Chính sách giảm lãi suất giúp nhà băng huy động vốn giá rẻ cho 'sân sau'?

(ĐTTCO) - Như báo ĐTTC đã từng có bài phân tích “Cây gậy của NHNN đã không còn tác dụng?”, trong đó có đề cập tới việc NHNN đã nhanh chóng hạ lãi suất điều hành để kéo giảm lãi suất huy động và cho vay.
Chính sách giảm lãi suất giúp nhà băng huy động vốn giá rẻ cho 'sân sau'?

Tuy nhiên, chỉ đạo của NHNN hầu như không phát huy tác dụng do NHTM rơi vào vòng luẩn quẩn "nợ xấu - thanh khoản - lãi suất".

Sau đó, ĐTTC tiếp tục có bài viết “Tiếp tục chỉ đạo, tiếp tục tháo gỡ, tiếp tục chờ…”, phản ánh việc Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6 và định hướng giảm lãi suất đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nhưng lãi suất chưa thể trở về mặt bằng cũ, nếu có giảm chủ yếu để hưởng ứng chính sách.

Mới đây, một tín hiệu mới “đáng vui” là các NHTM đã đồng loạt hạ lãi suất huy động về dưới 9%/năm. Tuy nhiên, điều “đáng buồn” là NH chỉ cho khách hàng vay với điều kiện không rủi ro. Thử hỏi trong lúc tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, DN sản xuất kinh doanh không có đầu ra thì tìm đâu ra DN không rủi ro?

Thế nên quy luật thị trường cũng bị đảo ngược: khi lãi suất tăng cao, tín dụng có thể tăng trưởng âm, khi lãi suất hạ, tín dụng sẽ tăng. Nhưng Việt Nam đang xảy ra tình trạng tăng trưởng tín dụng chậm trong khi lãi suất giảm nhanh. Nửa đầu năm 2023, dư nợ tín dụng mới tăng 4,73% trong định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 14-15%.

Nhìn về câu chuyện tín dụng hiện nay, NHNN cũng thừa nhận thực tế là có nhiều DN muốn vay nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ, trong khi nguyên tắc tối thiểu NH cho vay phải thu được nợ. Ngược lại, có DN được NH mời chào cho vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay.

Hiểu cách khác, cửa tín dụng hiện nay chỉ mở cho những DN khỏe mạnh. Nhưng nhìn lại nền kinh tế, khu vực DN nhỏ và vừa chiếm trên 90% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam đang yếu ớt, là những DN khó khăn về vốn và có nhu cầu vay, nhưng không đủ điều kiện vay phải chấp nhận lãi suất cao.

Dĩ nhiên, NHTM cũng chỉ đi theo quy luật của thị trường, rủi ro thấp thì lãi suất thấp, rủi ro cao thì lãi suất cao. Song hiện nay, nền kinh tế khó khăn dẫn đến suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, sản xuất kinh doanh của DN chịu tác động tiêu cực từ bên trong lẫn bên ngoài dẫn đến tồn kho nhiều… nên lãi suất cao sẽ càng đè nặng lên đôi vai, triệt tiêu động lực tồn tại của họ.

Chính lúc này, những DN có rủi ro cần rất có sự linh hoạt để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về nguồn tài chính để giữ sức qua mùa khó khăn.

Cũng nói thêm ở đây, tín dụng tăng trưởng thấp nhưng các NH không có dấu hiệu giảm huy động vốn đầu vào. Vậy NH đang dùng tiền đó để làm gì? Liệu có khả năng NH sẽ đem cho vay các DN “sân sau” của chính mình, hay cho vay hệ sinh thái đằng sau giới chủ NH?

Vì thông thường các NH sẽ không thể để tiền nằm yên trong két. Trên thực tế, cả nền kinh tế tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng một vài NH đã sớm xài hơn phân nửa, thậm chí gần hết room tín dụng được cấp lần đầu chỉ trong quý I.

Nếu có trường hợp như vậy, chính sách hạ lãi suất điều hành tạo điều kiện cho NH huy động vốn rẻ, rồi NHNN lại mở toang room tín dụng cả năm nhưng không phục vụ được nền kinh tế như kỳ vọng của Chính phủ. Mà trái lại, chỉ tạo điều kiện cho NH huy động vốn rẻ cho vay sân sau.

Thiết nghĩ, đi cùng các chính sách tháo gỡ khó khăn từ cơ quan quản lý, nên cần cơ chế cởi mở hỗ trợ cộng đồng DN, nhất là DN sản xuất kinh doanh. Cần có quy định, điều kiện vay vốn riêng cho từng ngành, xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt hơn. Còn nếu cứ nói chuyện sẽ nỗ lực giảm lãi suất như lâu nay, thì vẫn là diễn biến cũ, Chính phủ yêu cầu, NHNN chỉ đạo, NH hứa hẹn và DN tiếp tục ngóng chờ.

Các tin khác