Vẫn bị động trấn áp
Tín dụng đen gây nhức nhối tại nhiều địa phương. Nguy hiểm hơn, vấn nạn với sự tham gia của các băng nhóm giang hồ hình thành các tập đoàn xã hội đen tạo nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Đầu tháng 2 vừa qua, công an huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) đã bắt giữ nhóm đối tượng tín dụng đen từ tỉnh Bình Phước đến địa phương thuê phòng trọ tổ chức cho vay nặng lãi. Trong đó có trường hợp lãi suất lên tới 549%/năm, thậm chí có con nợ phải chịu lãi suất tới 936%/năm.
Đắk Song là huyện nghèo, bà con ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, ít thông tin, hệ thống tín dụng chính thống sơ sài và đơn độc. Vì thế, đây là môi trường thuận lợi cho tín dụng đen phát triển. Nhóm đối tượng này đi phát, dán tờ rơi quảng cáo. Khi có người liên hệ vay tiền, các đối tượng tiếp cận, đến nhà để xác minh về nhân thân, hoàn cảnh kinh tế của người cần vay.
Người vay phải mang theo chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc các loại giấy tờ tùy thân khác, đến viết giấy vay tiền nhưng không ghi mức lãi vay và hình thức trả lãi. Lãi suất từ 5.000-15.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày (tương đương 15-45%/tháng, tức 180-549%/năm). Nếu quá hạn, nhóm này có thể phạt tùy ý nhằm ép người vay phải trả tiền sớm, có trường hợp phạt lãi suất lên đến 26.000 đồng/1 triệu/1 ngày (tức 78%/tháng, 936%/năm).
Tuy nhiên, tín dụng đen không chỉ hoành hành ở các vùng sâu, vùng xa. Trên thực tế, tệ nạn này đang diễn biến phức tạp, các hình thức biến tướng cho vay dưới nhiều hình thức. Hồi đầu tháng 1, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một hệ thống tín dụng đen hoạt động với quy mô lớn ngay tại TP sầm uất Thanh Hóa, cho thấy chiếc vòi bạch tuộc này sẵn sàng vươn vòi hút máu bất kể ai đã vô tình vướng vào vòng cương tỏa của chúng.
Trong vụ việc này, công an TP Thanh Hóa đã tiến hành khám xét 32 điểm kinh doanh dịch vụ tài chính của 5 công ty, gồm: Công ty TNHH dịch vụ tài chính Đại Tín, Công ty TNHH dịch vụ tài chính Thương Tín, Công ty TNHH dịch vụ thương mại Quyền Quý, Công ty TNHH Nam Tiến 36 (đều có địa chỉ tại TP Thanh Hóa) và Công ty TNHH Trường Cửu, có địa chỉ tại TP Sầm Sơn. Lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều tài liệu, sổ sách liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi.
Chỉ tính trong năm 2018, tại Thanh Hóa đã khởi tối 31 vụ, 88 bị can có liên quan đến hoạt động tín dụng trái pháp luật; 97 trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và công ty dịch vụ tài chính bị kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính. Cho dù quyết liệt như vậy, nhưng theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế, đây vẫn là biện pháp bị động, khi người dân đã bị hại rồi, hành vi vi phạm pháp luật mới bị trừng phạt.
Giải pháp CVTD
Giải pháp CVTD
Đã nhiều năm nay, tệ nạn tín dụng đen luôn luôn là nỗi lo lắng không chỉ của người dân, các cơ quan thực thi pháp luật, còn là mối quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Hiện nay, một trong những mối quan tâm đó đã trở thành hiện thực khi các hoạt động kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho tín dụng tiêu dùng ra đời và phát triển. Đây được coi là mũi nhọn có yếu tố quyết định trong việc ngăn chặn tín dụng đen.
Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN, tín dụng tiêu dùng, CVTD ra đời có nhiều lợi ích. Thứ nhất, CVTD nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt với những người có thu nhập trung bình - thấp, không có lịch sử tín dụng. Đây là nhóm khách hàng dưới chuẩn thường bị từ chối bởi các NHTM truyền thống. Do vậy, CVTD giúp các kế hoạch tiêu dùng diễn ra suôn sẻ giữa các chu kỳ biến động của thu nhập, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng xã hội.
Thứ hai, CVTD góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ NH. Nó giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác, bao gồm các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Thứ ba, CVTD làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, do đó, hạn chế cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Cuối cùng, CVTD cũng được xem là công cụ quan trọng làm kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Với những lợi ích đa năng trên, mấy năm gần đây nhiều công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp đã hình thành và phát triển. Các công ty tài chính tiêu dùng đàn anh ra đời như FE Credit, Home Credit, HD Saison và Prudential Finance đã có tác dụng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế nói chung, tham gia đánh chiếm mạnh mẽ với thị trường vốn nói chung và tín dụng đen nói riêng.
Mới đây là sự ra đời của thương hiệu tài chính tiêu dùng Easy Credit tại TPHCM của EVN Finance. Công ty Tài chính TNHH MTV Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance), đã khai trương trụ sở mới tại Hà Nội và chính thức ra mắt thị trường cho vay tài chính với các gói sản phẩm cho vay tiền mặt tín chấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân…
Cho đến nay có thể thấy rằng, so với lịch sử tín dụng tiêu dùng hàng trăm năm trên thế giới, thị trường của Việt Nam vẫn còn sơ khai và đầy tiềm năng. Hoạt động nghiệp vụ của một số tổ chức tín dụng tiêu dùng còn thiếu chuyên nghiệp, lãi suất cho vay còn cao do thị trường chưa phát triển sâu rộng để tạo ra sự cạnh tranh minh bạch. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân còn ít thông tin và thiếu hiểu biết về pháp luật… Vì thế, tất yếu cần có sự quan tâm hơn nữa để hoàn thiện.
Việc phát triển mạnh mẽ hệ thống tín dụng tiêu dùng chính thống là biện pháp căn cơ, hiệu quả nhất và mang tính chủ động trong việc ngăn chặn tệ nạn tín dụng đen hiện nay. |