TS Nguyễn Trí Hiếu: 'Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần 3 năm phục hồi'

(ĐTTCO) - Với các “cú sốc” lớn vừa qua, để phục hồi trở lại có thể cần thời gian khoảng 3 năm. Hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ còn các doanh nghiệp mua lẫn nhau, ngân hàng mua của doanh nghiệp.

TS Nguyễn Trí Hiếu: 'Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần 3 năm phục hồi'

Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP, về TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12.

Phía Bộ Tài chính cũng đưa ra đề xuất không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành, đối với các quy định xác định tư cách nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; đàm phán với các NĐT để gia hạn thêm thời gian đối với TP; xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành TP.

Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính ngân hàng.

PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá như thế nào về tác dụng của Nghị định (NĐ) 08 và liệu có cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành NĐ65?

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - NĐ08 ra đời để đình chỉ lại việc thực hiện một số quy định của NĐ65, nhưng không tháo gỡ được tất cả những khó khăn của thị trường TPDN. Thị trường TPDN vẫn còn rất trầm lắng, chưa thấy có những TP được phát hành từ các công ty lớn, nên chưa thể nói là thị trường phục hồi được.

Và theo tôi cũng không cần gia hạn, vì NĐ08 thật ra đã “bắn mũi tên không trúng đích”. NĐ08 ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định của NĐ65 về 3 nội dung, và cả 3 nội dung đó đều tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà phát hành nhiều hơn là việc tạo lòng tin cũng như bảo vệ NĐT.

Hơn nữa, dù có hay không có NĐ08, trường hợp nhà phát hành không trả được nợ, các bên cũng “được quyền” ngồi xuống đàm phán gia hạn thời gian hoặc đàm phán trả nợ bằng dự án, bằng bất động sản… Tức là những thỏa thuận dân sự trước nay vẫn được thực hiện.

Vấn đề chính hiện nay là các NĐT chưa lấy lại được niềm tin vào thị trường TPDN. Hiện cũng có ý kiến cho rằng NĐ08 đã nới lỏng nhưng không đạt được kết quả, vậy từ tháng 1-2024 NĐ65 sẽ trở lại khiến thị trường TPDN sẽ khó khăn hơn?

Điều đó có thể đúng, nhưng nhìn về mục tiêu lâu dài các quy định của NĐ65 sẽ giúp thị trường TPDN trở nên tốt hơn, tránh những vết xe đổ sau các vụ án TP đã xảy ra trong năm 2022. Đặc biệt, cơ quan chức năng không thể bỏ qua vấn đề đánh giá khả năng trả nợ của nhà phát hành khi xét duyệt hồ sơ.

Đồng thời, áp dụng quy định về tư cách của NĐT chuyên nghiệp. Đặc biệt, xếp hạng tín nhiệm DN phát hành cần tăng cường để NĐT quyết định có mua TP hay không.

- Câu chuyện xếp hạng tín nhiệm đối với các DN phát hành TP như ông đề cập thời gian qua cũng được bàn luận rất nhiều khi thị trường lâm vào khủng hoảng. Vậy xếp hạng tín nhiệm sẽ giải quyết câu chuyện rủi ro của thị trường đến đâu?

- Trước tiên cần phải hiểu, không một thành phần kinh tế nào có thể đảm bảo khả năng trả nợ của nhà phát hành. Cơ quan chức năng chỉ xem xét, đánh giá khả năng trả nợ chứ không thể đảm bảo khả năng trả nợ của DN.

Công ty xếp hạng tín nhiệm cũng không thể bảo đảm 3-5 năm sau DN đó sẽ được trả nợ; cũng không đưa ra đề nghị NĐT nên mua TP này hoặc mua TP kia. Họ chỉ xem xét khả năng trả nợ và đánh giá dựa trên những khảo sát về tình hình tài chính của DN đó, như số lượng TP, thời gian, lãi suất…

Nếu đánh giá DN có khả năng trả nợ, công ty xếp hạng sẽ đưa ra mức xếp hạng cụ thể, từ mức tốt nhất đến mức trung bình. Nếu DN không có khả năng trả nợ, xếp hạng sẽ vào loại không tốt. Người mua TP dựa vào những thông tin đó đánh giá rủi ro và tự định đoạt mua hay không. Quyết định là của NĐT.

