Sản xuất công nghiệp tăng cao hơn so với mức tăng chung của nền kinh tế
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” tình hình sản xuất công nghiệp trong nước đã có những bước hồi phục mạnh mẽ, từng bước khắc phục và nối lại được các chuỗi cung ứng trong các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với sản lượng sản phẩm và số lượng đơn hàng mới đều gia tăng.
Theo Cục Công nghiệp, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,48%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng 2021 tăng 5,74%).
Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%. Trong phạm vi cả nước, có tới 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng và nhiều địa phương tăng ở mức rất cao, như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Nam, Bình Phước…
4 điểm nghẽn chính đang cản trở sự phát triển của công nghiệp
Tuy vậy, theo Cục Công nghiệp, sản xuất công nghiệp trong nước vẫn có những hạn chế, khó khăn nhất định với các “điểm nghẽn,” mặc dù đã từng bước được khắc phục nhưng còn chậm, chưa mang tính đột phá, gồm 4 điểm nghẽn chính như: Nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI; Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao.
Bên cạnh đó, các công đoạn có giá trị gia tăng cao như sản xuất nguyên phụ liệu, thiết kế, marketing vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI nắm giữ; Năng lực của các doanh nghiệp còn ở mức thấp, năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn rất hạn chế; Trình độ công nghệ còn chậm được cải thiện trong thời gian gần đây, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong nước đối với cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn ở mức thấp.
Tiếp tục xây dựng dự án Luật Phát triển công nghiệp
Để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, từ đầu năm, Cục Công nghiệp – đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao ngay từ đầu năm.
Dự án Luật Phát triển công nghiệp sẽ được trình Chính phủ trong tháng 7/2022, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2023. |
Các công tác chuyên môn thường xuyên được tiến hành hiệu quả, bảo đảm tiến độ được giao theo chỉ đạo của các cấp, trong đó, chú trọng công tác bảo đảm và tháo gỡ các khó khăn trong việc khôi phục hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp và các dự án sản xuất công nghiệp lớn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều nước trong khu vực cũng như căng thẳng, xung đột về chính trị-kinh tế thế giới.
Để hỗ trợ lĩnh vực này, Cục Công nghiệp được lãnh đạo Bộ giao xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp.
Hồ sơ đã được Chính phủ thông qua chủ trương và Chính phủ cũng đã thông qua các chính sách dự kiến quy định tại Dự án Luật và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng Luật năm 2023.
Hiện tại, Cục Công nghiệp hiện đang tiến hành tiếp thu ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội để báo cáo lại Thủ tướng trong tháng 7/2022.
Trong 6 tháng cuối năm, Cục Công nghiệp xác định tiếp tục tập trung triển khai 4 nhiệm vụ lớn. Trong đó khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật phát triển công nghiệp để báo cáo Thủ tướng trong tháng 7/2022, trình Quốc hội dự án Luật phát triển công nghiệp vào năm 2023.