PHÓNG VIÊN: - Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, tiến trình CPH DNNN đang diễn ra rất chậm chạp. Ông nhận xét gì về điều này?
TS VŨ ĐÌNH ÁNH: - Chậm thoái vốn nhà nước khi thực hiện CPH DNNN có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do tư duy cũ, tư tưởng e ngại CPH sẽ làm mất đi lợi ích vốn có. Nhưng thực tế đang có sự xung đột giữa 2 khuynh hướng chủ đạo “cũ” và “mới” ngay trong lãnh đạo DNNN.
Một bên muốn đẩy nhanh tiến trình CPH, trong khi một bên lo ngại việc đẩy nhanh tiến độ CPH sẽ làm mất vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, kèm theo đó là thất thoát tài sản nhà nước. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm chạp trong CPH DNNN.
Ngay cả những DN đang thực hiện CPH, nhưng tốc độ thoái vốn nhà nước tại các DN này cũng rất chậm, nhiều DN khi CPH đã không tìm được cổ đông chiến lược. Nguyên nhân vì việc thực hiện CPH của ta có những đặc thù, chủ yếu theo 2 hướng: bán vốn cổ phần nhà nước; không bán vốn nhà nước và giữ nguyên, sau đó phát hành cổ phiếu để tăng thêm vốn. Với quan điểm hiện nay vẫn xác định thành phần kinh tế nhà nước là chủ đạo, nên tỷ lệ phần vốn nhà nước giữ lại ở DN còn rất lớn.
Quá trình CPH DNNN hiện nay còn gặp khó ở cổ đông chiến lược. Thực tế, hầu hết DNNN khi thực hiện CPH không tìm được cổ đông chiến lược. Nguyên nhân do cổ đông chiến lược chỉ tham gia DNNN khi nắm được cổ phần áp đảo để chi phối được hoạt động kinh doanh của DN sau khi đã CPH. Tuy nhiên, các DNNN khi thực hiện CPH lại vừa muốn tìm kiếm cổ đông chiến lược, nhưng vẫn muốn nắm cổ phần chi phối, đây là sự mâu thuẫn.
- Trong 9 mục tiêu Chính phủ đặt ra trong CPH DNNN giai đoạn 2016-2020, đến nay mới thực hiện được 1 mục tiêu là thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Ông bình luận gì về vấn đề này?
- Trong kế hoạch 5 năm (2016-2020) phải mất 2 năm đầu để chuẩn bị khuôn khổ pháp lý, sau đó các mục tiêu sẽ được thực hiện vào giai đoạn nửa sau. Tuy nhiên, thực tế sau 2 năm bắt tay vào thực hiện đã không đạt được như kỳ vọng đặt ra. Có thể ví von như làm con đường để vận chuyển hàng hóa, nhưng con đường (khuôn khổ pháp lý) vẫn dang dở, đầy ổ gà, ổ voi. Do đó, tôi cho rằng triển vọng 3 năm tới các mục tiêu CPH DNNN Chính phủ đã đề ra sẽ rất khó.
Khó khăn lớn nhất là vẫn tư duy “bình mới, rượu cũ”. Tức với các DN vẫn còn vốn nhà nước, sau CPH Nhà nước thực thi vai trò tại DN với tư cách cổ đông thông qua người đại diện vốn. Điều này có nghĩa, quyền và nghĩa vụ của Nhà nước tương ứng với số cổ phần nhà nước nắm giữ, và thông qua đó thực hiện quyền biểu quyết của cổ đông.
Chính vì vậy, không ít DNNN sau khi CPH vẫn có tình trạng Nhà nước thực hiện chỉ đạo hoạt động thông qua các văn bản hành chính như trước đây, do Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối. Thêm vào đó, có DNNN sau CPH giữ nguyên bộ máy lãnh đạo cũ, sự tham gia điều hành của các thành phần khác rất hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, thiếu cơ chế giám sát đối với ban giám đốc từ HĐQT và cổ đông.
Ngoài ra, sau CPH vẫn có tình trạng bất cân xứng thông tin hoặc thiếu minh bạch, thậm chí DN vẫn thực hiện cơ chế báo cáo cho đơn vị đại diện sở hữu như khi là DNNN. Các đại diện sở hữu nhà nước như tổng công ty, người đại diện vốn có quyền tiếp cận thông tin ưu tiên so với các cổ đông thiểu số. Điều này hạn chế khả năng của các nhóm cổ đông khác thực thi các quyền của cổ đông, hạn chế việc kiểm tra, giám sát về quản trị DN đối với ban điều hành.
- Để quản trị DNNN sau CPH đạt hiệu quả, chúng ta nên áp dụng mô hình nào, thưa ông?
- Bản chất sở hữu DN trên thế giới chủ yếu tồn tại 2 hình thức, là sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Tại Việt Nam hiện nay, sở hữu DN hậu CPH là hỗn hợp, nên khó lấy mô hình quản trị của thế giới để áp dụng.
Ở các nước, CPH là quá trình tư nhân hóa, việc quản trị DNNN sẽ theo mô hình quản trị của DN bình thường. Trong khi tại Việt Nam, thực hiện CPH vẫn giữ phần kinh tế của Nhà nước, tức thành phần kinh tế nhà nước có thể chi phối hoạt động của DN sau CPH. Xét về bản chất, CPH của chúng ta có sự đặc thù riêng, nên không thể học mô hình của các nước khác được.
Ở đây là mô hình hỗn hợp có sự pha trộn giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, trong khi Nhà nước vẫn giữ phần sở hữu tài sản lớn, tư nhân chỉ chiếm phần nhỏ trong DN. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chúng ta đang bế tắc trong mô hình quản trị DNNN sau CPH. Do đó, hiện nay Việt Nam chỉ có thể vừa làm vừa dò đường và tự tìm kiếm, sáng tạo mô hình quản trị cho riêng mình.
- Xin cảm ơn ông.
Hầu hết DNNN khi thực hiện CPH không tìm được cổ đông chiến lược, do họ chỉ tham gia khi nắm được cổ phần chi phối. Trong khi CPH lại vừa muốn tìm kiếm cổ đông chiến lược, vừa muốn nắm cổ phần chi phối. Do đó, Việt Nam chỉ có thể vừa làm vừa dò đường và sáng tạo mô hình quản trị cho riêng mình. |