PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ngành logistics được đánh giá là “xương sống” của chuỗi cung ứng và là “bánh xe” của “cỗ xe” nền kinh tế. Vậy ngành logistics Việt Nam hiện đang ở đâu trên bản đồ thế giới?
GS.TS ĐẶNG ĐÌNH ĐÀO: - Hiện nay logistics đã phát triển nhanh chóng, mang lại nhiều thành công cho các công ty/tập đoàn đa quốc gia và trở thành ngành công nghiệp quan trọng ở nhiều nước. Bởi sứ mệnh của logistics là đảm bảo mọi hoạt động kinh tế-xã hội diễn ra bình thường, liên tục, không bị gián đoạn, theo nhịp độ đã định với chi phí thấp.
Ở Việt Nam, logistics được công nhận là một hành vi thương mại trong Luật Thương mại sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-1-2006), trong đó có 8 điều quy định về dịch vụ logistics (Điều 233 đến Điều 240). Từ đó, Nhà nước cũng đã ban hành một số chính sách quan trọng nhằm phát triển logistics, từng bước khẳng định vai trò ngành logistics trong nền kinh tế quốc dân.
Thời gian qua, ngành logistics Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong hoàn thiện khung pháp lý và thể chế về logistics, nâng cao vai trò của ngành trong nền kinh tế quốc dân. Logistics đã có nhiều đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế-xã hội, trước hết là xuất nhập khẩu, đưa hoạt động xuất khẩu thành điểm sáng (tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 và năm 2022 đạt mức kỷ lục 735 tỷ USD, tăng 9,46% so với năm 2021).
Cơ sở hạ tầng logistics từng bước được quan tâm hơn, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Dịch vụ logistics đã và đang trở thành ngành dịch vụ quan trọng, mũi nhọn của nhiều địa phương, thành phố.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề về hệ thống logistics, trong đó cơ sở hạ tầng logistics, đặc biệt các khu công nghiệp logistics, trung tâm logistics và hệ thống kho hàng, bến bãi - bất động sản logistics chưa được quan tâm, đầu tư và phát triển tương xứng và chưa được luật hóa.
Đến nay, vẫn chưa có những giải pháp đột phá cho phát triển logistics từ cơ chế, chính sách pháp luật logistics; đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng logistics; phát triển hệ thống DN logistics có sức cạnh tranh cao; mở rộng thị trường logistics và phát triển nguồn nhân lực logistics...
Một số chính sách khác về phát triển logistics chậm đi vào cuộc sống và chưa thật sự khuyến khích thu hút DN, tập đoàn logistics nước ngoài vào Việt Nam... Nhìn nhận một cách khách quan, ngành logistics Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển trên bản đồ logistics khu vực và thế giới.
Ngành dịch vụ này còn quá non trẻ, mới mẻ và đang trong tiến trình xây dựng và phát triển, từ xây dựng các yếu tố thể chế pháp luật logistics, phát triển cơ sở hạ tầng logistics, hệ thống DN logistics sức cạnh tranh cao, phát triển thị trường logistics cùng hệ thống DN sử dụng dịch vụ logistics và nguồn nhân lực logistics.
- Như vậy vấn đề bến bãi, kho xưởng cho logistics đang là “nút thắt” lớn cho phát triển ngành?
- Cơ sở hạ tầng logistics Việt Nam trên tổng thể đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, từ hệ thống đường bộ, cảng biển, sân bay đến một số trung tâm phân phối, cơ sở kho hàng bến bãi...
Nhưng thực tế hạ tầng logistics này thiếu tính đồng bộ, chưa tạo thuận lợi cho DN giảm chi phí logistics và thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ. Hiện chi phí logistics, đặc biệt là giá cước vận tải biển tăng cao gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Nguyên nhân do thiếu kết nối giữa các phương thức vận tải, chỉ tập trung vào đường bộ, không chú ý đầu tư phát triển, hiện đại hóa đường sắt, không đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng để kết nối đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không để phát triển vận tải đa phương thức.
Hiện chúng ta cũng không có các trung tâm logistics để thực hiện sự liên kết các phương thức vận tải, thúc đẩy xuất nhập khẩu cho các vùng sản xuất hàng hóa lớn như vùng ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng và các vùng kinh tế trọng điểm khác.
Trong khi đó, hệ thống bến bãi, hệ thống kho hàng cho logistics ở các bộ, ngành, địa phương vẫn còn yếu kém, kỹ thuật lạc hậu, phát triển không theo quy hoạch, công nghệ bảo quản, phương pháp bảo quản hạn chế.
Thậm chí, ở nhiều vùng tập trung sản xuất nông nghiệp, cây ăn quả nhưng lại không có hệ thống kho lạnh, kho bãi để bảo quản và chế biến để gia tăng giá trị cho các sản phầm. Những hạn chế này làm tăng chi phí logistics, có nghĩa là “nút thắt” lớn cho ngành logistics phát triển bền vững.
- Vậy Việt Nam có cần “đi tắt đón đầu” xu thế này để tăng sức cạnh tranh với DN logistics nước ngoài, thưa ông?
- Hiện nay DN logistics Việt Nam có quy mô nhỏ, hệ thống kho bãi, công nghệ lạc hậu, hoạt động manh mún, kinh doanh vẫn còn tình trạng theo kiểu chụp giật, cạnh tranh thiếu lành mạnh, thậm chí còn tìm cách hạ giá dịch vụ để giành được hợp đồng và thường là hạ giá thành thuê kho-bao bì.
Kết quả, chỉ DN trong nước bị thua thiệt, còn DN nước ngoài được hưởng lợi. Trong khi đó, các tập đoàn logistics lớn trên thế giới như DHL, Kuehne+Nagel, DSV, DB Schenker... đang ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh doanh logistics, phát triển kho bãi, nhà xưởng thông minh... đã và đang từng bước xâm nhập, củng cố, chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để các DN logistics Việt Nam “không bị bỏ lại phía sau” quá xa trong xu hướng phát triển của logistics quốc tế, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện cả trước mắt và lâu dài, cả từ DN và Chính phủ.
Cụ thể, đẩy mạnh xây dựng dịch vụ logistics trọn gói 3PL, 4PL; hoàn thiện chính sách hỗ trợ DN dịch vụ logistics; hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, tiến tới đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics...
- Xin cảm ơn ông.