Quan hệ Mỹ-Trung nhìn từ Hội nghị APEC

(ĐTTCO) - Hội nghị Thượng đỉnh APEC vừa qua ở San Francisco (Mỹ) thu hút sự chú ý của giới quan sát, với tâm điểm là cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bali, Indonesia tháng 11-2022.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bali, Indonesia tháng 11-2022.

Trong bối cảnh phức tạp của địa chính trị toàn cầu như hiện nay, cùng những căng thẳng vốn có giữa 2 cường quốc, những thông điệp được đưa ra cũng giúp chúng ta phần nào hiểu hơn về sự phức tạp của mối quan hệ này.

Những bất đồng âm ỉ

Với sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế, kéo theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật, quân sự, ảnh hưởng đến thế giới, Trung Quốc đã trở thành đối thủ xứng tầm của Mỹ. Không chỉ đối lập nhau về ý thức hệ, sự khác biệt trong quan điểm về các vấn đề quốc tế như Ukraine, Trung Đông và gai góc nhất là vấn đề Đài Loan, đã tạo nên những căng thẳng thường xuyên giữa 2 cường quốc số 1 và 2 thế giới.

Cảm nhận sức nóng của sự cạnh tranh và những mối đe dọa từ Trung Quốc, dường như Mỹ đã có một chiến lược dài hơi cho việc giảm rủi ro (de-risking) từ Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người lo ngại về việc tách rời (decoupling) giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Mỹ đã khởi động chiến tranh thương mại, để rồi từ đó kéo theo các trả đũa qua lại về thuế suất, hạn ngạch, các mặt hàng được phép xuất-nhập khẩu giữa 2 nước. Mỹ cũng đã đa dạng hóa các nguồn cung cấp, đến từ một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á và Mexico.

Các nhà đầu tư Mỹ cũng giảm tỷ lệ đầu tư vào các tài sản ở Trung Quốc. Các quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ sau một thời gian đổ tiền vào thị trường Trung Quốc, lên đến mức cao nhất trong 1 năm gần 20 tỷ USD vào năm 2018, đã giảm nhanh chóng và quay về khoảng 1 tỷ USD như hiện nay. Các khoản đầu tư trực tiếp FDI cũng bắt đầu xu hướng giảm từ những năm 2014, và bắt đầu giảm mạnh từ năm 2018, hiện nay đang ở mức 8 tỷ USD như năm 2004.

Trong khi đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ năm 2022 là 578,8 tỷ USD, chiếm 67,5% tổng giá trị thặng dư xuất khẩu của Trung Quốc. Doanh thu và tổng tài sản của các doanh nghiệp Trung Quốc ở Mỹ dù bắt đầu có xu hướng giảm, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với 10 năm trước đây, gấp 2-3 lần.

Chỉ có một chỉ số thấy rõ nhất là số du học sinh của Trung Quốc ở Mỹ giảm chóng mặt. Đỉnh cao những năm 2011-2012 mỗi năm có khoảng 15.000 sinh viên Trung Quốc sang Mỹ du học, con số này giảm kỷ lục từ năm học 2019-2020. Năm 2021-2022 tính luôn cả Trung Quốc Đại lục, Hồng Kông và Đài Loan chưa đến 1.000 sinh viên. Dĩ nhiên ở đây cũng có nguyên nhân quan trọng do đại dịch Covid-19.

Cố gắng tìm những điểm chung

Dù căng thẳng nhưng cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo cũng đạt được một số điểm tích cực, khi cả 2 bên cùng cố gắng tìm những điểm chung. Việc tái lập lại kênh trao đổi quốc phòng được cho là điểm sáng nhất của lần gặp gỡ trao đổi này. Bên cạnh đó là các vấn đề, như đạt được thỏa thuận về kiểm soát xuất khẩu các tiền chất dùng để sản xuất Fentanyl từ Trung Quốc; các vấn đề xoay quanh biến đổi khí hậu; các vấn đề xoay quanh trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhiều kênh trao đổi quốc phòng giữa Trung Quốc và Mỹ đã bị gián đoạn do Trung Quốc chủ động, nhằm phản đối chuyến thăm của bà Nancy Pelosi đến Đài Loan hồi tháng 8-2022. Với việc nối lại các kênh liên lạc, sẽ là tiền đề cho việc thiết lập lại các trao đổi cấp cao như DPCT (U.S.-China Defense Policy Coordination Talks) và MMCA (U.S.-China Military Maritime Consultative Agreement).

Thỏa thuận nhằm giải quyết khủng hoảng chất gây nghiện Fentanyl ở Mỹ, cũng là một bước quan trọng nhưng được cho chưa đủ, vì còn bỏ ngỏ vấn đề xử lý hoạt động tài chính phi pháp có liên quan với Trung Quốc, cũng như việc các doanh nghiệp xuất khẩu tiền chất từ Trung Quốc đi đường vòng qua Mexico, rồi từ đó xâm nhập lãnh thổ Mỹ.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, 2 nước cũng đạt được một số thỏa thuận quan trọng về các mục tiêu năng lượng tái tạo, thành lập nhóm công tác chung về biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, cũng như xem xét khí thải nhà kính ở góc độ toàn nền kinh tế.

Nếu trước đây Trung Quốc khá lạnh nhạt với vấn đề biến đổi khí hậu, thì đây được xem là sự thay đổi rất tích cực. Cùng với đó là những thỏa thuận về AI trong việc kiểm soát những rủi ro có thể phát sinh từ công nghệ này, cũng như các vấn đề về giám sát toàn cầu, vấn đề đạo đức, sự riêng tư, và an ninh. Vì hiện nay, bên cạnh Mỹ, Trung Quốc cũng là một cường quốc về AI.

Nhìn về tương lai

Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định từ lần gặp gỡ này, nhưng mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ ngày càng phức tạp hơn trên nhiều lĩnh vực, như kinh tế thương mại, ngoại giao, quốc phòng giữa 2 nước, và các vấn đề quốc tế. Một điều thấy rõ là khoảng cách giữa 2 nước ngày càng rộng hơn, dù vậy xác suất rủi ro tách rời giữa 2 nước vẫn rất thấp.

Giữa 2 nền kinh tế này vẫn còn sự phụ thuộc lẫn nhau đáng kể, dù nhìn từ trực tiếp hay gián tiếp. Các công ty lớn của Mỹ vẫn đang khai thác và phát triển ở thị trường lớn Trung Quốc như Starbucks, Apple, Tesla. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn nhập khẩu hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc mỗi năm.

Dựa trên những điểm chung vẫn giữ được từ trước đây và các thỏa thuận mới đạt được, nhiều nhà phân tích cho rằng 2 nước sẽ cố gắng kiểm soát tình hình để tránh những căng thẳng ngoài ý muốn. Cả 2 nước đều nhấn mạnh đến thông điệp cùng phát triển trong hòa bình.

Sự cạnh tranh giữa 2 cường quốc nhằm giành vị trí số 1 là điều không thể tránh khỏi, nhưng sẽ cân bằng trong những hợp tác có cân nhắc lựa chọn. Tương lai luôn là điều khó đoán được, và một yếu tố rất quan trọng cho quan hệ Trung Quốc-Mỹ trong thời gian tới là kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào năm sau.

Dù đạt được một số kết quả nhất định từ Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần này, nhưng khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rộng hơn. Dù vậy xác suất rủi ro tách rời giữa 2 nước vẫn rất thấp. Giữa 2 nền kinh tế này vẫn còn sự phụ thuộc lẫn nhau đáng kể.

Các tin khác