Nhìn lại bức tranh lợi suất đầu tư năm 2023
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tháng 1-2024, năm 2023 tiền gửi vào hệ thống ngân hàng khá cao (14%) so với cuối năm 2022, và cao nhất trong giai đoạn 4 năm gần đây. Tiền gửi tiết kiệm được ưa thích trong năm 2023 vì kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp và người dân lựa chọn kênh này như một biện pháp đầu tư an toàn để sinh lời và chờ thời. Một số kênh đầu tư khác như thị trường chứng khoán (TTCK), trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản (BĐS) khá trầm lắng, tâm lý nhà đầu tư ở trạng thái quan ngại rủi ro.
Thế nhưng, lãi suất huy động có xu hướng giảm mạnh từ giữa cuối năm 2023, cho thấy khả năng sinh lời đối với kênh tiết kiệm giảm xuống. Với việc hạ lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất tiền gửi, kết hợp cầu tín dụng còn ở mức thấp trong 11 tháng năm 2023, lãi suất huy động tiếp tục xu hướng giảm khá sâu.
Trong khi đó, kênh đầu tư BĐS lại tiếp tục trầm lắng, do cung - cầu vẫn ở mức thấp và giá BĐS giảm không đáng kể. Giá BĐS có xu hướng giảm tại phân khúc chủ đạo, làm khả năng sinh lời từ thị trường BĐS ở mức thấp. Đến nửa cuối năm 2023, thị trường BĐS có dấu hiệu tích cực hơn, giá căn hộ chung cư tăng nhẹ do nguồn cung căn hộ còn khan hiếm, nhưng khối lượng giao dịch ở mức thấp, kéo theo mức sinh lời từ thị trường BĐS ở mức thấp.
TTCK cũng chứng kiến những biến động trong năm 2023. Chỉ số VN Index tăng 12,2%, chỉ số HNX Index tăng 12,5% so với cuối năm trước, mức tương đối tốt so với các nước và khu vực khác. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường giảm khi giá trị giao dịch bình quân năm 2023 giảm 12,9% so với bình quân năm 2022. Điều này cho thấy dù thị trường hồi phục, song tâm lý nhà đầu tư vẫn còn e ngại khi nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn.
Đối với kênh thị trường vàng, năm 2023 giá vàng biến động mạnh thời điểm cuối năm, xét giá vàng bán ra có thời điểm tăng mạnh 15% so với đầu năm, nhưng tính cả năm chỉ tăng 5% so với đầu năm. Biến động mạnh phần lớn do nguồn cung vàng SJC bị hạn chế.
Triển vọng các kênh đầu tư trong năm 2024
Với năm 2024, có thể chứng kiến sự dịch chuyển rõ nét giữa các kênh đầu tư, nhưng 2024 vẫn là năm các nhà đầu tư nên tính toán thận trọng. Đối với kênh tiền gửi tiết kiệm, thời điểm này lãi suất tiết kiệm được dự báo đã chạm đáy. Với triển vọng tín dụng năm 2024 sẽ tăng ở mức cao (khoảng 15% theo định hướng của NHNN), dự báo lãi suất huy động cơ bản sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ khoảng 0,1-0,5% trong năm 2024.
Như vậy mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ vẫn ở mức thấp, tương đương với cuối năm 2023. Trong khi quy mô tiền gửi đang ở mức cao, có thể tạo ra sự chuyển dịch nhất định sang các kênh có lợi suất cao hơn với mức độ rủi ro chấp nhận được. Tuy vậy, đây vẫn là kênh có thể nói an toàn và là nơi trú ẩn cho nhà đầu tư.
Đối với kênh đầu tư BĐS, dự kiến thị trường BĐS có thể phục hồi cục bộ (tùy phân khúc) từ nửa cuối năm 2024, do vẫn còn gặp nhiều khó khăn như nguồn cung chưa thể tăng nhanh, sức cầu còn yếu, nợ xấu tăng và vấn đề pháp lý chậm giải quyết. Đã vậy, tâm lý chờ đợi giảm giá BĐS vẫn còn cũng gây áp lực cho thị trường.
