PHÓNG VIÊN: - Sau 25 năm hoạt động, VAPEC đã đóng vai trò như thế nào trong tư vấn chính sách cho Chính phủ, cũng như công cuộc đổi mới nói chung, thưa ông?
PGS.TS VÕ ĐẠI LƯỢC: - Ngày 20-4-1993, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã ký Quyết định 175/TTg thành lập VAPEC. Có thể nói đây là tổ chức phi chính phủ duy nhất của Việt Nam do Chính phủ quyết định thành lập. Vai trò lớn nhất của VAPEC là giúp Nhật Bản hiểu rõ hơn về công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Từ đó, Nhật Bản đã đầu tư cũng như cung cấp vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam vay.
Cách đây hơn 20 năm, cái thiếu trong đổi mới của ta khi đó là thiếu chuyên gia tư vấn về chính sách. Chúng ta nói đổi mới, nhưng trong những năm đầu phải vừa đi vừa dò đường. Do đó, tôi đã đề xuất với Nhật Bản cử chuyên gia kinh tế của họ sang tư vấn cho Việt Nam.
Phía Nhật Bản đồng ý và chi ra khoảng 5 triệu USD để đầu tư vào việc đưa các chuyên gia kinh tế sang Việt Nam tư vấn chính sách cho lãnh đạo một số bộ, ngành và cho cả Chính phủ. Tổng Bí thư Đỗ Mười khi đó cũng đã trực tiếp đến nghe nhiều buổi tư vấn chính sách do các chuyên gia kinh tế Nhật Bản trình bày, và có thể nói đó cũng là một trong những động lực để ông thúc đẩy công cuộc đổi mới tiến hành nhanh hơn.
- Nhiều năm qua, vốn ODA (trong đó có ODA của Nhật Bản) đã đóng vai trò nhất định vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam không thể dựa mãi vào ODA. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Trong nhiều năm qua, vốn ODA đã góp phần giúp Việt Nam ra khỏi nước nghèo, bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Không thể phủ nhận những lợi ích các nước viện trợ, các đối tác phát triển đã dành cho Việt Nam qua những khoản ODA quý báu.
Nhưng bắt đầu từ thời điểm Việt Nam “tốt nghiệp” ODA vào tháng 7-2017, vốn ODA không còn là nguồn ưu đãi, mà là những khoản vay với lãi suất thương mại. Do đó, việc tiếp tục vay và sử dụng nguồn vốn này là bài toán cần tính kỹ để đem lại hiệu quả lớn nhất cho phát triển. Trường hợp công trình hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng tốt, việc vay vốn này xem như hiệu quả.
Ngược lại, với những dự án vay vốn rẻ, kèm theo điều kiện ràng buộc về nhà thầu nước ngoài, như một số dự án đường sắt đô thị đang triển khai ở Hà Nội và TPHCM, công trình chậm tiến độ, đội vốn… thì vốn rẻ này là cái “bẫy”.
Vốn ODA đã góp phần giúp Việt Nam ra khỏi nước nghèo.
- Không chỉ vốn ODA, ngay cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam hiện nay cũng đang được cho có nhiều vấn đề?
- Thu hút vốn FDI cũng có 2 mặt. Đặc điểm nổi bật của dòng vốn này là đổ vào nhanh nhưng khi cần cũng có thể rút nhanh. Do vậy sự vận động của các dòng vốn này trở thành tín hiệu nhanh nhạy cho giới đầu tư và kinh doanh nhận biết được đâu là nơi đầu tư có lợi cần đến, đâu là nơi bất lợi phải tránh.
Nếu một quốc gia đóng cửa đối với những dòng vốn này, có nghĩa cắt bỏ tín hiệu phản ánh tình hình biến động của môi trường đầu tư, làm các nhà đầu tư và kinh doanh nước ngoài mất phương hướng.
Có thể thấy bên cạnh những đóng góp tích cực của doanh nghiệp FDI vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, khu vực này cũng đã bộc lộ một số vấn đề như chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách, tác động không tốt đến môi trường đầu tư…
Do đó, vấn đề đặt ra lúc này là cần có những biện pháp để kiểm soát, giám sát như thắt chặt hoặc nới lỏng chính sách tài chính, hạn chế ngân hàng vay nợ nước ngoài, xây dựng luật về chống chuyển giá gây thất thu thuế...
- Ông đã từng nhiều lần cảnh báo nguy cơ Việt Nam tụt hậu nếu không có những chiến lược dài hơi trong phát triển kinh tế cũng như phát huy nội lực. Vậy, để tránh nguy cơ này, chúng ta cần tập trung những giải pháp gì?
- Một điều dễ nhận thấy là tư duy kinh tế xin - cho vẫn còn khá nặng nề. Nếu như trước đây tính chất xin - cho của chính sách được bắt đầu từ những định hướng mang tính chủ quan của những người lãnh đạo, nay nhiều chính sách, quy hoạch hay chiến lược phát triển thường được đề xuất bởi các bộ phận giúp việc.
Không ít trường hợp các cán bộ trung gian này lợi dụng quyền lập chính sách để lồng vào những quy định mang tính chất xin - cho vì mục đích tư lợi cá nhân. Điển hình của vấn đề này là những chính sách quy định liên quan tới đất đai và phát triển đô thị, xuất nhập khẩu...
Thực trạng này kết hợp với việc mượn danh bảo hộ doanh nghiệp nhà nước, đã trở thành mầm mống của căn bệnh tham nhũng phát triển đa dạng dưới nhiều hình thức, ở nhiều nơi và đây chính là tác nhân làm suy yếu nội lực để phát triển kinh tế đất nước.
- Xin cảm ơn ông.
Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển. Một lợi thế quan trọng mà nhiều nước mơ ước mà khó đạt được là chính trị ổn định. Tuy vậy, để tránh nguy cơ tụt hậu, điều quan trọng là phải coi trọng phát triển nguồn nhân lực, phải làm thế nào để tìm và trọng dụng được người tài. Muốn đất nước phát triển, ngoài tận dụng sự giúp đỡ của các nước, điều rất quan trọng là phải phát huy nội lực. Theo đó phải cải thiện chính sách trọng dụng nhân tài để thu hút được người tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. |