ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. NGUYỄN MINH PHONG (ảnh), Phó Ban tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân.
PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá như thế nào về các dự luật mà Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo?
TS. NGUYỄN MINH PHONG: - Khi các dự luật này được đưa ra, đã có nhiều người đồng tình và hoan nghênh định hướng và mục tiêu của các dự luật được thể hiện cụ thể trong nội dung điều chỉnh giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%; quy định về ngưỡng doanh thu để áp dụng hình thức kê khai thuế GTGT phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và thông lệ quốc tế; bổ sung quy định về giá tính thuế đối với một số trường hợp hợp tác, phân công giữa các nước trong chuỗi sản xuất toàn cầu, bảo đảm điều tiết công bằng giữa hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước và hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu; kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.
Nhiều ý kiến hoan nghênh việc điều chỉnh giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ (áp dụng thuế suất 17%) và doanh nghiệp siêu nhỏ (áp dụng thuế suất 15%), để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng tích lũy, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục ưu đãi thuế đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, lĩnh vực xã hội hóa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; bổ sung quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; bổ sung các quy định để bao quát được các hoạt động kinh tế mới phát sinh trong kinh tế thị trường hội nhập và phù hợp với thông lệ quốc tế…
Tuy nhiên, không ít người dân băn khoăn về sự tương hợp giữa các định hướng và mục tiêu điều chỉnh thuế. Theo họ cần cân nhắc đề nghị tăng thuế suất GTGT phổ thông từ 10% lên mức mới 12%, vì việc tăng này có thể làm giảm khả năng thanh toán và sức mua thị trường đang còn thấp, kéo theo giảm tiêu dùng và giảm sản xuất, giảm đóng góp ngân sách từ các doanh nghiệp sản xuất các hàng hóa và dịch vụ chịu mức tăng thuế GTGT.
Cùng với đó, cần cân nhắc việc bỏ quy định tính thuế GTGT 5% đối với sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên. Bởi việc bãi bỏ này không chỉ mở rộng kẽ hở và động lực sử dụng lãng phí tài nguyên trong nước, mà còn làm tăng tình trạng “bao cấp ngược” (thí dụ như trong ngành xi măng, thông qua giá điện thấp).
- Một dự luật khác cũng đang được dư luận quan tâm là thuế tài sản. Ông nghĩ sao về những ý tưởng ban đầu ban soạn thảo đưa ra, cũng như tính khả thi của sắc thuế tài sản?
- Trong dự thảo Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính nghiêng về chọn phương án đối tượng chịu thuế nhà ở có giá trị tối thiểu từ 700 triệu đồng và mức thuế suất 0,4%/năm, thay vì phương án từ mức 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nên có phương án thứ 3 để lựa chọn là ngưỡng tính thuế tối thiểu cho giá trị nhà ở từ trên 1 tỷ đồng, và thuế suất áp dụng cho thời gian đầu thực hiện luật này (khoảng 5-10 năm) chỉ 0,2%, trước khi nâng dần về sau.
Phương án thứ 3 này sẽ an toàn, có tính nhân văn và ổn định hơn, phù hợp thực tế đa số người dân có thu nhập thấp và trung bình đang hoặc sẽ sở hữu căn nhà riêng.
Về lý thuyết, pháp lý và thực tiễn, việc xây dựng và triển khai thuế tài sản cần được chuẩn bị kỹ vì không dễ thu; ngay cả việc đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ 2 trở lên cũng không phải muốn là làm được.
Về lý thuyết, pháp lý và thực tiễn, việc xây dựng và triển khai thuế tài sản cần được chuẩn bị kỹ vì không dễ thu; ngay cả việc đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ 2 trở lên cũng không phải muốn là làm được.
Thứ nhất, hiện ở Việt Nam chưa có định nghĩa khoa học và thực tế về đối tượng thu thuế là “tài sản”, “căn nhà” và “căn nhà thứ 2, thứ 3...”. Hơn nữa, việc thu thuế tài sản dễ bị vô hiệu hóa vì bị lách luật, nếu không có quy định về tuổi người được sở hữu tài sản hoặc việc đứng tên hộ tài sản sao cho đủ minh bạch và chặt chẽ...
Thứ hai, Việt Nam đang áp dụng thuế sử dụng đất và đang coi quyền sử dụng đất cũng là tài sản của cá nhân và doanh nghiệp. Nếu định nghĩa không rõ sẽ gây mâu thuẫn, mù mờ, khó áp dụng hoặc tình trạng thuế trùng thuế. Không thể đánh đồng ngôi nhà vài chục triệu đồng với ngôi nhà biệt thự cả vài chục tỷ đồng; cũng như không thể đánh thuế ngôi nhà thứ 2, thứ 3 mà giá trị tổng các ngôi nhà của người này không bằng một góc nhà của “đại gia” trên cùng địa bàn nhưng không phải chịu thuế.
Thứ ba, về mặt kỹ thuật, cần khảo sát và luận cứ chặt chẽ, tạo căn cứ khoa học, minh bạch và sự đồng thuận xã hội cao về quyền sở hữu và các loại tài sản chịu thuế; cách xác định giá trị tài sản để tính thuế; mức giá trị tài sản khởi điểm tính thuế và các mức thuế cụ thể cho từng loại tài sản và đối tượng sở hữu tài sản chịu thuế tài sản trên những địa phương và thời điểm cụ thể.
Nếu việc áp dụng thuế nhà thứ 2 trở lên, chắc chắn người sở hữu căn nhà thứ 2 sẽ cân nhắc, tính toán thiệt hơn giữa việc giữ tài sản của mình dưới dạng là nhà đất, hay gửi tiết kiệm, giữ vàng, ngoại tệ và đầu tư khác... Điều này kéo theo thu hẹp dòng tiền đầu cơ găm giữ hàng trên thị trường bất động sản và giảm bớt lượng cầu ảo về nhà đất, tức cân đối cung cầu và giá nhà đất sẽ ít nhiều được điều chỉnh, cải thiện có lợi cho sự ổn định và lành mạnh hóa.
Thuế tài sản, trong đó có thuế cho ngôi nhà thứ 2 trở lên, là loại mới và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nên không thể nóng vội, duy ý chí, mà phải có lộ trình đủ dài, phải tổ chức khảo sát thực tế và kinh nghiệm quốc tế, xây dựng dự thảo kỹ càng, được lấy ý kiến phản biện và tuyên truyền rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp để tăng sự đồng thuận và hiệu quả trong triển khai thực hiện. |