Điểm sáng nông lâm, thủy sản và thị trường tài chính
Khu vực sản xuất nông, lâm, thủy sản có năng suất và sản lượng khả quan so với trước đại dịch Covid-19. Năm 2021 thời tiết thuận lợi cho trồng trọt, và chăn nuôi không bị dịch cúm gia cầm, tả lợn châu Phi… và sản lượng khai thác thủy sản theo quý hay toàn năm đều tích cực so với trước đại dịch.
Với thị trường tài chính, tăng trưởng TTCK là điểm nhấn trong toàn ngành, VNIndex chạm mốc 1.500 điểm đi cùng với quy mô số lượng nhà đầu tư tham gia đạt 4.08 triệu tài khoản, giá trị giao dịch bình quân tăng mạnh đạt trung bình 26,5 ngàn tỷ đồng/phiên, vốn hoá thị trường đạt 7,7 triệu tỷ đồng. Thị trường trái phiếu, cổ phiếu, phái sinh đều tăng trưởng mạnh số lượng niêm yết, khối lượng và giá trị giao dịch.
Công nghiệp trọng điểm sụt giảm
Khu vực sản xuất công nghiệp mang gam màu tối hơn, bởi nếu tách 2 năm liên quan đến Covid-19, trừ khai thác than cứng và than non, tốc độ tăng giảm của chỉ số khối lượng sản phẩm công nghiệp (IIP) của ngành công nghiệp trọng điểm trong năm 2021 đều sụt giảm so với trước đại dịch.
Nếu đánh giá cận cảnh hơn, tăng trưởng nỗi trội là ngành sản xuất kim loại đạt 22,1%, giảm mạnh nhất là ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu âm 16,9%, trong đó khai thác dầu thô, khí đốt tự nhiên liên tục tăng trưởng âm trong 5 năm trở lại đây, và năm 2021 có mức âm mạnh nhất -13,2%.
2022 thất nghiệp khó giảm, DN giải thế tăng
Nhìn vào tình hình DN năm 2021 so với năm 2020 chỉ số nào cũng giảm. Cả nước có số DN đăng ký thành lập mới giảm 13,4%; về vốn và số lao động đăng ký đều giảm lần lượt 27,9% và 18,1%. Mỗi tháng bình quân có 10.000 DN rút lui khỏi thị trường. So với năm trước, con số DN đang hoàn tất thủ tục giải thể tăng tới 27,8%.
Qua các đợt giãn cách xã hội, ngành ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas bị thiệt hại nặng nề, khi tốc độ giải thế tăng tới 61,3%, và tốc độ thành lập mới giảm 79,2%. Kinh doanh bất động sản là ngành có tăng trưởng sáng hơn. Các ngành còn lại sáng tối đan xen.
Năm 2021 tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cao hơn năm trước, người có việc làm thu nhập cũng lương thấp hơn. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp 3,22%, thành phần lao động thất nghiệp cao nhất là thanh niên 15-24 tuổi khu vực thành thị chiếm 11,91%. Kết hợp với tình hình DN giải thể tăng nhanh tình hình tăng trưởng việc làm của khó sáng sủa trong năm 2022, dự kiến làm chậm sự phục hồi của tăng trưởng sản lượng.
IMF dự báo dự báo việc làm ở thị trường mới nổi và quốc gia đang phát triển năm 2022 so với trước 2019 chỉ phục hồi chưa đến 70%. Điều này dẫn đến sự dịch chuyển cấu trúc, bất cân bằng xã hội, đà phục hồi kinh tế bị kéo trễ, sẽ tác động tiêu cực lên cầu hàng hóa nước ngoài, ảnh hưởng lên cung hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Cả cung và cầu chưa thể giải quyết trong năm 2022
Vết thương này của nền kinh tế thoạt đầu dễ quy chụp là do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh suy giảm, có 49,3% do khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước kém. Yếu tố thứ 2 (chiếm 47,6%) kéo giảm tăng trưởng của ngành là do nhu cầu thị trường trong nước thấp. Điều này có thể giải quyết khi áp dụng Nghị quyết 128 đối phó với dịch bệnh thay cho các hoạt động giãn cách.
