lẻ, thay vì phục vụ đầu tư dự án lớn, vì nếu đầu tư dự án sẽ tính vào vốn FDI. Vì thế, nếu xem đây là nguồn lực để phục hồi, phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh tiêu dùng nội địa để người dân chi tiêu nhiều hơn, thay vì kêu gọi đầu tư.

Đặc biệt, phải cạnh tranh để hút tiền từ kênh phi chính thức, đồng thời hút cả lượng lớn ngoại tệ về nước đã bị chảy ra thị trường tự do, khi tỷ giá trên thị trường này luôn cao hơn các ngân hàng, từ đó tăng lượng ngoại tệ đọng lại trên thị trường chính thức. Nếu xóa được các vùng xám này, con số kiều hối có thể còn rực rỡ hơn so với hiện nay.

Các tin khác