Thế nhưng, việc kinh doanh trên mạng hầu như chẳng đóng một đồng thuế nào. Sự việc vừa qua cơ quan thuế cưỡng chế truy thu thuế thanh niên người Việt chỉ mới 20 tuổi, nhưng kiếm được 41 tỷ đồng từ Google nhờ xây dựng chương trình trò chơi được tải nhiều trên mạng, và buộc phải bị truy thu 4,1 tỷ đồng tiền thuế, thực ra chỉ là bề nổi trên tảng băng chìm của ngành thuế, cũng như cho thấy tình trạng thất thu thuế từ lĩnh vực thương mại điện tử đang ở mức đáng báo động và chưa có giải pháp để khắc phục.
Đặc biệt là với các giao dịch xuyên biên giới, liên quan đến các tổ chức lớn không có sự hiện diện pháp nhân tại Việt Nam như Google, Facebook.
Theo lời dẫn của một tờ báo, giám đốc một doanh nghiệp truyền thông tiếp thị số chia sẻ, ước tính số tiền các tổ chức như Google, YouTube, Facebook... trả cho các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam mỗi tháng lên đến hàng triệu USD.
Trong số đó một nửa thuộc về một công ty truyền thông đa kênh, một nửa còn lại chia cho các tổ chức, cá nhân. Và thực tế trong một lần trả lời công khai, đại diện Facebook tại Việt Nam cũng cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 50 “triệu phú đôla” ở độ tuổi 19-20 khai thác từ Internet. Trong đó có người trẻ 19 tuổi đã thu về con số 100.000USD mỗi tháng từ mô hình kinh doanh trên internet.
Và điều này hoàn toàn không sai, khi lướt qua các kênh YouTube có thể thấy hàng loạt tên tuổi được nhiều người theo dõi qua tài khoản cá nhân, với đủ các thể loại có lượt người theo dõi từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu. Và dựa trên mỗi truy cập quảng cáo chèn trong nội dung, các tổ chức như Google, YouTube, Facebook trả cho người viết nội dung hàng tháng với số tiền không hề nhỏ.
Một minh chứng là chỉ mới rà soát ở 4 ngân hàng, số tiền mà Google, Facebook, YouTube trả cho các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam thông qua chuyển khoản ở các ngân hàng này đã lên đến con số 1.114 tỷ đồng, trong đó 598 tổ chức nhận hơn 512 tỷ đồng, còn lại 17.130 cá nhân nhận số tiền hơn 602 tỷ đồng.
Thời đại công nghệ số dễ kiếm tiền nếu biết nắm bắt thời cơ, trong khi ngược lại việc truy thu thuế với những trường hợp này của ngành thuế không hề dễ. Bởi lẽ muốn “bắt tận tay phải day tận gốc” (nôm na muốn họ đóng thuế phải có bằng chứng), nhưng để bắt được “tận tay” ngành thuế phải có đủ chuyên môn, tính pháp lý cũng như kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, và điều này hoàn toàn còn xa vời với nhân viên ngành thuế hiện nay.
Nếu cơ quan thuế làm theo cách “thủ công” là truy tài khoản ngân hàng, sau đó gửi thông báo yêu cầu từng cá nhân đến nộp thuế rất khó khả thi. Chưa kể nhiều trường hợp sau khi truy tài khoản, cơ quan thuế không liên hệ được với cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube.
Đó là việc thất thu thuế ở chiều của những người làm ra nội dung, còn ở chiều các doanh nghiệp, cá nhân chuyển tiền quảng cáo ra nước ngoài cho Google, Facebook, YouTube, ngành thuế cũng thất thu luôn. Theo quy định hiện hành, khi nhận khoản tiền từ các tổ chức, cá nhân của Việt Nam đăng ký quảng cáo, Google hay Facebook, phải nộp thuế thầu.
Có nghĩa các tổ chức, cá nhân trước khi chi trả tiền cho Google hay Facebook phải có nghĩa vụ khấu trừ thuế và nộp cho Nhà nước, nhưng hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân lách luật bằng cách trả bằng thẻ tín dụng và hợp thức hóa bằng chi phí khác nhằm lách trách nhiệm nộp thuế.
Theo số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước tính đạt 550 triệu USD, trong đó quảng cáo chi cho Facebook là 235 triệu USD, Google 152,1 triệu USD. Trong khi đó Google, Facebook, YouTube không có đại diện tại Việt Nam, không mở tài khoản tại Việt Nam, nên cơ quan thuế không có đầu mối để truy thu thuế.
Thất thu thuế thời đại công nghệ số, ngành thuế phải tìm cách bù đắp các khoản thu khác, đơn cử như thu thuế nhà, đất. Minh chứng là trong mấy năm gần đây, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ dầu thô và xuất nhập khẩu trong tổng thu NSNN có xu hướng sụt giảm mạnh.
Để bù một phần vào sự thiếu hụt này là sự cải thiện mạnh của nguồn thu về nhà, đất, chiếm 11-12% trong tổng thu NSNN kể từ năm 2016 so với mức chỉ 6% như trong năm 2014. Trong hạng mục thu về nhà đất, khoản đáng kể và tăng nhanh nhất chính là thu tiền sử dụng đất.
Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu tiền sử dụng đất là khoản tiền mà người sử dụng đất/nhà phải nộp để có quyền sử dụng đất/sở hữu nhà. Như vậy có thể hiểu, khoản thu về nhà, đất càng tăng lên thì tài sản đất đai, nhà cửa thuộc sở hữu nhà nước có xu hướng bị chuyển giao càng nhiều cho cá nhân, hộ gia đình và tổ chức kinh tế.
Và cũng giống như việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, nhà và đất đai sở hữu nhà nước cũng chỉ có hạn, không thể cứ bán và bán mãi được.
Và cũng giống như việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, nhà và đất đai sở hữu nhà nước cũng chỉ có hạn, không thể cứ bán và bán mãi được.
Thế nhưng, chuyện tăng thu ngân sách nhờ đất đai ở nhiều địa phương lại được coi như là một thành công vì đã “đóng góp lớn cho ngân sách địa phương”. Thậm chí tại những thành phố lớn và là đầu tàu kinh tế cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, tỷ lệ thu từ nhà đất trên tổng thu NSNN còn lớn hơn cả mức trung bình cả nước.
Do vậy, việc bán nhà đất, công sản cần luôn được coi chỉ là một giải pháp tạm thời. Như TPHCM, nguồn thu từ nhà đất đã sụt giảm mạnh trong năm 2018, ước thu ngân sách từ đất năm 2018 đạt khoảng 22.600 tỷ đồng, giảm khoảng 5.139 tỷ đồng so với 2017.
Thực tế hụt thu NSNN trong mấy năm qua không đạt dự toán nên Bộ Tài chính phải tìm cách bù đắp, nguyên nhân cơ bản là lập dự toán thu năm sau quá cao so với ước thực hiện của năm trước.
Đã vậy, thu ngân sách của 16 địa phương trọng điểm có điều tiết về Trung ương được giao tăng thu quá cao nhưng không đạt dự toán. Do vậy, rút kinh nghiệm từ việc giao dự toán các năm trước, năm 2019, Quốc hội thông qua dự toán thu ngân sách tăng 3,9% so với số ước thực hiện năm 2018.
Đối với 16 địa phương có điều tiết về Trung ương, dự toán thu năm 2019 cũng được tính toán sát thực tế hơn, tăng bình quân khoảng 13% so ước thực hiện năm 2018. Tất nhiên cũng giảm chi thường xuyên, chi cho đầu tư phát triển sẽ tăng lên và đảm bảo tính bền vững.