Kỷ lục kiều hối
Đến hẹn lại lên, vào thời điểm này các công ty kiều hối lại đua nhau đưa ra các chương trình khuyến mại dịch vụ kiều hối. Bởi thông thường, đây là điểm rơi chính của nguồn kiều hối về nước trong năm.
Nhưng năm nay diễn biến của kiều hối có nhiều điểm mới, không chỉ tập trung vào mùa vụ cuối năm như trước. Bởi lẽ, từ nhiều tháng trước đã có những thông tin tích cực về nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam.
Trong năm 2019, kiều hối chuyển về Việt Nam ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 4,4% so với 2018, đưa mức bình quân năm trong giai đoạn 2016-2019 lên cao hơn 2,33 lần mức tương ứng giai đoạn 1999-2015 và cao gấp 34,7 lần mức tương ứng giai đoạn 1993-1998.
Năm 2020, dịch Covid-19 dấy lên lo lắng hụt nguồn thu kiều hối, song kết thúc năm khoảng 15,7 tỷ USD được chuyển về. Theo đó, Việt Nam vẫn duy trì danh sách trong top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
Năm 2021, kỷ lục mới dự kiến tiếp tục được thiết lập, khi WB và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo lượng kiều hối về Việt Nam sẽ lên 18,1 tỷ USD. Riêng tại TPHCM, tính đến cuối tháng 11 đạt 6,2 tỷ USD và NHNN chi nhánh TPHCM dự báo cả năm ước đạt 6,5-6,6 tỷ USD.
Vì sao kiều hối vẫn đổ về bất chấp dịch và không đợi thời điểm cuối năm như trước? Theo một chuyên gia tài chính, cộng đồng người Việt ở nước ngoài chấp hành các biện pháp chống dịch như ở Việt Nam nên mức nhiễm bệnh thấp.
Nhiều người Việt ở nước ngoài làm kinh tế với hình thức hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ hoặc phục vụ các dịch vụ thiết yếu cho đời sống, đặc biệt ở Mỹ cộng đồng người Việt phát triển kinh tế địa phương rất tốt. Do đó, kinh tế của một bộ phận người Việt ở nước ngoài ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, thu nhập của kiều bào còn được đảm bảo nguồn an sinh xã hội từ các gói hỗ trợ kinh tế. Ở các nước khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, người thất nghiệp vẫn nhận được trợ cấp mỗi tuần. Thậm chí có thời điểm, trợ cấp thất nghiệp còn cao hơn mức lương làm việc hàng tuần trong điều kiện bình thường.
Thu nhập vẫn đều đặn nhưng do dịch, kiều bào không thể đi du lịch hoặc về nước thăm gia đình. Cùng lúc, dịch bệnh trong nước khiến người thân của họ gặp khó khăn hơn, nên các khoản tiền không chi tiêu được gửi về nước để hỗ trợ người thân nhiều hơn.
Đồng thời, so với các quốc gia khác, Việt Nam đã nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện tốt cho sản xuất kinh doanh hoạt động. Vì vậy, trong số kiều hối về Việt Nam, nhiều khoản được gửi về với mục đích đầu tư. Nguồn kiều hối đáng kể nữa là từ người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng góp phần không nhỏ cho kỷ lục kiều hối được duy trì.
Nguồn lực lớn
Nguồn lực lớn
Tổng hợp từ các nguồn thông tin cho thấy, lượng kiều hối về nước chủ yếu từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Trong khi đó, ở nhóm kiều bào, kiều hối chuyển về từ Mỹ luôn dẫn đầu danh sách vì Mỹ có số lượng người Việt Nam sinh sống nhiều nhất. Tiếp đến là Anh, Australia, Canada…
Kiều hối gửi về càng nhiều tỷ lệ thuận với việc nhiều cá nhân, hộ gia đình tại Việt Nam có thêm nguồn thu nhập. Nhưng theo các NHTM, thời gian gần đây, kiều hối về nước với mục đích hỗ trợ người thân chỉ là phần nhỏ, tiền đổ mạnh vào việc bổ sung nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư.
TPHCM là địa bàn hút kiều hối nhiều nhất, do tỷ giá trong nước ổn định, trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%, nên năm nay có đến 70% người dân nhận kiều hối đã chuyển sang VNĐ. Trong các kênh đầu tư, trước đây kênh tiết kiệm chiếm ưu thế, nhưng năm nay lãi suất tiền gửi giảm nên một lượng tiền đã được chia sang kênh chứng khoán, bất động sản.
Các nhà băng cho biết, khách hàng nhận kiều hối vẫn muốn nhận bằng tiền mặt ngoại tệ. Tuy nhiên, do dịch bệnh phương thức nhận tiền qua tài khoản thuận tiện hơn và NH đều hướng dẫn, khuyến khích khách hàng nhận VNĐ qua tài khoản. Nhờ vậy, dòng ngoại tệ từ kiều hối ở lại NH tăng nhiều hơn các năm trước.
Ở góc độ kinh tế, dù kiều hối phục vụ mục đích nào cũng vẫn là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi đồng ngoại tệ từ kiều hối được chi tiêu sẽ hỗ trợ tăng trưởng bán lẻ, tăng thêm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ.
Dòng kiều hối chảy vào kênh tiết kiệm làm tăng lượng tiền gửi cũng như tín dụng tại các NH, tương tự chảy vào các kênh sản xuất kinh doanh, đầu tư cũng thúc đẩy các lĩnh vực này phát triển. Đối với quản lý vĩ mô, kỷ lục kiều hối là tin mừng. Bởi với việc nhiều người bán USD chuyển sang nắm giữ VNĐ, đã giúp các NH mua được nhiều ngoại tệ hơn.
Trong thời gian qua, NHNN đã tận dụng nguồn này để hút ngoại tệ và bơm VNĐ ra thị trường nhằm đảm bảo thanh khoản hệ thống và gia tăng dự trữ ngoại hối. Theo đó, NHNN có nguồn lực chủ động điều tiết trong trường hợp tỷ giá tăng mạnh, và dự trữ ngoại hối tăng cũng tạo ra kỳ vọng được nâng xếp hạng tín nhiệm trong tương lai.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, kiều hối về Việt Nam liên tục tăng qua mỗi năm nhưng số lượng chưa đi đôi với chất lượng. Vì ngoài mục đích chi tiêu, kiều hối chảy vào các kênh đầu tư với mục đích đầu cơ sinh lời, thay vì tạo ra giá trị mới. Sau làn sóng về nước đầu tư trong 5-10 năm trước, hiện nay kiều bào đem tiền về nước lập nghiệp ngày càng thưa thớt.
Bởi Việt Nam mở cửa (năm 2000) và có hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ, rất nhiều kiều bào ở Mỹ phấn khởi trở về nước kinh doanh. Tuy nhiên, sau đó họ cảm thấy có nhiều vấn đề không phù hợp, thủ tục chồng chéo, giấy phép rườm rà làm họ nản chí. Điều này khiến việc đầu tư của kiều bào tại Việt Nam còn hạn chế.
Kiều hối về Việt Nam liên tục tăng qua mỗi năm nhưng số lượng chưa đi đôi với chất lượng, khi kiều hối chảy vào các kênh đầu tư với mục đích đầu cơ sinh lời, thay vì tạo ra giá trị mới. |