Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi hoặc thay Nghị định 24 (NĐ24) bằng nghị định mới, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, thời gian gần đây giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh, lập kỷ lục mới 74,6 triệu đồng/lượng. Điều gì đang tác động đến giá vàng trong nước?
Ông HUỲNH TRUNG KHÁNH: - Yếu tố đầu tiên tác động đến giá vàng trong nước là sự tăng giảm của giá vàng thế giới. Hiện tại, giá vàng thế giới đang trong chiều hướng tăng vì 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 và có thể không tăng trong cuộc họp tháng 12. Thậm chí, khoảng quý I, II năm sau, Fed sẽ giảm lãi suất. Thông tin đó khiến chỉ số US Dollar Index giảm và tương lai có thể xuống còn 100 điểm. Thông thường, USD mất giá, vàng sẽ tăng giá.
Thứ hai, các bất ổn địa chính trị như từ các cuộc xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas vẫn tiếp diễn, có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế và giá dầu.
Thứ ba, nhu cầu vàng của thế giới trong quý cuối năm đang tăng cao. Ngoài ra, nhu cầu vàng của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) cũng lớn. Năm 2022, các NHTW mua 1.100 tấn, 9 tháng của năm 2023 đã mua 800 tấn và dự kiến còn tiếp tục mua vàng.
Giá vàng thế giới tăng đẩy giá vàng trong nước tăng theo. Tuy nhiên, yếu tố đẩy giá vàng trong nước phá mức kỷ lục cũ của năm 2022 lại có nguyên nhân là khan hiếm nguồn cung.
10 năm nay, NHNN không cho Công ty SJC sản xuất vàng miếng từ nguyên liệu, mà chỉ gia công vàng miếng bị móp méo không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Vì thế, vàng SJC không có nguồn cung mới, chỉ mua bán dựa trên khối lượng vàng SJC hiện hữu từ 10 năm nay. Thực ra, hiện tại nhu cầu vàng cũng có tăng nhưng không nhiều vì vàng đang trên giá đỉnh. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn cung dẫn đến nhu cầu chỉ tăng nhẹ, đã ảnh hưởng mạnh đến giá.
Trong khi đó, vàng nhẫn 4 số 9 lâu nay có nguồn gốc nguyên liệu là vàng trôi nổi trên thị trường. Vàng trôi nổi này được hiểu là vàng tái sinh, vàng tái chế lại từ nữ trang.
Cách đây khoảng 1 năm, khi Bộ Công an mở chuyên án bắt vàng lậu ở biên giới Tây Nam và biên giới miền Trung giáp Lào, lại cho thấy nguồn gốc vàng trôi nổi đa số là vàng buôn lậu. Hiện Bộ Công an đang điều tra đường đi của vàng lậu nên các doanh nghiệp vàng rất ngại mua vàng trôi nổi vì sợ tiếp tay cho hàng lậu, dẫn đến ngành chế tác kim hoàn cũng bế tắc về nguyên liệu. Vàng chính thức không cho nhập, vàng trôi nổi bị chặn nên không có nguồn cung, đã đẩy giá trong nước tăng rất mạnh.
- Trên thị trường vàng, chênh lệch giá trong nước - thế giới vẫn là vấn đề nóng kéo dài nhiều năm qua. Phải chăng đây là nguyên nhân thưa ông?
- Trước khi NĐ24 ra đời, đã có những năm NHNN cấp hạn mức (quota) cho nhập hơn 100 tấn vàng. Từ khi có NĐ24, NHNN không cho nhập vàng, trong khi nhu cầu thị trường không thể từ cao điểm 100 tấn rơi xuống 3-5 tấn.
Theo phỏng đoán, nhu cầu vàng hiện khoảng 50-60 tấn/năm. Vàng nữ trang tái chế tái sinh đáp ứng mức độ cao nhất cũng chỉ khoảng 4-5 tấn, nên không thỏa mãn được nhu cầu đó. Vấn đề khan hiếm nguyên liệu dẫn đến giá vàng trong nước “một mình một chợ”, ngày càng chênh lệch với giá thế giới. Với đặc thù đó, giá vàng trong nước mỗi lần tăng giá cũng tăng nhiều hơn và chênh lệch đó cũng kích thích nhập lậu vàng.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã rất nhiều lần kiến nghị phương án xử lý với NHNN nhưng vẫn chưa được giải quyết. Tôi đã làm việc trong Hội đồng Vàng thế giới khoảng 30 năm, nên biết thị trường vàng Việt Nam là trường hợp cá biệt, không quốc gia nào có chênh lệch với giá thế giới lớn như vậy.
Mặc dù hiện nay Trung Quốc cũng siết lại vấn đề vàng, nhưng chênh lệch cũng không cao như Việt Nam. Hiện vàng nhẫn trong nước chênh lệch 6-7% so với giá thế giới, còn vàng SJC cao hơn đến 16-17%.
- Nguồn gốc của khó khăn bắt nguồn từ NĐ24, vậy nếu sửa NĐ24 sẽ giải quyết được những gút mắc của thị trường, thưa ông?
- Về NĐ24, quan điểm của VGTA cũng thống nhất là ở thời điểm hơn 10 năm trước, NĐ24 ra đời là cần thiết vì để chống “vàng hóa” nền kinh tế và chấn chỉnh lại thị trường. Tuy nhiên đã qua 11 năm thực hiện NĐ24 tình hình đã đổi khác. Cụ thể, thị trường đã ổn định, vàng hóa nền kinh tế không còn nữa.
Vàng hiện không còn là phương tiện trao đổi thanh toán, chỉ là trang sức hoặc để đầu tư cất trữ. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi hoặc thay NĐ24 bằng nghị định mới. VGTA đã đề xuất nhiều về các nội dung này cũng nhằm điều chỉnh cho phù hợp. Cụ thể, với vàng vật chất, VGTA kiến nghị cho phép nhập nguyên liệu vàng nữ trang chiếu theo nhu cầu thực tế của các DN lớn. Nếu DN chứng minh được họ cần bao nhiêu nguyên liệu để sản xuất, NHNN cấp phép cho họ nhập.
Nói đến vấn đề nhập vàng sẽ ảnh hưởng tới ngoại hối, chúng tôi kiến nghị có thể nhập nhỏ giọt. Chẳng hạn 1 tháng nhập 500kg vàng nguyên liệu, giá khoảng 250-300 triệu USD không phải là sự hao tổn ngoại tệ lớn. Chúng ta hiện nhập nhiều hàng xa xỉ phẩm như điện thoại cao cấp, xe sang… chỉ để tiêu thụ, trong khi vàng không phải là hàng xa xỉ nhưng lại có giá trị tái xuất nên cần xem xét.
Kiến nghị nữa của VGTA là xóa thế độc quyền thương hiệu vàng SJC, điều đang khiến giá vàng SJC cao hơn thế giới hàng chục triệu đồng. Hiện tại cần cho phép thương hiệu lớn từ những DN lớn, uy tín và đủ điều kiện sản xuất vàng miếng và cho nhập về sản xuất theo đúng nhu cầu, để giá vàng trong nước không còn “một mình một chợ”.
Với vàng phi vật chất, cụ thể các đề xuất liên quan đến vàng tài khoản, hợp đồng vàng tương lai và hợp đồng vàng phái sinh, hay thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia, tạo sự liên thông giữa thị trường trong nước và thế giới vẫn là NHNN quản lý. Hiện NHNN đang tổng kết NĐ24, VGTA đã gửi các đề xuất để NHNN nghiên cứu.
- Xin cảm ơn ông.
Thông thường một luật thực hiện vài năm cũng phải sửa đổi, bổ sung. Trong khi NĐ24 đã tồn tại 11 năm không thay đổi bao nhiêu, dù VGTA chỉ kiến nghị sửa đổi một phần, không phải mở rộng tự do hóa hoàn toàn.