Công suất tăng gấp đôi
Chỉ sau 1 tháng trở lại hoạt động bình thường, Công ty CP giấy Vĩnh Tiến đã tuyển dụng thêm 30% công nhân. Ông Lâm An Dậu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty, cho hay các đơn đặt hàng từ bao bì, vở tập cho học sinh đến khẩu trang y tế đều gia tăng.
Ông Lâm An Dậu lý giải: Sau giãn cách nhu cầu đi lại, làm việc nhiều hơn nên lượng khẩu trang các loại tiêu thụ mạnh. Bên cạnh đó, dù giá nguyên vật liệu tăng từ 15 - 20% nhưng do công ty đã dự trữ sẵn và vẫn cam kết giữ nguyên giá bán ra từ nay đến cuối năm nên khách hàng cũng tìm đến nhiều hơn. Ví dụ trước đây mỗi đơn đặt hàng khẩu trang chỉ dao động từ 3 - 5 triệu cái thì nay tăng lên từ 5 - 10 triệu cái.
Do nhu cầu của thị trường tăng cao, ngoài việc tuyển thêm lao động, doanh nghiệp (DN) này còn đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất khẩu trang 3D của Nhật có công suất 1,6 triệu cái/ngày và đang trong quá trình lắp ráp.
Theo dự kiến, từ giữa tháng 11, dây chuyển mới sẽ đi vào hoạt động, đưa công suất sản phẩm khẩu trang đạt khoảng 3 triệu cái/ngày, tăng gấp đôi so với năm 2020.
Tương tự, chỉ vừa mở cửa hoạt động trở lại sau 3 tuần, Công ty Duy Anh Foods đã xuất khẩu được 12 container sang thị trường châu Âu.
Dù công suất mới đạt 50% so với trước đây do lượng lao động về quê chưa lên lại TP, chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin... tuy nhiên, theo ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty Duy Anh Foods, được mở cửa hoạt động và bảo đảm an toàn phòng chống dịch là quá tốt sau khi nhà máy tạm ngưng hoạt động trong 3 tháng trước đó. Trong tháng 11, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ được khắc phục và DN đang khá lạc quan khả năng trả đủ các đơn hàng đã “nợ” thời gian qua.
“May là TP kích hoạt nền kinh tế trở lại, nguy cơ mất đơn hàng của DN còn “cứu vãn” được. Nếu để họ chờ lâu hơn, hoặc sẽ đặt hàng các tỉnh khác, thậm chí chuyển sang thị trường lân cận. Sau đợt dịch bùng phát dữ dội, sản xuất ngưng trệ, việc xuất khẩu được 12 container trong 3 tuần qua có ý nghĩa rất lớn cho công nhân lẫn chủ DN. Chúng tôi hy vọng những gam màu sáng cho sản xuất xuất khẩu chế biến nông sản sẽ có trong quý 4 này và là quý tăng tốc của các DN nói chung”, ông Toàn bộc bạch.
Tăng ca, làm thêm chủ nhật
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ riêng trong tháng 10, với các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng, bộ ngành và địa phương đang nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công, hoạt động kinh doanh của DN bắt đầu có sự phục hồi, sản xuất khởi sắc. Chẳng hạn, số lượng DN mới thành lập đạt 8.233 đơn vị, tăng 111,2%, tăng 73,9% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 9. Hay vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào VN tính đến ngày 20.10 đạt 23,74 tỉ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 ước tăng 6,9% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ 2020. Về tình hình xuất khẩu, ước tính tháng 10 đạt kim ngạch 27,3 tỉ USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 267,93 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 63% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiêu dùng trong nước tháng 10 cũng tăng trở lại với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 357.900 tỉ đồng, tăng 18,1% so với tháng 9... |
Hôm qua, ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Công ty TNHH phân bón Vidan (Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP.HCM), cho biết chiều chủ nhật mới được thảnh thơi chút, nghỉ ngơi ở nhà xem trọn một bộ phim và đọc sách.
