PHÓNG VIÊN: - Các địa phương đều khẳng định sẽ làm tốt hơn các sản phẩm, dịch vụ để hút khách sau dịch, nhưng thực tế không được như vậy. Điều này liệu có đẩy khách Việt đến gần hơn với các tour đi nước ngoài khi cánh cửa du lịch rộng mở, thưa ông?
Ông PHAN ĐÌNH HUÊ: - Theo tôi, việc người Việt Nam đi du lịch nước ngoài trong năm nay sẽ chưa nhiều. Nguyên nhân do khách lo ngại với tình hình dịch bệnh chưa biết diễn biến như thế nào, không may quốc gia khách tới du lịch bị bùng dịch trở lại, khả năng mắc kẹt rất cao. Chưa kể, trong quá trình đi du lịch nếu không may khách bị nhiễm Covid-19, không thể tham gia theo hành trình đã định, hoặc đến ngày về bị nhiễm sẽ khó khăn trong việc nhập cảnh khi phải cách ly...
Giá các tour đi nước ngoài hiện nay đều khá cao nên cũng chưa thể thuyết phục nhiều du khách. Bản thân nhiều công ty du lịch cũng rất thận trọng khi thiết kế các tour đi nước ngoài vì sợ rủi ro lớn. Hiện nay các tour đưa khách đi phải có những cam kết chặt chẽ và sự chuẩn bị hết sức chu đáo.
Khi chưa thể lựa chọn nhiều tour nước ngoài, du lịch nội địa trở thành lựa chọn hàng đầu của du khách, mà dịp lễ Giỗ Tổ và 30-4 cũng như 1-5 vừa qua là minh chứng. Song đúng là có tình trạng khách đông nhưng dịch vụ chưa làm khách hài lòng. Một phần nguyên nhân từ phía các DN (đơn vị nắm giữ dịch vụ) do thời gian dài đóng cửa vì dịch Covid-19, cơ sở hạ tầng bị xuống cấp, nhân lực thiếu hụt nên chưa thể phục vụ tốt cho du khách.
Thật ra, với những người làm du lịch và các địa phương, khi thấy khách tăng thì mừng nhưng đây chỉ là giai đoạn giao mùa, điều du lịch cần là đi đường dài, bền vững. Vì thế, các địa phương cần mạnh tay kiểm tra, chấn chỉnh, hỗ trợ DN làm du lịch tại địa phương mình. Biết DN thiếu gì, cần gì để chỉnh đốn. Nếu có thể hỗ trợ vốn, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho DN, từ đó vực dậy ngành du lịch. Tất nhiên, để dịch vụ du lịch có thể tốt lên cần có thời gian, nhưng mọi thứ phải khẩn trương.
Các cơ quan quản lý không nên hô hào suông, cần nghiên cứu thị trường thực sự xem khách cần gì, muốn gì khi đến địa phương mình du lịch. Đâu là ưu và nhược điểm ở địa phương mình. Cũng cần nói thêm những ngày lễ khách đông nhưng đa phần tự túc, tự tổ chức dịch vụ nên doanh thu ngành du lịch chưa chắc như kỳ vọng.
- Mỗi lần du lịch hồi sinh sau một đợt dịch, kích cầu, giảm giá là điều hay được nhắc tới. Song việc nhiều đơn vị giảm giá mạnh liệu có làm méo mó thị trường du lịch, thưa ông?
- Một người bạn làm chủ một cơ sở lưu trú than với tôi rằng, ngành du lịch đề xuất, các đơn vị booking nhà nghỉ yêu cầu giảm giá phòng để kích cầu du lịch, trong khi “hoa hồng” của các đơn vị booking vẫn lấy như cũ, thuế có giảm nhưng rất ít, nhân viên thì mong nhận được mức lương tốt hơn, các chi phí đầu vào không ngừng tăng cao.
Nếu giảm giá phòng, chất lượng dịch vụ phải giảm và như vậy khách sẽ than phiền. Lựa chọn cuối cùng là giữ nguyên giá phòng để giữ chất lượng. Thực tế này cho thấy thế kẹt của nhiều DN làm du lịch, khi chi phí đầu vào tăng, muốn kích cầu phải giảm giá, song giảm giá chất lượng lại không đảm bảo.
DN đang rất khó khăn, nhưng cho đến nay sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch vẫn không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước. Những lời kêu gọi như hạ lãi vay để DN đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, hay các chương trình hỗ trợ đào tạo nhân sự, thu hút trở lại lực lượng lao động có trình độ trong nghề… được các DN nói nhiều nhưng rồi DN vẫn phải tự lực.
Nói thêm về chương trình kích cầu, hiện có một số DN mang đến những mức giá giảm khủng cho người mua. Song nếu giảm càng mạnh người mua càng cần cảnh giác và cơ quan quản lý cần vào cuộc kiểm tra, thanh lọc thị trường. Vì khi giảm quá mạnh sẽ làm méo mó thị trường, khiến cạnh tranh không lành mạnh, bởi giảm nhiều chắc chắn chất lượng dịch vụ không thể đảm bảo. Nếu không thanh lọc những DN như vậy, DN làm đúng lại hẹp đi “đất sống”.
Như tôi đã nói trong năm nay, thậm chí 1-2 năm tới cũng không cần quá lo việc du khách Việt đổ ra nước ngoài như thời điểm trước dịch. Nhưng từng DN, từng địa phương và toàn ngành phải xắn tay làm du lịch bài bản. Thị trường du lịch nội địa là khổng lồ nhưng cần bền vững, không chỉ chạy theo những ngày lễ. Chúng ta cũng có quyền tự hào Việt Nam có nhiều cơ sở dịch vụ lưu trú đạt đẳng cấp quốc tế phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước. Đây là cơ sở để làm tốt hơn nữa mảng du lịch nội địa.
- Mảng du lịch quốc tế đang đặt nhiều kỳ vọng khi chúng ta đã mở cửa thị trường hồi giữa tháng 3. Theo ông, mảng quốc tế có khả quan?
- Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm đã từng chia sẻ nhiều lần, là thị trường khách quốc tế hiện vẫn chưa có nhiều điểm sáng. Thứ nhất, tâm lý khách Việt ra nước ngoài còn lo lắng dịch bệnh và khách quốc tế vào Việt Nam cũng như vậy.
Thứ hai, thị trường khách chính là Trung Quốc vẫn đang kẹt cứng, khách từ châu Âu và Mỹ bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine nên các đường bay cũng không thuận lợi. Tiếp đó, chi phí cho một tour hiện nay cũng đắt hơn trước. Hiện các đoàn khách đến Việt Nam đa phần là các đoàn khách nhỏ, kết hợp kinh doanh hoặc là những nhóm khách thích mạo hiểm khát khao đi du lịch.
Ngoài những khó khăn nói trên, hiện nay còn có một số vướng mắc các DN đã đề xuất nhưng chưa được chấp thuận, chẳng hạn như chính sách visa. Còn với những sự thay đổi về sản phẩm, dịch vụ tại các địa phương để hấp dẫn du khách cũng chưa rõ nét, dù trước đó đã nói tới nhiều. Các chiến lược xây dựng thương hiệu, quảng bá du lịch Việt Nam sau dịch của ngành cũng chưa bài bản và toàn lực nên khó để hấp dẫn du khách ngay trong năm nay.
- Xin cảm ơn ông.
Thị trường du lịch nội địa là khổng lồ nhưng cần bền vững, không nên chỉ chạy theo những ngày lễ. |