Phố “cà phê đường tàu" được nhiều chuyên gia du lịch, đại diện các công ty lữ hành đánh giá là sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo của Hà Nội. Railway Cafe, Hanoi, Vietnam (cà phê đường tàu, Hà Nội, Việt Nam) trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Địa điểm này được các công ty du lịch lữ hành quốc tế giới thiệu trong chương trình “Hanoi tour” của mình.
Nó xuất hiện dày đặc trên facebook, Zalo và trong rất nhiều tờ rơi “brochure” của các tổ chức du lịch. Công ty lữ hành quốc tế Asia Exotica còn gọi nó là nơi du khách nếu không đến khám phá khi đến Hà Nội thì coi như chưa đến Hà Nội.
Mô hình cà phê đường sắt xuất hiện đầu tiên ở Thái Lan. Tuyến đường sắt Maeklong dài gần 65km giữa Wongwian Yai, Bangkok và Samut Songkhram ở miền trung Thái Lan, có nhiều đoạn đi xuyên qua các khu dân cư ở TP Bangkok. Mỗi khi tàu đi qua, người dân bán hàng ở 2 bên đường sắt nhanh chóng thu gọn các mặt hàng, hạ dù che mưa để nhường đường cho tàu.
Khi tàu đi qua, người bán hàng tiếp tục kinh doanh như bình thường. Điều này làm khách du lịch châu Âu rất thích và người này mách người kia. Chính quyền Bangkok nắm ngay cơ hội này để chính thức đưa cà phê đường tàu thành điểm check-in du lịch vào năm 2006.
Người Hà Nội vốn nhanh nhạy mang ý tưởng này về Việt Nam, và cộng hưởng với nhu cầu của khách nước ngoài, năm 2017 mô hình cà phê đường tàu ra đời và ngay lập tức được khách du lịch nước ngoài đón nhận nồng nhiệt. Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có khoảng hơn 30 quán cà phê đường tàu, còn phố cà phê đường tàu ở quận Ba Đình có 15 quán.
Đoạn phố cà phê đường tàu khách nước ngoài thích nhất là đoạn từ Trần Phú đến Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm). Chỗ này mỗi ngày có hàng ngàn khách du lịch nước ngoài đến uống cà phê, đi dạo dọc con đường sắt, ngồi bệt xuống đường ray, đợi khi tàu đến để chụp hình và trải nghiệm.
Ngồi uống cà phê ở những nơi này, du khách có được cảm giác hồi hộp, bất ngờ, thú vị và pha chút lo lắng. Đoàn tàu loại cổ điển chạy sát họ tới mức có thể với tay chạm tới được, dù chạy chậm nhưng tạo cũng tạo ra xung lực, tạo ra làn gió lướt qua người, họ nghe được tiếng bánh tàu cọ trên đường ray xình xịch từ rất xa, đoàn tàu lớn dần rồi mất hút sau làn khói.
Họ thích thú khi thấy cảnh người dân buôn bán ra vào, thu xếp hàng hóa một cách nhanh gọn... Các quán cà phê ở đây rất nhỏ, gọn và cơ động. Mỗi quán cà phê có kiểu bày trí khác nhau rất ấn tượng và bắt mắt.
Khi nhận định về việc tại sao một số thành phố châu Á như Bangkok, TPHCM, Hà Nội, Manila tuy không ngăn nắp, sạch sẽ như châu Âu nhưng lại hút khách du lịch, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một điều quan trọng, là chính trong sự lộn xộn đó xuất hiện rất nhiều yếu tố “bất ngờ, không đoán định”.
Chính ở phố cà phê đường tàu khách du lịch có được sự bất ngờ, không biết trước và thú vị từ hình ảnh, màu sắc, hình khối, đến mùi vị, âm thanh, và tiến trình hành động cực kỳ sinh động của một cộng đồng dân cư Hà Nội.
Nhưng điều bất ngờ, là từ ngày 14-9-2022, TP Hà Nội ra lệnh đóng cửa tất cả phố cà phê đường tàu. Tại các khu vực này được đặt rào chắn, có biển báo khu vực nguy hiểm, cấm tụ tập đông người, cấm quay phim, chụp ảnh, cấm đi, đứng, ngồi trên đường sắt, cấm kê bàn ghế, bày bán hàng ở lòng và 2 bên đường sắt. 2 đầu có công an và dân phòng chốt chặn, ngăn cản du khách vào khu vực này.
Lý do cần quyết liệt dẹp bỏ và cấm tiệt là để đảm bảo an toàn đường sắt, đảm bảo an toàn cho dân cư, du khách. Lãnh đạo các quận và phường có cà phê đường tàu lo ngại nếu có rủi ro xảy ra trên địa bàn sẽ phải gánh trách nhiệm.
Thực tế cho thấy, việc đảm bảo an toàn cho du khách và sinh hoạt chợ búa không có gì khó khăn. Bản thân tác giả cũng đã đến cà phê đường tàu ở Hà Nội và chợ đường tàu ở Bangkok, nhận thấy người dân rất có ý thức về chuyện này. Ở Hà Nội tất cả các tiệm cà phê, cửa hàng đều dán lịch chạy của tàu để người dân và du khách biết đến.
Chỉ cần liếc qua sẽ thấy ngay, chẳng hạn lúc 21 giờ 30 có tàu qua, họ sẽ ý thức chuẩn bị tâm lý "né" tàu để đảm bảo an toàn. Trước khi tàu đến mọi người biết ngay qua tiếng còi tàu, tiếng rung của đường ray, tiếng í ới gọi nhau. Và thực tế, từ khi có cà phê đường tàu tới nay chưa có vụ tai nạn nào xảy ra.
Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm muốn cấm tiệt vì cho rằng các hộ kinh doanh ở đây chỉ cách đường ray 2m, trong khi quy định là 5 mét, như vậy 100% các hộ kinh doanh tại đây vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm cấm các quán cà phê bán 2 bên đường tàu, dường như lệnh này không mang lại hiệu quả bao nhiêu, chỉ duy trì triệt để được một thời gian.
Còn mỗi khi lực lượng canh trực mỏi mệt, đi đâu đó một chút, du khách lại nhào vào, cấm ở khúc này lại xuất hiện ở khúc khác, người dân nghĩ ra rất nhiều biện pháp đối phó, đề phòng. Điều đó cho thấy có cầu là ắt có cung.
Nếu muốn duy trì cà phê đường tàu trong một trạng thái lành mạnh, chính quyển và người dân cùng nhau bàn thảo về một bản nội quy, đồng thuận hành động để tạo ra không gian an toàn. Chẳng hạn, làm rào chắn tạm cơ động khi tàu đi qua, làm hệ thống tín hiệu báo khi tàu đến như kẻng, còi, điện thoại, cờ, lập đội an ninh giữ gìn trật tự có trả phí từ người dân…
Vấn đề là chính quyền có muốn hay không. Hãy cắp cặp sang Bangkok mà học hỏi vì sao họ không cấm mà còn khuyến khích phát triển hoạt động này.
Nhiều thành phố trên thế giới ao ước không được, trong khi ở Hà Nội cà phê đường tàu như một món quà do bối cảnh lịch sử ban tặng, Nhà nước không tốn một xu nào, tự nhiên có điểm du lịch nổi tiếng thế giới mà lại từ chối.
Chả trách, khách du lịch quốc tế tiêu mỗi ngày 184USD ở Bangkok, còn khách du lịch đến Việt Nam chỉ tiêu 117USD/ngày. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng với mô hình cà phê đường tàu hãy xây dựng quy chuẩn để quản lý, thay vì vội vàng cấm đoán.