Trao đổi với ĐTTC, TS. TRẦN DU LỊCH, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, nhận định, UB này đi vào hoạt động đã tách quản lý nhà nước ra khỏi kinh doanh, sẽ giải quyết được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” hiện nay.
Siêu UB nhưng trách nhiệm vẫn Chính phủ
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông bình luận như thế nào về chức năng hoạt động của UBQLVNN tại DN và việc quản lý vốn nhà nước sắp tới sẽ thực hiện như thế nào?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Trước hết tôi hoan nghênh Chính phủ sau 8 tháng chuẩn bị về tổ chức nhân sự, xây dựng Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBQLVNN tại DN và chính thức ra mắt từ ngày 1-10-2018. Có lẽ đây là tổ chức có quá trình “thai nghén” lâu nhất trong việc hình thành các định chế của nước ta.
Thực chất cách đây hàng chục năm, một tổ chức tương tự cũng đã được đề cập đến, gắn với chủ trương rất quan trọng là tách quản lý kinh doanh ra khỏi quản lý nhà nước ở các cơ quan hành chính công quyền. Tức không để các bộ ngành và chính quyền, bộ máy công quyền tiếp tục làm kinh doanh.
Có ý kiến lo ngại UBQLVNN to quá không quản được, nhưng theo tôi UB này không phải là cơ quan siêu quyền lực, mà quyền cuối cùng vẫn là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. UBQLVNN không quản lý nhà nước, nên không thể vừa đá bóng vừa thổi còi được. |
Tuy chưa minh thị rõ nhưng được gọi là cơ quan đại diện chủ sở hữu tại Điều 3 Khoản 1. Và luật này mở đường tạo khung pháp lý để Chính phủ thành lập UBQLVNN tại DN.
Xã hội đặt cho UB này tên gọi siêu UB vì Chính phủ đã giao UB quản lý 19 TĐ, TCT với số vốn chủ sở hữu và tài sản tương đương 100 tỷ USD, tức quy mô quản lý rất lớn. Nhưng cá nhân tôi không gọi cơ quan này là siêu UB. Bởi căn cứ Nghị định của Chính phủ ban hành ngày 29-9-2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của UB này, trách nhiệm cuối cùng theo luật cũng như đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân vẫn là Chính phủ.
Điều 40 Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN quy định rõ, người đại diện cho chủ sở hữu của Nhà nước cao nhất vẫn là Chính phủ, thứ tự bao gồm quyền của Chính phủ, trách nhiệm của Thủ tướng, rồi đến cơ quan đại diện được Thủ tướng ủy quyền. Do đó, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của UB này chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ và chỉ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu trong phạm vi Nghị định tổ chức cơ quan này quy định.
Tham mưu chiến lược đầu tư
- Như vậy UBQLVNN tại DN là cơ quan có chức năng chủ yếu tham mưu cho Chính phủ trong đầu tư?
Tham mưu chiến lược đầu tư
- Như vậy UBQLVNN tại DN là cơ quan có chức năng chủ yếu tham mưu cho Chính phủ trong đầu tư?
- Có thể hiểu UBQLVNN là cơ quan mang tính tham mưu và được thực hiện một số quyền của chủ sở hữu, mà quyền đó thuộc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Lâu nay vấn đề này giao cho các bộ thực hiện, nay giao cho cơ quan này.
Mặc dù UBQLVNN lập ra các vụ chuyên môn, nhưng các vụ này chủ yếu tham mưu về chiến lược đầu tư, như nên đầu tư lĩnh vực nào, chỗ nào nên rút vốn, chỗ nào nên đầu tư phát triển…
Việc quản lý kinh doanh chủ yếu vẫn nằm ở TĐ, TCT, UBQLVNN không trực tiếp nhúng tay vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ xây dựng chiến lược để tham mưu Chính phủ tái đầu tư, tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước. UB này cũng có thể cử người làm đại diện ở các TĐ, TCT thay vì trước đây các đơn vị thuộc bộ nào Bộ trưởng đó làm. |
Tại Điều 10 của Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước, đầu tư sản xuất kinh doanh tại DN cũng có quy định 4 lĩnh vực Nhà nước phải đầu tư vì không hấp dẫn tư nhân đầu tư, và điều này rất cần thiết cho nền kinh tế. Theo đó, UBQLVNN tham mưu để Chính phủ sử dụng đồng vốn của Nhà nước để đầu tư vào phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế mà Nhà nước cần tác động để phát triển.
- UBQLVNN sẽ giải quyết những vấn đề gì cho DNNN khi tập trung về một đầu mối, thưa ông?
