Muốn ổn định vĩ mô phải thâm hụt ngân sách

(ĐTTCO) - Đại dịch Covid-19 đang tạo ra những thách thức chưa từng có đối với tất cả nền kinh tế, ngành công nghiệp và đời sống dân sinh. Việt Nam không ngoại lệ khi là nền kinh tế có độ mở rất lớn.
Thế giới: nguy cơ “bom nợ” 
Chỉ trong hơn 3 tháng, dịch Covid-19 đã lan rộng ra gần như tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành thảm họa toàn cầu. Có đến 1/3 dân số toàn cầu đang phải sống trong tình trạng “lockdown” (đóng cửa) và tâm lý hoang mang, càng làm trầm trọng thêm những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch.
Thực tế cho thấy, Covid-19 đã từ cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, phát triển thành cuộc khủng hoảng kinh tế. Đến nay đã có hơn 26 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ giữa tháng 3, khi nước này ban hành lệnh “ở nhà”.
Một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra. Trong báo cáo tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2020 có thể giảm ở mức -3%, đánh dấu sự suy thoái lớn nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế từ những năm 1930.
Nhiều quốc gia - trong đó bao gồm cả các quốc gia phát triển và đang phát triển - đã phải tung ra các gói cứu trợ kinh tế chưa từng có cả về quy mô (hàng chục, hàng trăm hoặc hàng ngàn tỷ USD) và các công cụ (nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ mức lãi suất, các chương trình mua trái phiếu chính phủ vô thời hạn, hỗ trợ trực tiếp cho người dân và hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp và ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch). Các chính phủ cũng đã ban hành luật khẩn cấp để tạo hành lang áp dụng các biện pháp để chống lại đại dịch. 
Muốn ổn định vĩ mô phải thâm hụt ngân sách ảnh 1 Ảnh minh họa.
Rủi ro này ngày càng hiện hữu rõ nét vào cuối năm 2019 do các vấn đề nợ toàn cầu gây ra. Theo báo cáo vào tháng 2-2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 1970-2010 đã có 3 làn sóng nợ xảy ra, bắt đầu trong giai đoạn lãi suất thấp liên quan đến đổi mới tài chính và thúc đẩy vay.
Các làn sóng nợ này đều kết thúc bằng những cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế (diễn ra vào các năm 1982, 1991 và 2009), hoặc suy giảm tăng trưởng toàn cầu (các năm 1998 và 2001).
Làn sóng nợ thứ tư bắt đầu từ năm 2010, được cho lớn nhất về quy mô, tốc độ và tầm ảnh hưởng. Đại dịch Covid-19 và các gói cứu trợ chưa từng có các nước đưa ra đã khiến thanh khoản lan rộng và gia tăng các khoản nợ của công ty và chính phủ, có thể kích nổ “quả bom nợ”. 

Việt Nam: phải ổn định kinh tế vĩ mô
Các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế Việt Nam rất nghiêm trọng, đặc biệt khi dịch bệnh gây thiệt hại lớn cho các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ và Nhật Bản. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 3,82% trong quý I - mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết những khó khăn trong sản xuất và kinh doanh của nền kinh tế kể từ đầu tháng 3. Trong báo cáo về dự báo tăng trưởng kinh tế công bố vào tháng 4 về khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, WB dự báo kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,5-4,9% trong năm nay, thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% đã được Quốc hội phê chuẩn.
Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, kịch bản tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào thời điểm kết thúc dịch Covid-19, trong quý II hoặc quý III, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ 5-5,3%.
Khó khăn và thách thức rất lớn, nhưng Việt Nam vẫn có khả năng phục hồi mạnh mẽ khi đại dịch kết thúc. Theo WB, tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt 7,5% vào năm 2021 và 6,5% từ năm 2022, nhờ thị trường xuất khẩu được cải thiện, ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh và sản xuất nông nghiệp phục hồi mức tăng trưởng.
Cùng với việc kiểm soát dịch bệnh và giữ an toàn cho người dân, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp quyết liệt và chủ động giảm thiểu tác động bất lợi của đại dịch đối với hoạt động kinh doanh và sản xuất, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.
Đến nay, về cơ bản Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch Covid-19, đang dần dỡ bỏ các chính sách hạn chế cũng như mở cửa lại thị trường nội địa. Chính sách hiện nay ưu tiên mục đích vừa duy trì cuộc sống an toàn cho người dân, vừa thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, với các nguồn lực và công cụ chính sách hạn chế, Việt Nam cần phải xem xét các điều kiện để thực hiện các chính sách hỗ trợ đảm bảo hiệu quả.
Thứ nhất, chính sách cần phải đảm bảo ưu tiên cho người dân và phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong đó, các lĩnh vực cần được hỗ trợ, ưu tiên gồm cơ sở hạ tầng, đào tạo, đổi mới, việc làm và sản xuất thiết bị y tế (giá trị thương mại toàn cầu từ thiết bị y tế đã đạt khoảng 1.000 tỷ USD kể từ đầu dịch Covid-19 đến nay). 
Thứ hai, quá trình phục hồi kinh tế phải phù hợp với sự thúc đẩy cải cách cơ cấu, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và đầu tư để các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả và củng cố hệ thống tài chính.
Thứ ba, quá trình phục hồi kinh tế phải gắn liền với các xu hướng toàn cầu mới đã thay đổi. Chẳng hạn, sự thay đổi nhanh chóng trong cơ cấu chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, những tiến bộ công nghệ, chuyển đổi kỹ thuật số và nhu cầu mới về lối sống và mô hình tiêu dùng theo hướng nền kinh tế xanh, an toàn và bền vững hơn. 
Cuối cùng, chính sách phục hồi kinh tế hậu Covid-19 Việt Nam cần chú ý là phải đảm bảo khả năng phục hồi của nền kinh tế bền vững. Một mặt, có thể bị thâm hụt ngân sách lớn hơn trong một số giai đoạn hoặc có thể sửa đổi trần nợ, nhưng mặt khác vẫn phải đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi khi kinh tế vĩ mô không ổn định không chỉ làm giảm hiệu quả của các biện pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, còn cản trở quá trình phục hồi kinh tế.
 Kinh tế vĩ mô không ổn định sẽ làm giảm hiệu quả các biện pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cản trở quá trình phục hồi kinh tế.

Các tin khác