Tháo 'nút thắt' đầu tư công để kích hoạt nền kinh tế

(ĐTTCO) - Đầu tư công được đánh giá là động lực cho tăng trưởng, trụ đỡ của kinh tế trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới bất thuận, và đây cũng được xem là nguồn “vốn mồi” dẫn dắt các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư. 
Khó khăn về nguồn vốn đối ứng khiến một số gói thầu dự án Bến Lức - Long Thành phải tạm dừng thi công.
Khó khăn về nguồn vốn đối ứng khiến một số gói thầu dự án Bến Lức - Long Thành phải tạm dừng thi công.

Nghẽn vì thể chế, ngại vì trách nhiệm

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), tính đến hết tháng 9-2023, giải ngân ĐTC ước đạt trên 363.000 tỷ đồng, chỉ bằng 51,38% kế hoạch, cao hơn khoảng 110.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 46,7%). Riêng số vốn giải ngân từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gần 49.500 tỷ đồng, chỉ đạt 38,4% kế hoạch Thủ tướng giao.

Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương đạt tỷ lệ trên 55% kế hoạch Thủ tướng giao. Ngược lại vẫn còn tới 42 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Đánh giá về kết quả trên, bà Cao Thị Minh Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH-ĐT), nhìn nhận giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) trong năm 2023 dù đạt kết quả tích cực nhưng vẫn chưa như kỳ vọng và yêu cầu. Về khách quan bà Nghĩa cho rằng chưa khi nào nguồn vốn ngân sách dành cho ĐTC lớn như hiện nay, trong khi đó năng lực quản lý và khả năng hấp thu nguồn vốn ở không ít bộ ngành, địa phương còn hạn chế.

Cụ thể, năm 2023 có quy mô vốn ĐTC rất lớn, số lượng dự án cần giải ngân cũng nhiều hơn với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được khởi công như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao Lãnh - An Hữu, Vành đai 3 - TPHCM...

Các dự án đều có nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu xây dựng rất lớn, trong khi thủ tục cấp phép, bàn giao mỏ để khai thác nguyên vật liệu rất phức tạp, mất nhiều thời gian, chưa phù hợp với nhiều loại hình khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Về chủ quan, việc chậm trễ giải ngân vốn ĐTC còn do việc lập, phân bổ, giao kế hoạch vốn trung hạn hàng năm còn tồn tại những bất cập: dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa phù hợp với tiến độ các dự án; có trường hợp bố trí không đúng cơ cấu ngành, lĩnh vực, nguồn vốn, đối tượng sử dụng vốn hoặc bố trí vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư.

Việc điều chỉnh kế hoạch vốn còn chưa linh hoạt, kịp thời; việc bố trí vốn đối ứng tại một số địa phương còn chưa kịp thời, đảm bảo cơ cấu theo quy định; có tình trạng “e ngại” của người đứng đầu các cơ quan, địa phương có dự án ĐTC (đơn cử như việc rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, bổ sung vốn chưa kịp thời, xuất hiện tình trạng “ngại” điều chỉnh vốn kế hoạch ĐTC trung hạn giữa các bộ ngành, địa phương…).

Ông Vũ Thanh Hải, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành IV của Kiểm toán Nhà nước cho biết: “Thực tế một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa tích cực, thậm chí sợ trách nhiệm khi triển khai, ký duyệt các thủ tục thanh toán, quyết toán. Cùng với đó là năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu còn hạn chế.

Trong khi đó, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân vốn ĐTC, và là người chịu trách nhiệm toàn bộ đối với mọi sai phạm trong suốt quá trình thực hiện đầu tư chứ không phải là trách nhiệm tập thể, nếu để xảy ra sai phạm. Đồng thời, phải lấy kết quả giải ngân vốn ĐTC làm tiêu chí đánh giá năng lực và trách nhiệm của người đứng đầu”.

Nhà thầu cũng “than khổ”

Thực tế, việc chậm trễ trong thực hiện các dự án ĐTC còn do những vướng mắc trong chính quy định giữa các luật với nhau, dẫn đến thủ tục giải quyết kéo dài, mất nhiều thời gian. Đơn cử như Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là một trong những đơn vị có số lượng vốn và dự án ĐTC được giao rất lớn, trong đó có nhiều dự án trọng điểm quốc gia, nhưng tính đến hết tháng 9, Bộ GTVT mới giải ngân được khoảng 56.600 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch năm được Chính phủ giao. Do vậy với số lượng vốn còn lại phải giải ngân từ nay tới hết năm rất lớn nên tạo những áp lực không nhỏ.

Ở góc độ nhà thầu, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, cho rằng hiện nay khâu giải phóng mặt bằng là nhà thầu “ngán” nhất. Theo ông Anh, hiếm khi nào doanh nghiệp nhận được mặt bằng sạch mà chủ yếu là mặt bằng xen kẽ hoặc ngắt quãng. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, hiệu quả thi công không được như thiết kế.

Ông Nguyễn Tuấn Anh nêu một dự án ký hợp đồng năm 2018, dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng đến năm 2023 vẫn chưa có mặt bằng cuối cùng. Trong khi đó, cộng hưởng từ bão giá, đại dịch Covid-19, doanh nghiệp thiệt hại lớn, lên đến 30% giá trị hợp đồng.

Bên cạnh đó, một số địa phương thông báo giá không sát, không kịp thời so với thực tế. Hay như việc thiếu vật liệu đắp, đơn cử như tình trạng thiếu cát tại khu vực ĐBSCL, khiến nhà thầu phải thi công cầm chừng, thậm chí dừng thi công…

Theo đại diện Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT), thời gian qua hoạt động đầu tư dự án nói chung gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là thiếu vật liệu xây dựng và chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.

Đơn cử Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025) vẫn đang đối mặt với “nút thắt” mặt bằng. Đến thời điểm hiện tại, nhiều đoạn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công, mặc dù đã quá thời hạn bàn giao mặt bằng sạch 100% cho dự án.

Về nguyên nhân chậm trễ của việc thực hiện giải ngân vốn ĐTC, theo Bộ GTVT khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư, di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật, thường là khâu tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ảnh hưởng tới tiến độ các dự án nhiều nhất. Thêm vào đó, nguồn cung cấp vật liệu tại một số dự án vẫn còn vướng mắc, chậm được giải quyết, trong đó có sự chồng chéo với Luật Khai thác khoáng sản (liên quan đến các mỏ đất, đá dùng để tạo mặt bằng).

Do đó, cần phải sớm giải quyết “nút thắt” này theo hướng ưu tiên giao mỏ vật liệu trực tiếp cho nhà thầu theo cơ chế đã được Quốc hội cho phép, nhằm tăng tính chủ động cho nhà thầu, giảm khâu trung gian, tránh việc đầu cơ, nâng giá, ép giá.

Để thúc đẩy giải ngân ĐTC, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc tháo gỡ 2 “điểm nghẽn” quan trọng hiện nay là giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng.

Các tin khác