Tuy nhiên, những tháng cuối quý IV-2021 sau khi mở giãn cách, có một lực cầu hàng hóa bị nén do suốt nhiều tháng không thể mua bán, tiếp cận với chương trình giảm giá phổ biến những đợt giáng sinh, tết dương lịch… lại càng bùng nổ. Lượng cầu nén này khả năng sau khi được phủ xong, lực cầu sẽ giảm mạnh do tâm lý thận trọng sau trận dịch nhiều biến động. Tâm lý tiết kiệm của hộ gia đình khả năng gia tăng sau nhiều ngày giãn cách, chờ đợi cứu trợ nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu.
TPHCM năm 2021 lần đầu tiên đứng chót bảng những địa phương có tốc độ giảm IIP mạnh nhất, với mức giảm -14,3%. Ninh Thuận, Đắc Lắc và Gia Lai là 3 địa phương dẫn đầu cả nước, có tốc độ IIP cao hơn 20%. Nhiều tháng chựng lại khỏi hoạt động kinh tế, làn sóng người di cư khỏi đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, chưa xét đến khả năng có quay lại thành thị để mưu sinh hay không, nhưng trong tâm trí người dân, tiết kiệm có thể có xu hướng tăng. Tiết kiệm càng tăng cầu hàng hóa càng giảm, trong khi nền kinh tế đang chờ đợi lực cầu hàng hóa nội địa thúc đẩy tăng trưởng.
Mỗi khi áp dụng giãn cách nội địa hay quốc tế, lực cầu nội địa luôn được kỳ vọng là bệ đỡ quan trọng cho tổng cầu của nền kinh tế. Thực tiễn cũng đúng như vậy, bởi ở khu vực xuất khẩu hàng hoá, chỉ 34% DN có số đơn đặt hàng xuất khẩu tăng trong quý IV-2021, 37,2% DN dự kiến tăng đơn xuất khẩu mới trong quý I-2022. Khu vực dịch vụ lữ hành giảm sâu đậm đạt mức tăng trưởng -59,9% trong năm 2021, toàn ngành dịch vụ chỉ bán lẻ có mức tăng trưởng dương, nhưng cũng èo ọt ở mức tăng 0,2%.
Về cán cân thương mại, dù kết quả toàn năm đạt suất siêu 4 tỷ USD hàng hoá, nhưng mức tăng của nhập khẩu (26,5%) cao hơn mức tăng xuất khẩu (19%). Đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu là sắt thép, máy móc thiết bị, dụng cụ khác. Về cơ cấu xuất khẩu, 89,1% từ công nghiệp chế biến, những ngành nông, lâm, thuỷ sản dù có cải thiện năng suất, sản lượng, nhưng đóng góp không bao nhiêu vào cơ cấu hàng xuất. Nhập khẩu tăng khá mạnh, nhưng 93,5% trong đó là tư liệu sản xuất, chỉ 6,5% hàng nhập để phục vụ tiêu dùng.
Biện pháp hỗ trợ tăng trưởng 2022 yếu hơn 2021
Vốn đầu tư toàn xã hội: giảm ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Với sự mở rộng của chính sách tài khoá, đầu tư toàn xã hội tăng 3,2% nhờ sự hỗ trợ của đầu tư khu vực nhà nước đóng góp tới 14,3%, còn đầu tư FDI vẫn tiếp diễn ở mức âm từ năm 2020 tới nay. Nhưng năm 2022, hỗ trợ tài khoá có thể sẽ co hẹp hơn.
Chi tiêu tài khoá dự kiến giảm: dù tại thu chi NSNN 2021 đạt thặng dư là do bội thu hơn 180.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì bối cảnh dư trần nợ cao, sự dai dẳng của đại dịch, chi tiêu tài khoá giờ đây phải thắt chặt, tăng trưởng của tổng cầu hàng hoá chỉ còn dựa được vào tích luỹ tài sản của hộ gia đình trong thời gian đại dịch vừa qua.
