TPHCM: Cải thiện 'chỉ số', cần những hành động thực tiễn

(ĐTTCO) - Với chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 đạt 65.86 điểm, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố (VCCI công bố giữa tháng 4-2023), TPHCM hạ 13 bậc so với năm 2021. Đây là thứ hạng thấp nhất của TPHCM kể từ khi khảo sát chỉ số PCI được thực hiện tại Việt Nam.
TPHCM: Cải thiện 'chỉ số', cần những hành động thực tiễn

Xét riêng trong khu vực vùng Đông Nam bộ, chỉ số PCI của TPHCM năm 2022 tăng một bậc so với năm 2020, xếp vị trí 2/6 trong khu vực, sau tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Xét trong nhóm thành phố trực thuộc trung ương, thành phố tiếp tục xếp cuối với khoảng cách điểm khá lớn (4,9 điểm) so với thành phố đứng đầu trong nhóm và xếp thứ 3 cả nước là Hải Phòng (70.76 điểm).

Bộ chỉ số PAPI (Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) năm 2022 cũng cho thấy TPHCM tiếp tục ở nhóm trung bình thấp; tổng điểm 5 năm trở lại đây của 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì TPHCM chỉ xếp trên TP Cần Thơ. So với năm 2021, TPHCM có ba chỉ số thành phần tăng vượt trội về thứ hạng là Tính minh bạch (tăng 23 bậc), Gia nhập thị trường (tăng 16 bậc) và Môi trường cạnh tranh bình đẳng (tăng 14 bậc).

Bên cạnh đó, chỉ số thành phần Chi phí thời gian cũng tăng 9 bậc so với năm 2021 lên vị trí 17/63 cả nước. Chỉ số thành phần Chính sách Hỗ trợ doanh nghiệp vẫn là ưu thế của TPHCM khi tiếp tục đứng đầu cả nước.

Điều này phản ánh thực tế chuyển động mới chỉ ở cấp lãnh đạo đi cùng các quyết sách dẫn đường. Song, khi đi sâu vào điểm các bộ phận thực hiện như tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức… thì lại giảm điểm mạnh. Hiện trạng này - ở bảng PAPI - các trục nội dung như công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, dịch vụ hành chính cấp xã/phường giảm điểm… là một phản ánh tương ứng khá chính xác.

Một mặt nào đó, với chỉ số tăng cao nhất là trục nội dung quản trị điện tử đánh giá sự thành công của TPHCM về mặt công nghệ - kỹ thuật và công năng vận hành. Nhưng giải pháp đi cùng thông qua việc thiết kế các tổng đài (1022), cổng thông tin tiếp nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp và bộ công cụ DDCI (năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương) thì lại chưa phát huy hiệu quả. Bằng chứng là trục nội dung trách nhiệm giải trình với người dân giảm điểm nhẹ, ở cả hai chỉ tiêu tiếp xúc với chính quyền và giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân.

Sẽ cân bằng hơn và cũng là công bằng hơn nếu tính đến “chỉ số” đặc thù của một siêu đô thị như TPHCM bên cạnh các đơn vị tỉnh/thành khác; lại đang trong thời điểm đối diện với nhiều áp lực “nóng” từ ảnh hưởng toàn cầu - khu vực đến tình hình nội tại. Song, ngay cả khi đặt bên ngoài sự so sánh thứ bậc thì kết quả chỉ số thành phần PCI, các trục nội dung của PAPI vẫn rất cần sự nhận diện tương đối đầy đủ, chính xác trong từng bộ phận của bộ máy công vụ.

Vì vậy, trong thời gian tới, chắc chắn ở hệ thống quản lý nhà nước - quản trị hành chính - dịch vụ công sẽ phải có đối pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn nữa. Đi cùng với đó là cần thúc đẩy sự chuyển động để đạt chuyển đổi ở các chỉ số/trục nội dung quan trọng - như khuyến nghị chính sách của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - về việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập trung ở 3 kênh thông tin người dân thành phố sử dụng nhiều nhất: tivi (64,75%), Internet (63,28%), mạng xã hội (58,40%) với nội dung tập trung phổ biến một số kiến thức cơ bản về bầu cử, tổ dân phố, các hoạt động cộng đồng, thông tin tham gia vào các tổ chức xã hội, hội, nhóm, câu lạc bộ.

TP cần thiết lập các kênh đánh giá của người dân về các vấn đề môi trường, về mức độ an ninh, trật tự và cảm giác an toàn theo từng địa bàn, quận, huyện. Qua đó cải thiện về số lượng và chất lượng các kênh thông tin trợ giúp, hướng dẫn người dân trên các nội dung về y tế, giáo dục, môi trường sống, an ninh trật tự trên địa bàn…

Cải thiện các bộ chỉ số cần những hành động gần dân - sát doanh nghiệp từ thực tiễn!

Các tin khác