Gỗ dán đối mặt nhiều rủi ro phòng vệ thương mại

(ĐTTCO)-Dù đạt mức tăng trưởng tốt nhưng mặt hàng này cũng đối mặt với nhiều cáo buộc bán phá giá và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại từ hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Gỗ dán đối mặt nhiều rủi ro phòng vệ thương mại

Xuất khẩu gỗ dán Việt Nam đang đạt mức tăng trưởng tốt bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, mặt hàng này cũng đối mặt với nhiều cáo buộc bán phá giá và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại từ hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Đây là thông tin được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cung cấp tại “Hội nghị thúc đẩy giao thương gỗ dán và MDF Việt Nam cơ hội và thách thức trong bối cảnh đại dịch COVID-19” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 6/7.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết gỗ dán là nguyên liệu tạo nên nhiều sản phẩm nội thất khác nhau. Trong những năm gần đây, xu hướng thiết kế nội thất gỗ phổ biến ở nhiều quốc gia đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp gỗ dán Việt Nam phát triển mạnh, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng theo cấp số nhân.

Tuy nhiên, việc tăng trưởng xuất khẩu nhanh trong thời gian ngắn cũng là nguyên nhân khiến gỗ dán đối mặt với nhiều rủi ro về phòng vệ thương mại.

Rủi ro đối với mặt hàng gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ mà một số cơ quan chức năng và hiệp hội gỗ cảnh báo trước đó đã trở thành hiện thực.

Ngày 9/6/2020 Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức đưa ra quyết định điều tra ngành gỗ dán của Việt Nam.

Quyết định này được đưa ra dựa trên cáo buộc của Liên minh Thương mại Công bằng về Gỗ dán cứng Hoa Kỳ; trong đó cho rằng một số công ty xuất gỗ dán từ Việt Nam đã vi phạm điều luật về chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ.

Cụ thể, Liên minh này cáo buộc một số công ty nhập khẩu gỗ dán có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau giai đoạn gia công, sơ chế, lắp ghép và mặc dù chưa đáp ứng được điều kiện xuất xứ và nhãn mác của Việt Nam, các công ty này xin chứng nhận xuất xứ từ các cơ quan chức năng của Việt Nam để xuất khẩu các sản phẩm này dưới nhãn mác của Việt Nam.

Quá trình điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ diễn ra trong vòng 300 ngày, bắt đầu kể từ ngày khởi xướng điều tra.

Trong thời gian điều tra, Chính phủ Hoa Kỳ có thể đưa ra các mức thuế tạm thời áp dụng đối với mặt hàng này của Việt Nam xuất vào Hoa Kỳ.

Dựa trên kết luận điều tra chính thức, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ quyết định có áp thuế chính thức hay không, và nếu có mức thuế này sẽ là bao nhiêu và áp dụng cho những nhóm đối tượng doanh nghiệp nào xuất khẩu từ Việt Nam.

Hoa Kỳ không chỉ là quốc gia duy nhất đang điều tra về mặt hàng gỗ dán của Việt Nam.

Cuối năm 2019, Ủy ban Thương mại của Hàn Quốc (KTC) cũng đã chính thức ra quyết định điều tra đối với mặt hàng gỗ dán của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Quyết định điều tra được đưa ra dựa trên cáo buộc 6 công ty từ Việt Nam xuất khẩu gỗ dán vào Hàn Quốc đã vi phạm quy định về chống bán phá giá.

Ngày 24/4/2020, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc công bố kết quả điều tra sơ bộ, theo đó mức thuế tạm thời được áp dụng đối với tất cả các sản gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này sẽ ở mức 9,18-10,56% (tuy nhiên 6 công ty nằm trong diện điều tra có mức thuế cao hơn).

Mức thuế tạm thời được áp dụng từ 29/5 tới 28/9/2020, khi Hàn Quốc đưa ra kết luận cuối cùng.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận định xu hướng rủi ro trong các vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá đối với các mặt hàng gỗ xuất khẩu từ Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới.

Chưa dừng lại ở đó, cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc còn khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam rơi vào tầm ngắm của hoạt động chuyển tải hàng hóa và điều tra lẩn tránh thuế.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, nếu không chứng minh được nguồn gốc gỗ dán xuất khẩu vào Hoa Kỳ, gỗ dán Việt Nam có thể phải đối mặt với mức thuế chống lẩn tránh tương đương với mức thuế mà Hoa Kỳ đang áp lên gỗ dán của Trung Quốc là hơn 200% và kéo theo rủi ro tương tự cho các sản phẩm được làm từ gỗ dán như tủ bếp.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đang là thị trường tiêu thụ gỗ dán và tủ bếp lớn nhất thế giới, mỗi năm nhập khẩu hơn 20 tỷ USD.

Ông Trịnh Xuân Dương, Chủ tịch Chi hội Gỗ dán, thông tin việc gỗ dán Việt Nam bị Hàn Quốc cáo buộc bán phá giá có thể do nhận định sai về chủng loại và giá thành. Cụ thể mặt hàng gỗ dán Việt Nam xuất vào Hàn Quốc có giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm sản xuất tại Hàn Quốc bởi hàng Việt Nam ở phân khúc thấp hơn.

Trong khi đó, gỗ dán Việt Nam bị Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại xuất phát từ việc chênh lệch thuế suất mà Hoa Kỳ áp lên hàng hóa Trung Quốc và Việt Nam quá lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần kết nối thông qua hiệp hội, cục phòng vệ thương mại để phản đối quyết định khởi xướng điều tra và chuẩn bị thông tin, dữ liệu để sẵn sàng ứng phó.

Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Kiến trúc và Nội thất Nano, cho rằng hiệp hội gỗ các địa phương phải rà soát lại hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thành viên để phát hiện các điểm bất thường giữa năng lực sản xuất và sản lượng xuất khẩu. Nếu phát hiện có gian lận, chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc phải công bố thông tin rộng rãi, đề nghị cơ quan chức năng có chế tài xử lý nghiêm.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đồng tình với việc phải minh bạch thông tin về năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp, ngành hàng bởi cuộc cạnh tranh vào các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ đang rất gay gắt.

Chỉ cần một vài doanh nghiệp làm ăn bất chính, tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc để hưởng lợi trước mắt có thể khiến cả ngành hàng chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam phải trả giá rất đắt và rời bỏ thị trường nhiều dư địa phát triển.

Các tin khác