Từ sau ngày 1.10, khi TP.HCM mở cửa hoạt động trở lại, Công ty Vidan từ chỗ chỉ có 20% công nhân tham gia sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” đã tăng lên 80% người lao động vào nhà máy sản xuất nhưng hàng làm ra vẫn không kịp “trả nợ” các đơn hàng. Số lao động đã rời TP về quê chưa quay lại nên nguồn lao động vẫn còn thiếu. Vì vậy 2 tuần qua, công ty phải cho sản xuất tăng ca để có hàng kịp bán vụ mùa đông xuân bắt đầu từ tháng 11 này.
“Chỉ sau 1 tháng hoạt động trở lại, đơn hàng tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái. Đó là tín hiệu tốt mà cả công ty đều rất hồ hởi. Hiện chúng tôi tăng tốc đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu sang Campuchia. Hai năm đại dịch lại là cơ hội để xuất khẩu, đến nay doanh số thu về từ xuất khẩu sang Campuchia chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của công ty”, ông Nguyễn Văn Phong chia sẻ thêm.
Dự báo doanh số quý cuối năm nay của công ty có thể tăng 20% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hiện giá nguyên liệu đầu vào tăng quá cao khiến ngành sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn.
“Nếu không cẩn trọng chất lượng đầu vào lúc này, sơ suất sản phẩm làm ra không đạt chất lượng như trước thì mất khách hàng. Trong lúc này, làm ăn ngày càng khó khăn, DN một mặt phải duy trì được sản xuất không có ca F0, một mặt phải đảm bảo chất lượng để phục hồi”, vị này bộc bạch.
Ông Trần Thế Linh, Giám đốc Công ty giày Viễn Thịnh, cũng cho hay công ty trong tháng 10 đã phải tăng ca, làm cả ngày chủ nhật để hoàn tất đơn hàng. Thậm chí, DN này còn lên kế hoạch chỉ nghỉ Tết âm lịch sắp tới ít hơn thời gian thông thường trước đây bởi đơn hàng xuất khẩu đã nhận đến hết quý 1/2022.
Trong quý 3 vừa qua do công ty thực hiện “3 tại chỗ” nên công suất giảm mạnh và chỉ sản xuất khoảng 550.000 đôi giày thì trong quý 4 chỉ tiêu đặt ra phải sản xuất gấp đôi do đơn hàng đã đầy. Hiện DN đang rao tuyển cả ngàn công nhân mà số lượng nộp đơn chỉ nhỏ giọt.
“Từ hôm nay, chúng tôi sẽ điều chỉnh tăng lương trong thông báo tuyển dụng từ 10 - 14 triệu đồng/tháng lên 11 - 15 triệu đồng/tháng để hy vọng có thêm công nhân. Hiện nay phải nói là giành giật công nhân vì chỗ nào cũng rao tuyển.
Số lượng công nhân cũ về quê hay thay đổi công việc bị giảm khoảng 25% nên dù chạy hết công suất, tăng ca mà vẫn không kịp hoàn thành đơn hàng. Hiện tại công ty chỉ dám nhận cao nhất là 500.000 đôi/tháng nhưng nếu có thêm công nhân, đơn hàng có thể nhận được lên 700.000 - 800.000 đôi/tháng”, ông Trần Thế Linh nói.
Cũng theo vị giám đốc này, đơn hàng da giày đang quay trở lại VN rất nhiều khiến DN làm không xuể. Một phần do nhu cầu chung gia tăng, một phần do thị trường Trung Quốc bị thiếu điện nên các DN sản xuất bị chậm hơn trước.
Trong khi đó, VN đã mở cửa và khôi phục sản xuất nên đối tác chuyển sang đặt hàng mới khi tay nghề của công nhân cũng được đánh giá cao. Với việc khan hiếm lao động, nguyên phụ liệu đều gia tăng nên đơn hàng xuất khẩu cũng được tăng giá thêm từ 10 - 15% so với trước đây.
Cùng việc đẩy nhanh sản xuất, ước tính cả năm 2021, Công ty giày Viễn Thịnh sẽ hoàn thành được hơn 4 triệu đôi giày, tương đương với năm 2020. Dù không đạt chỉ tiêu đầu năm đưa ra là 5 triệu đôi giày/năm nhưng kết quả này cũng khiến DN có thêm động lực để mở rộng sản xuất.