TPDN chỉ ít rủi ro trong trường hợp có một bên thứ 3 đứng ra bảo lãnh thanh toán. Chẳng hạn, một ngân hàng đứng ra bảo lãnh nếu nhà phát hành không trả được nợ. Tuy nhiên, khi có bảo lãnh thanh toán, lãi suất TP cũng sẽ rất thấp, ngang ngửa lãi suất tiết kiệm, và thực tế rất ít trường hợp đứng ra bảo lãnh thanh toán như vậy.

Nói như vậy không phải là không cần, xếp hạng tín nhiệm luôn là sự hỗ trợ cần thiết đối với thị trường. Vì khi nhìn vào xếp hạng, NĐT cũng sẽ thấy DN phát hành có khả năng trả nợ hay không, khả năng trả nợ ở mức nào, tương ứng lãi suất có phù hợp hay không.

NĐ65 quy định xếp hạng tín nhiệm đối với các DN phát hành TP mỗi năm lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; đối với các DN có tổng dư nợ TP theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu.

Vậy tại sao không xếp hạng tín nhiệm cho tất cả các DN phát hành? Vẫn biết tâm lý của DN là ngại “vạch áo cho người xem lưng”, tức khi xếp hạng phải nộp báo cáo tài chính và các công ty xếp hạng phỏng vấn, điều tra. Do vậy cần phải có cơ chế để tạo ra văn hóa xếp hạng tín nhiệm.

- Nhưng thưa ông liệu năng lực của các công ty xếp hạng tín nhiệm đã được cấp phép hiện nay có theo kịp yêu cầu của thị trường, và làm thế nào để đảm bảo công ty xếp hạng đánh giá công bằng và độc lập?

- Thật sự Việt Nam chưa có một quá trình xếp hạng tín nhiệm lâu đời. Các công ty xếp hạng còn mới mẻ, nếu bây giờ yêu cầu xếp hạng tín nhiệm toàn bộ các DN phát hành, rất nhiều công ty có thể bị quá tải và có thể sẽ cạnh tranh nhau về giá, làm giảm chất lượng xếp hạng.

Nhưng muốn nâng cấp xếp hạng tín nhiệm phải cho họ cơ hội xếp hạng. Quy mô thị trường TP Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu Chính phủ đề ra là đến năm 2025 dư nợ thị trường TPDN tối thiểu đạt 20% GDP, đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP, cũng như còn thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực.

Muốn vậy, NĐ65 cũng chưa đủ, mà cần có những quy định chặt chẽ hơn về phát hành TP để bảo đảm quyền lợi cho NĐT.

Với các “cú sốc” lớn vừa qua, để phục hồi trở lại có thể cần thời gian khoảng 3 năm. Hiện thị trường chỉ còn các DN mua lẫn nhau, ngân hàng mua của DN vì DN có thể cũng là khách hàng nên họ nắm được tình hình tài chính.

Còn NĐT cá nhân vẫn chưa dám nhảy vào thị trường TP riêng lẻ lúc này, trong khi thị trường TP riêng lẻ chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường TP Việt Nam. Việc phân tích dòng tiền, đường đi của dòng tiền, chỉ số nào để phân tích dòng tiền trên dư nợ… rất phức tạp, khó khăn, không nắm rõ có thể dẫn đến quyết định đầu tư không chính xác, thiệt hại cho NĐT. Xếp hạng tín nhiệm DN phát hành sẽ hỗ trợ giải quyết những vấn đề đó.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, Mỹ đã ban hành Đạo luật cải cách và bảo vệ người tiêu dùng của Phố Wall Dodd - Frank (Đạo luật Dodd - Frank), để chấn chỉnh tại thị trường tài chính, trong đó có việc chấn chỉnh lại các công ty xếp hạng tín nhiệm của Mỹ.

Cụ thể, họ đã thành lập một ủy ban để thanh tra các công ty xếp hạng tín nhiệm, xem các DN xếp hạng có đúng chuẩn mực hay không, làm việc có bài bản hay không, có xung đột về quyền lợi hay không.

Hiện Việt Nam chỉ có Bộ Tài chính có bộ phận thanh tra các công ty xếp hạng tín nhiệm. Theo tôi, nên thành lập một uỷ ban để giám sát các công ty xếp hạng tín nhiệm như ở Mỹ và đưa các công ty xếp hạng đi vào một quy củ, quy trình làm việc theo chuẩn mực quốc tế, từ đó tăng cường niềm tin cho NĐT.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác