Đây là chỉ số được nghiên cứu độc lập từ các nhà khoa học của UEH về những vấn đề nổi bật của kinh tế Việt Nam, cũng như sự kiểm chứng thực tế từ năm 2002 - 2017. Để hiểu rõ hơn về chỉ số này cũng như tầm quan trọng, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với PGS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo (ảnh), Trưởng khoa Tài chính UEH, thành viên nhóm nghiên cứu.
PHÓNG VIÊN: - Thưa PGS, ông có thể nói rõ hơn về Chỉ số FCI cũng như tầm quan trọng của nó đối với các cơ quan hoạch định chính sách?
PGS. NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO: - Chỉ số Điều kiện tài chính - FCI (Financial Conditions Index) là chỉ số tổng hợp, nhằm phản ánh các điều kiện tài chính chung của cả nền kinh tế, cũng như đánh giá tác động đến triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn và dài hạn. Hiện nay các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ ở các nước trên thế giới đã xây dựng và áp dụng.
FCI có nhiều đặc tính ưu việt, bởi sử dụng một tập hợp lớn các thông tin tổng hợp tài chính, những thông tin tổng quát nhất, nên phản ánh chính xác điều kiện tài chính hiện tại cũng như tăng khả năng dự báo hoạt động kinh tế trong tương lai.
Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay, việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ dựa vào các chỉ số như tăng trưởng GDP, tăng trưởng tín dụng, biến động lãi suất, tỷ giá hối đoái, thâm hụt ngân sách, nợ xấu… Thế nhưng, trong thực tiễn các chỉ số này đều có sự tương tác và ràng buộc lẫn nhau nên chưa phản ảnh đầy đủ những đặc trưng của khu vực tài chính Việt Nam.
Dựa trên nguyên tắc đo lường FCI, nếu kết quả của FCI thể hiện giá trị dương, cho thấy các chính sách điều tiết thị trường tài chính đang có xu hướng gia tăng sự kìm hãm lên các điều kiện tài chính. Ngược lại, một sự sụt giảm hay giá trị âm của chỉ số FCI, thể hiện sự nới lỏng hơn của các điều kiện tài chính so với mức trung bình.
Chính vì vậy, FCI không chỉ hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, mà cả doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư (NĐT) trong việc nắm bắt và dự báo được triển vọng của nền kinh tế, thông qua việc nhận diện được các tín hiệu thắt chặt hay nới lỏng của các điều kiện tài chính. Từ đó có thể đưa ra được các chính sách điều tiết cần thiết và kịp thời (đối với Chính phủ), hoặc hoạch định được các quyết định tài trợ, đầu tư, tiêu dùng và tiết kiệm (đối với DN và NĐT).
- Thưa ông, nhóm nghiên cứu có thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu giữa kết quả nghiên cứu chỉ số FCI với biến động thực tế của khu vực tài chính và nền kinh tế?
- Chúng tôi đã đối chiếu kết quả nghiên cứu diễn biến chỉ số FCI của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2002 - 2017 với các bước đi trong điều hành chính sách và thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam. Các mức giá trị và sự biến động của chỉ số FCI hoàn toàn tương thích với các giai đoạn thắt chặt hay nới lỏng các điều kiện tài chính tại Việt Nam trong từng giai đoạn.
Cụ thể, chỉ số FCI mang giá trị âm trong suốt giai đoạn từ năm 2002 đến nửa đầu năm 2007, phản ánh chính sách tiền tệ đã được nới lỏng trong giai đoạn này, nhằm thực hiện quá trình phục hồi nền kinh tế sau khi Việt Nam phải hứng chịu các cú sốc từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á trong giai đoạn từ 1997-1999. Sau đó, chỉ số FCI tăng vọt từ cuối năm 2007, cho thấy Chính phủ đã thực hiện thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và chỉ số FCI đạt đỉnh vào quý II-2008 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh nâng lãi suất cơ bản lên 14%/năm. Rồi lại như nới lỏng vào nửa cuối 2008 đến nửa đầu 2009 (chỉ số FCI giảm và đạt giá trị âm vào quý I-2009 khi NHNN điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản xuống 7%).
Tương tự thắt chặt từ cuối 2009 đến đầu 2010; quay lại nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng một thời gian ngắn trong năm 2010; sau đó thắt chặt đến hết năm 2011 (FCI một lần nữa đạt đỉnh dương vào cuối năm 2011 khi NHNN điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn lên 15%, tăng lãi suất chiết khấu lên 13%/năm).
Bước sang năm 2012, trước xu hướng giảm của lạm phát, chính sách tiền tệ bắt đầu được nới nỏng, các điều kiện tài chính trở nên “dễ thở” hơn, chỉ số FCI cũng giảm sâu đến mức 1,19% vào quý III-2012. Trong các năm tiếp theo, chính sách tiền tệ đã được điều tiết khá ổn định, có xu hướng nới lỏng để tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời ổn định mức giá. Các điều kiện tài chính này được phản ảnh thích hợp qua FCI với các giá trị âm trong giai đoạn này và sự biến động tương đối ổn định.
Một tín hiệu đáng mừng có thể nhận thấy là chỉ số FCI trong những năm gần đây đang có xu hướng tiến gần và xoay quanh mức 0 - ngưỡng cho thấy các điều kiện tài chính đang ở mức trung bình của cả giai đoạn 2002 - 2017, được xem là thời kỳ năng động nhất của khu vực tài chính Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Điều này đã thể hiện chính sách tiền tệ đang được điều hành một cách thận trọng và phù hợp với các điều kiện kinh tế vĩ mô. Rõ ràng duy trì được FCI xoay quanh ngưỡng này trong các năm tiếp theo sẽ là thành công lớn góp phần ổn định nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng mà không gây ra áp lực lạm phát cao.
- Nói như vậy FCI không thể thiếu cho việc hoạch định chính sách?
- Việc chỉ sử dụng một vài chỉ số tài chính riêng lẻ như cách làm hiện nay để phản ánh các điều kiện tài chính, sẽ dẫn đến việc phát ra những tín hiệu không chính xác, điều này sẽ gây lệch lạc hoặc giảm hiệu quả của việc hoạch định và điều hành các chính sách kinh tế, hoặc ra các quyết định chi tiêu và đầu tư.
Do vậy, với các nhà hoạch định chính sách, ứng dụng quan trọng của FCI không chỉ nằm ở vấn đề dự báo, mà còn trong khía cạnh giải trình hiệu quả chính sách. Chẳng hạn khi NHNN nâng lãi suất chính sách lên, câu hỏi được đặt ra là tác động của điều này đến thị trường xấu đến đâu để các đại biểu Quốc hội có cơ sở chất vấn và các cơ quan hoạch định chính sách khác về hành động thích ứng.
FCI có thể giúp NĐT dự đoán biến động của thị trường chứng khoán, vì nó có thể phản ánh xu thế của chính sách tiền tệ, qua việc phản ánh điều kiện tài chính là đang siết chặt hay nới lỏng, để đưa ra dự báo về xu thế của dòng tiền, dòng tín dụng vào chứng khoán. Chỉ số FCI cũng có thể giúp các NĐT đánh giá được các điều kiện tài chính năm nay “chặt” hay “lỏng” hơn so với các năm trước. Nếu được thiết kế phù hợp, FCI có thể là một thước đo rộng hơn của xu thế chính sách tiền tệ trong trung và dài hạn. |