Tuy vậy, kỳ vọng BĐS khu công nghiệp tiếp tục là điểm sáng; BĐS nghỉ dưỡng, bán lẻ, văn phòng sẽ chậm phục hồi hơn do còn phụ thuộc vào sự phục hồi mạnh của du lịch quốc tế, sự thay đổi trong phương thức bán hàng (thương mại điện tử thay vì mua - bán trực tiếp...).
Tuy nhiên, việc các quy định mới tại Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023, giúp giá đất ngày càng sát hơn với giá thị trường, trong khi nguồn cung chưa thể tăng nhanh sẽ là những xúc tác khiến giá BĐS khó giảm thêm nhiều.
Thậm chí có thể tăng giá nhẹ ở một số phân khúc vào cuối năm 2024. Nhà đầu tư có thể cân nhắc tận dụng mức nền thấp hiện nay để mua BĐS trước khi chốt lời trong nửa cuối năm 2024 hoặc sau này.
Về phía cung, thị trường BĐS dự báo sẽ hồi phục từ nửa cuối năm 2024, các doanh nghiệp có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh, khiến nhu cầu vốn tăng. Đồng thời, hiệu ứng từ các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, bao gồm cả việc áp dụng có lộ trình các điều kiện cao hơn đối với thị trường TPDN khi sửa đổi Nghị định 62/2022, tiếp tục tác động tích cực đến thị trường này.
Về phía cầu, lãi suất tiết kiệm đã giảm xuống mức khá thấp, nhà đầu tư cá nhân dần khôi phục niềm tin, chấp nhận rủi ro hơn, có thể sẽ quan tâm hơn tới các kênh đầu tư có mức độ rủi ro cao hơn để hưởng lãi suất cao hơn như TPDN.
TTCK năm 2024 cũng chịu tác động đan xen của cả các yếu tố tích cực và tiêu cực. Theo dự báo của Bloomberg (tháng 1-2024), biên độ VN Index năm 2024 sẽ từ 822,2 điểm (P/E 11 lần, giảm khoảng 25%) đến 1.318 điểm (P/E 17,5 lần, tăng khoảng 19%). Theo tôi, khả năng tăng trưởng 15-20% là cao hơn và khả thi.
Đối với kênh đầu tư vàng, có thể thấy với việc can thiệp của NHNN trong việc sửa đổi Nghị định 24, ngay trong tháng 1-2024, các quy định sẽ giúp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế giảm xuống, thị trường vàng có thể sẽ ổn định hơn. Kết hợp với rủi ro nền kinh tế giảm bớt, vàng sẽ giảm dần thuộc tính trú ẩn an toàn, nên kỳ vọng lợi suất từ hoạt động đầu tư vàng sẽ chững lại, tương đương năm 2023, ở mức 5-7%.
Bối cảnh trên cũng đưa đến một số hàm ý cho các nhà đầu tư. Thứ nhất, cần biết mình là ai, “khẩu vị rủi ro” của mình là như thế nào. Thuộc diện nhà đầu tư ngại rủi ro, trung tính, hay ưa thích rủi ro, mạo hiểm để có chiến lược, kênh đầu tư phù hợp.
Thứ hai, chiến lược đầu tư quan trọng luôn là đa dạng hóa các kênh hay danh mục đầu tư, được hiểu là phân chia tiền vào nhiều loại tài sản khác nhau để giảm thiểu rủi ro. Điều này giúp nhà đầu tư có được mức sinh lời từ nhiều loại tài sản khác nhau và giảm thiểu rủi ro do chúng bù trừ lẫn nhau.
Thứ ba, sử dụng đòn bẩy tài chính một cách vừa phải. Đòn bẩy có thể giúp tăng lợi nhuận và khả năng sinh lời, nhưng cũng đi kèm với rủi ro cao nếu không được quản lý đúng cách và nhất là khi môi trường lãi suất cao, thanh khoản kém.