Ông Linh kỳ vọng năm 2022 nếu không có thay đổi bất ngờ thì DN sẽ tăng tốc mạnh hơn, đạt mục tiêu xuất khẩu 5 triệu đôi giày.
95% doanh nghiệp quay lại hoạt động
Tình hình kinh tế từng bước khởi sắc trở lại khi số DN hoạt động tăng, vốn đầu tư toàn xã hội tăng, chi tiêu tiêu dùng tăng...
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (HBA), thông tin đã có 95% DN trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP hoạt động trở lại với lượng lao động khoảng 70% so với ngày thường. Đây là tín hiệu khả quan cho sự phục hồi kinh tế chỉ sau 1 tháng.
Đa số DN đều tăng tốc sản xuất để trả các đơn hàng cũ và một số cho biết đã có kế hoạch cho đơn hàng mới. Nhưng để bảo đảm tính bền vững cho hoạt động sản xuất trong bối cảnh thích ứng an toàn, một số DN hiện còn vướng mắc là khu điều trị cho người lao động nếu bị nhiễm bệnh (F0).
Do bộ máy ứng phó cho DN chưa nhuần nhuyễn vì nhiều khu thu dung trong các KCN vẫn chưa được phép hoạt động. Ví dụ, khu thu dung tại KCN Linh Trung 2 có 250 giường bệnh đến nay vẫn chưa được cấp phép hoạt động.
Tại Khu công nghệ cao, từ đầu tháng 10 lập khu thu dung nhưng ký kết với Bệnh viện Bắc Mỹ, giấy phép chức năng chưa đủ nên cuối cùng vẫn chưa hoạt động được trong khi nhu cầu điều trị cho F0 của các công ty trong khu là rất lớn.
Thế nên, các DN sản xuất kiến nghị TP nên có mức giá quy định trong điều trị Covid-19 tại các bệnh viện tư, bệnh viện nước ngoài và đẩy nhanh việc cho phép lập các khu thu dung điều trị trong khu công nghiệp để sớm đưa vào phục vụ điều trị công nhân, đảm bảo an toàn sản xuất cho DN.
Gói hỗ trợ tài chính lúc này là rất cần thiết
Từ nay đến cuối năm với kịch bản tốt nhất là các đơn hàng tiếp tục tăng theo phục hồi các nền kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu khoảng 15 - 20%, kéo tăng trưởng chung của cả nước lên 0,5 - 0,6%. Kịch bản xấu hơn là dịch bùng phát tại các thị trường tiêu thụ lớn, tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt dưới 10%, như vậy, tăng trưởng chung chỉ khoảng 0,3 - 0,5%. Sau việc bị đứt gãy chuỗi sản xuất, trong tháng 10, nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất đã phục hồi đáng kể, DN có nhiều đơn hàng hơn. Thế nhưng, điểm đáng lo ngại là nguy cơ lạm phát tăng do giá nguyên liệu đầu vào của thế giới tăng cao, từ giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công, chi phí phòng chống dịch... Nên các chính sách về gói hỗ trợ tài chính lúc này là rất cần thiết, giải pháp nới rộng hạn mức tín dụng cũng nên triển khai trong ngắn hạn để giúp DN phục hồi tốt hơn. Thứ hai, đầu tư công được coi như “vốn mồi” kích thích tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, tạo hiệu ứng xã hội tốt để tăng đầu tư tư nhân sau đó. Trong các giải pháp phục hồi nền kinh tế của các nước nói chung, đầu tư công vẫn luôn được xếp ưu tiên hàng đầu. Sau giai đoạn 1 đầu tư công tăng, đầu tư tư nhân, thương mại dịch vụ… tự khắc tăng theo. Thực tế, đầu tư tư nhân có độ trễ nhất định, bởi chi phí đầu vào tăng, giá cả tăng, nhưng nếu đầu ra chưa đạt kỳ vọng, họ sẽ có tâm lý ngại mở rộng đầu tư.
PGS-TS Tạ Văn Lợi,
Viện trưởng Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (ĐH Kinh tế quốc dân)