Thứ trưởng Trần Duy Đông: Nâng cao vai trò doanh nghiệp 'sếu đầu đàn'

(ĐTTCO) - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Duy Đông, cho rằng đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, phát triển, đã và đang trở thành lực lượng xung kích trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ trưởng Trần Duy Đông: Nâng cao vai trò doanh nghiệp 'sếu đầu đàn'

PHÓNG VIÊN: - Gần đây nhiều chuyên gia cho rằng cần có những tập đoàn tư nhân lớn để làm trụ, tạo sự lan tỏa và kết nối lực lượng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang rất nhỏ bé, rời rạc. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Thứ trưởng TRẦN DUY ĐÔNG: - Các quốc gia thực hiện công nghiệp hóa thành công đều có vai trò của hệ thống DN, đặc biệt là DN quy mô lớn - những “DN đầu tàu” hay “sếu đầu đàn”- để tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các DNNVV tham gia chuỗi sản xuất.

Hiện chúng ta cần có những DN trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân đủ lớn mạnh về quy mô, có năng lực quản trị chuẩn mực quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Đối với DNNN, trong giai đoạn trước đây chúng ta đã từng có những “anh cả đỏ” hay “quả đấm thép” cho phát triển kinh tế.

Cải thiện môi trường xã hội, môi trường pháp lý, điều kiện để có nhiều doanh nghiệp đầu tàu hay "sếu đầu đàn".

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần xác định được các DN có đủ bản lĩnh trở thành “sếu đầu đàn”, trên cơ sở đánh giá nội lực của DN và nguyên tắc thị trường, tránh việc sử dụng mệnh lệnh hành chính hay lắp ráp một cách cơ học.

Những DN này cần được xem xét, đánh giá trên các yếu tố: quy mô; thị phần và thị trường; quản trị; ngành, lĩnh vực hoạt động và tính bền vững của DN. Các DN quy mô lớn cần có tiềm lực về tài chính, hoạt động hiệu quả dựa trên năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và tăng khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Đồng thời, phải có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và có định hướng mở rộng sang thị trường nước ngoài (thông qua hoạt động xuất khẩu hoặc đầu tư ra nước ngoài), có hệ thống quản trị chuyên nghiệp, hiện đại.

thutruong-6296.jpg

Cần tập trung phát triển các DN đầu đàn trong những ngành, lĩnh vực mới có tác động dẫn dắt, lan tỏa như: cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế, kết cấu hạ tầng quốc gia quan trọng, khoa học công nghệ hiện đại, đi đầu trong tăng cường quốc phòng an ninh, công nghiệp lưỡng dụng để bảo vệ Tổ quốc…

- Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng DNNN cần làm những việc lớn, việc khó, tập trung R&D, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng, tài chính… để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho DN tư nhân ở những lĩnh vực khác?

- Tại Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3-6-2017, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đã nêu quan điểm chỉ đạo: Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Để thực hiện chủ trương này cần đẩy mạnh triển khai một số nội dung:

Thứ nhất, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập đang cản trở DN phát triển. Đồng thời, cởi trói, giải phóng tiềm lực của DN khu vực tư nhân. Tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính phủ - chính quyền điện tử; liên thông các thủ tục giữa các bộ ban ngành. Các thủ tục phải minh bạch, công khai, không tạo nên sự “khó hiểu” cho DN, giúp DN triển khai kịp thời những kế hoạch, chương trình kinh doanh, bắt nhịp được những yêu cầu của thị trường và không bị cản trở bởi độ trễ của thủ tục.

Thứ hai, cùng với xu hướng của CMCN 4.0, sự tăng trưởng của khu vực tư nhân cần được dẫn dắt bởi các hoạt động sáng tạo, hướng tới mục tiêu năng suất cao hơn nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh vững chắc trong những thập niên tới tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho việc tập trung kinh tế thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A). Đây là một trong những con đường ngắn nhất để giúp DN tích tụ nguồn lực về vốn, chất xám, công nghệ và tối đa hóa lợi thế cạnh tranh.

Thứ ba, đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư trong các hoạt động nghiên cứu phát triển trong DN. Trong bối cảnh CMCN 4.0, năng lực công nghệ là yêu cầu sống còn giúp DN có thể phát triển bền vững và tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành những DN dẫn đầu chuỗi.

- Công cuộc đổi mới ở nước ta đang bước vào giai đoạn mới. Ông kỳ vọng gì ở đội ngũ doanh nhân Việt trong quá trình phấn đấu để đạt được mục tiêu và khát vọng?

- Trong thời gian tới, tôi kỳ vọng doanh nhân Việt tiếp tục thể hiện rõ sự khát vọng vươn lên, dám nghĩ dám làm, chấp nhận mọi thách thức để bắt kịp xu hướng hội nhập, quyết tâm đổi mới và nâng tầm DN. Chủ động nắm bắt, tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu hướng kinh doanh mới. Các DN cũng đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh và bền vững.

Doanh nhân, DN cần có tinh thần đổi mới sáng tạo quyết liệt hơn nữa. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN. Hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết với DN trong và ngoài nước.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác