TPHCM cần khơi thông nguồn lực đất đai, xác định giá đất

(ĐTTCO) - Theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, hoạt động của doanh nghiệp đã có những dấu hiệu khởi sắc.

Khu vực ngoại thành TPHCM đất trống còn nhiều, các khu dân cư phát triển tự phát. Ảnh: Q.Trần
Khu vực ngoại thành TPHCM đất trống còn nhiều, các khu dân cư phát triển tự phát. Ảnh: Q.Trần

HĐND TP cũng thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) cho vay thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Nhưng để DN mạnh dạn đầu tư, TP cần khơi thông nguồn lực đất đai, xác định giá đất.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn TPHCM thời gian này đã có những chuyển biến như thế nào?

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA: - Thời điểm này với mảng xuất khẩu, ngoài nhóm hàng nông sản có nhiều thuận lợi do nhu cầu thế giới tăng cao, một số nhóm ngành khác cũng đã có tín hiệu khởi sắc hơn. Nguyên nhân, hàng tồn kho tại các nước nhập khẩu lớn đang cạn dần, lại thêm người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm cho các dịp lễ lớn cuối năm, nên đơn hàng đang trở lại với DN.

Tuy nhiên, đây chỉ là những đơn hàng ngắn hạn và tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như dệt may, da giày, còn những mặt hàng tiêu dùng lâu bền như gỗ và sản phẩm gỗ vẫn gặp khó khăn do nhu cầu chưa hồi phục.

Về tiêu dùng nội địa cũng có chuyển biến sau hàng loạt chính sách giảm thuế, kích cầu, khuyến mãi… song sức mua cũng chỉ được kích hoạt trong ngắn hạn, chưa kể DN khi “chạy” theo nhiều chương trình hội chợ, khuyến mãi cũng đuối sức.

Ghi nhận từ các DN bán lẻ lớn trên địa bàn sức mua chưa có nhiều chuyển biến mạnh. Đặc biệt, DN vẫn gặp nhiều khó khăn như vấn đề hoàn thuế cho DN xuất khẩu, hay trong tiếp xúc mặt bằng đất đai, giá đất chưa được xác định vẫn theo giá tạm tính gây nhiều khó khăn cho DN khi tính bài toán đầu tư.

DN mong mỏi thời gian tới TP sẽ đẩy mạnh khơi thông các nguồn lực trong đó có nguồn lực đất đai, cần sớm xác định giá đất, tránh tình trạng tạm tính giá đất. Tại Kỳ họp thứ 11 Khóa 10 ngày 19-9 vừa qua, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết ban hành Quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Trong đó điều chỉnh, bổ sung một số ngành nghề, lĩnh vực vào chương trình hỗ trợ lãi suất TP đang khuyến khích phát triển.

TPHCM cần khơi thông nguồn lực đất đai, xác định giá đất ảnh 1

Đây là một nội dung cụ thể hóa Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. DN rất phấn khởi với thông tin này, nhưng cũng băn khoăn khi có vốn kích cầu có thể đầu tư nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị nhưng không có đất nên không triển khai được.

- Theo ông những tháng cuối năm giải pháp nào để DN chuyển động mạnh hơn và người dân chi tiêu nhiều hơn?

- Bây giờ để người tiêu dùng có động lực chi tiêu nhiều hơn họ phải có thu nhập, và muốn có thu nhập phải có công việc làm ổn định. Hiện tín hiệu tích cực như tôi đã nói là DN, nhất là DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày đã có đơn hàng trở lại trong mùa cuối năm này. TP cũng đã tái khởi động chương trình kích cầu đầu tư trong đó bổ sung một số ngành nghề lĩnh vực vào chương trình hỗ trợ lãi suất. Nếu nguồn lực đất đai được khơi thông, DN triển khai đầu tư mạnh mẽ hơn sẽ có thêm công việc làm cho người lao động.

Tuy vậy ngoài việc khơi thông nguồn lực đất đai còn một giải pháp nữa là đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Khi đầu tư công giải ngân nhanh người dân được nhận tiền đền bù mới có nhu cầu tìm chỗ ở mới, lúc đó thị trường nhà đất mới sôi động. Ngoài ra, khi có dòng tiền người dân cũng sẽ mạnh dạn đầu tư, chi tiêu.

Thêm nữa, khi đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì sẽ kéo theo hàng loạt DN thuộc nhiều lĩnh vực có thêm việc làm, người lao động ổn định từ đó cũng thúc đẩy tiêu dùng nội địa nhiều hơn. Thực tế, DN nào cũng ý thức được phải ổn định việc làm cho người lao động, nhiều DN dù gặp khó nhưng vẫn duy trì sản xuất cầm chừng, với hy vọng trong quý IV này và qua năm sau tình hình sẽ khởi sắc hơn, khi đó vẫn giữ chân được lực lượng lao động, không phải tuyển mới, không phải đầu tư cho hoạt động đào tạo lại.

Tất nhiên, cũng có những DN vì quy mô lớn, khó khăn nhiều không thể cầm cự nên buộc phải cho lao động nghỉ việc. Song với việc thị trường bên ngoài khởi sắc, thị trường bên trong được kích hoạt, giải phóng nguồn lực sẽ giữ chân được người lao động ở lại TP.

Thị trường lao động TPHCM đang có những tín hiệu mới, phát sinh nhu cầu lao động mới, để đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Theo đó, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang đẩy mạnh các nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Và Việt Nam được xem điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, đang đứng trước cơ hội trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn quan trọng trong khu vực.

TPHCM với vai trò là đầu tàu kinh tế không thể bỏ qua cơ hội này nhưng chúng ta cần có sự chuẩn bị cả về nhân sự và hạ tầng. Hay khi vấn đề chuyển đổi xanh được đẩy mạnh cũng tạo thêm nhiều cơ hội cho nhiều lĩnh vực phát triển như các nhà máy làm pin năng lượng mặt trời… khi đó lao động cũng có cơ hội việc làm.

- Hiện DN lại thêm những thách thức khi chuyển đổi xanh. Vậy có phải DN đang ở trong thế khó khăn kép, thưa ông?

- Tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM mới diễn ra, Hiệp hội DN TPHCM cũng gửi thông điệp rất rõ tăng trưởng xanh là xu thế phát triển, là điều kiện sống còn, là tương lai bền vững. Nếu DN không xanh hóa sẽ không bán được hàng. Tất nhiên, DN có thể mua các tín chỉ carbon để đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu, nhưng như vậy vừa tốn kém vừa không bền vững. Chỉ có đầu tư, xanh hóa mới bền vững. Nó là thách thức nhưng cũng là cơ hội.

Hiện nay theo quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP có các DN thuộc lĩnh vực chuyển đổi xanh.

Như vậy chuyển đổi xanh là việc DN phải làm, nếu làm giai đoạn này có thể nhận được hỗ trợ từ chương trình kích cầu đầu tư. Để hỗ trợ các DN trong việc tiếp cận nguồn vốn vay kích cầu, ngoài đầu mối chính là HFIC, Hiệp hội DN TPHCM cũng thành lập tổ công tác nhằm đồng hành, hỗ trợ DN trong quá trình tiếp cận, vay vốn.

- Xin cảm ơn ông.

Khơi thông nguồn lực đất đai, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, giảm lãi suất cho vay các dự án chuyển đổi xanh… là những giải pháp cấp bách hỗ trợ DN thời điểm này.

Các tin khác