- Đầu tiên, UB này đã thực hiện được việc tách quản lý nhà nước ra khỏi kinh doanh. Thứ hai, việc tổ chức chuyên môn hóa cơ quan này sẽ giải quyết vấn đề nắm bắt cơ hội kinh doanh của DNNN. Chẳng hạn như trước đây người đại diện vốn Nhà nước tại TĐ, TCT trước khi đưa quyết định tại HĐQT phải xin ý kiến cơ quan chủ quản là bộ.
Khi đó, cơ quan bộ phải thông qua các cơ quan chuyên môn lấy ý kiến. Thời gian đó đã làm mất nhiều cơ hội. UBQLVNN tại DN sẽ giải quyết nhanh nhạy ngay vấn đề của TĐ, TCT vì ở ngay trong UB có các vụ chuyên môn tham mưu. Đó là một thuận lợi lớn để tạo hiệu quả cho các TĐ, TCT.
Cũng có trường hợp trước đây khi DNNN khó nắm bắt được cơ hội để làm, hoặc do cơ quan chủ quản cho ý kiến chậm trễ, nên người đại diện làm liều dẫn đến vi phạm pháp luật.
Theo luật hiện nay, hàng năm Chính phủ phải báo cáo tình hình trước Quốc hội, và UBQLVNN sẽ là người chịu trách nhiệm báo cáo với Chính phủ, chịu giám sát trực tiếp của Chính phủ. Điều này cũng làm minh bạch hoạt động của các DNNN.
- UBQLVNN tại DN khác với TCT Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) như thế nào, thưa ông?
- Bây giờ SCIC cũng nằm trong số 19 TĐ, TCT thuộc quản lý của UBQLVNN. Điểm khác SCIC chỉ là công ty tài chính thuần túy và sứ mệnh của SCIC là kinh doanh sinh lời, không có nhiệm vụ đầu tư về những yêu cầu khác của Chính phủ. SCIC cũng không có chức năng quản lý nhà nước, không có chức năng tính toán xem tiền đưa vào chỗ nào tốt cho quốc kế dân sinh.
Như vậy, UBQLVNN tại DN và SCIC hoàn toàn khác nhau về chức năng nhiệm vụ. Và hiện nay UBQLVNN là đại diện chủ sở hữu tại SCIC, có thể can thiệp hoạt động của SCIC thông qua những thành viên họ cử vào HĐTV của công ty, tức can thiệp vào nhân sự của công ty này.
Có UBQLVNN, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo sẽ được tham mưu từng dự án cụ thể, khuyến nghị đầu tư vào đâu, làm gì để phát triển năng lượng tái tạo...
Thoát tư duy quản lý nhà nước, thu hút người tài
- Chính phủ đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBQLVNN tại DN. Theo ông có cần thêm giải pháp nào để UBQLVNN đạt được hiệu quả cao nhất?
- UB này mới ra đời nên chưa thể nhận xét hoạt động hiệu quả hay không, nhưng tôi cho rằng UBQLVNN cần phải thoát ly tư duy quản lý nhà nước như lâu nay các bộ ngành vẫn làm. Nếu UB vẫn là một cơ quan hành chính quan liêu không thể hoàn thiện nhiệm vụ được giao. Cơ quan này phải có tư duy của DN, và phải đứng trên tinh thần của DN để tổ chức quản trị.
Muốn vậy, vấn đề rất quan trọng là Chính phủ phải thu hút những người có tâm có tầm, có năng lực quản trị, có tư duy DN để tham gia quản trị các TĐ, TCT. Và để làm được điều đó cần có chế độ đãi ngộ cao, không thể áp dụng chế độ đãi ngộ những chuyên gia thuộc UB như công chức.
Thí dụ, 1 triệu tỷ đồng vốn chủ sở hữu của các TĐ, TCT sinh lời hàng năm bao nhiêu, đóng góp bao nhiêu cho ngân sách, nếu đạt được yêu cầu đó, họ được chia một tỷ lệ nào đó. Đãi ngộ như vậy mới hút được người giỏi tham gia quản trị.
Tương tự, UB cũng phải thu hút những chuyên gia giỏi của các lĩnh vực. Khả năng của những người này phải tương đương chuyên gia hoạt động trong bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các TĐ tư nhân để tham mưu chiến lược. Còn nếu chúng ta tổ chức như cơ quan hành chính, chuyển cán bộ lâu nay làm hành chính sang để làm công tác tham mưu sẽ không hiệu quả. Tôi ủng hộ Chính phủ đưa UBQLVNN vào hoạt động, nhưng phải đi từng bước.
Được biết, UBQLVNN cũng dè dặt trong việc tuyển chọn nhân sự, hiện mới nhận khoảng 50 người trong số lượng dự kiến lên đến 150 người. Theo tôi, 100 người còn lại phải chọn những người giỏi và có chế độ đãi ngộ tốt để họ làm việc. Đó là giải pháp sắp tới cần làm.
- Xin cảm ơn ông.