Kỳ vọng lạm phát tăng thúc đẩy chính sách tiền tệ thắt chặt: năm 2021 CPI tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây, chỉ tăng 1,89%. Đặc biệt tháng 12-2021 CPI giảm 0,18% nhờ vào sự giảm giá của nhóm giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm giáo dục, và bưu chính viễn thông.
Đối với kỳ vọng lạm phát, có sự biến động khá rõ ở bình quân năm 2021 và 2022. Kết quả khảo sát được thực hiện bởi NHNN có kết quả (bảng dưới), cho thấy cuối năm 2021 kỳ vọng lạm phát giảm mạnh về 1,89%. Tuy vậy, nhìn về năm 2022 vẫn đậm màu bi quan về lạm phát, kỳ vọng lạm phát trong khảo sát đều phản ánh ở mức cao hơn 3%, cao hơn nhiều so với kỳ vọng năm 2021. Một minh chứng khá rõ cho nỗi lo sợ lạm phát mất kiểm soát trong thời gian vừa qua, là việc giá vàng biến động ngược chiều với giá vàng thế giới trong năm 2021 tăng tới 8,67%, chênh lệch so với quốc tế có lúc trên 11 triệu đồng/lượng.
Kỳ vọng lạm phát tổng hợp từ các báo cáo của cuộc khảo sát được thực hiện bởi NHNN.
Cần lưu ý, kỳ vọng lạm phát cao chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự tan rã trong tính kết dính của giá cả và truyền dẫn lạm phát diễn ra nhanh chóng. Từ đó lạm phát thay vì diễn ra trong dài hạn, có thể đến sớm hơn dự kiến. Nếu tăng trưởng cung tiền vừa qua để kích thích cầu hàng hoá tư liệu sản xuất và đầu tư, hay kích thích cầu hàng hoá nói chung tăng, sẽ không có nhiều thời gian để phát huy.
Bởi giá cả tăng nhanh vì phía cung chuyển chi phí vào giá bán cho người tiêu dùng, cầu tiền ở dạng thanh khoản sẽ tăng nhanh, từ đó sớm kéo tăng lãi suất ngắn hạn. Nghĩa là kỳ vọng lạm phát cao trong năm 2022 sẽ gây tiêu cực lên tác dụng hỗ trợ tổng cầu của chính sách tiền tệ mở rộng trong thời gian vừa qua. Và nếu NHNN duy trì mở rộng chính sách tiền tệ sẽ làm kỳ vọng lạm phát ngày càng tiêu cực, sự hỗ trợ từ cung tiền tăng không còn nhiều dư địa.
2022 cần tư duy mới phục hồi kinh tế
Xoay trục xuất khẩu sang các thị trường có tăng trưởng tích luỹ tài sản dựa vào các FTA: Nói về gia tăng tích luỹ tài sản này, Canada và Anh có tỷ lệ tích luỹ tốt nhất, còn nói đến trữ lượng này mà của quốc gia có ảnh hưởng đến cầu hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đó là Hàn Quốc Nhật Bản và châu Âu. Một điều đáng lưu ý, dự báo tăng trưởng kinh tế cho thấy khoảng cách giữa tăng trưởng GDP của Trung Quốc và châu Âu sẽ được khép lại đáng kể trong năm 2022. Khoảng cách này chỉ còn 1,2% so với 5,1% trong suốt 5 năm qua.
Như vậy, bối cảnh kinh tế toàn cầu trong năm 2022 phục hồi tổng cầu hàng hoá không diễn ra đồng đều, chỉ cục bộ ở một số thị trường có tích luỹ tài sản gia tăng trong đại dịch. Đứng trên góc độ cán cân thương mại, trước dự báo tiêu cực về Trung Quốc và Mỹ, 2 thị trường lớn nhất trong giá trị xuất khẩu của Việt Nam, trục xoay kinh tế cần hướng đến những thị trường có tín hiệu tích cực như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Anh thông qua cácFTA đã và sắp ký kết.
Kiểm soát kỳ vọng lạm phát: Chính sách cần nỗ lực để kiểm soát lạm phát cũng như truyền thông về điều này cho thị trường để bình ổn kỳ vọng lạm phát. Ổn định thị trường tài chính, hạn chế dòng tiền né tránh lạm phát mà đổ thị trường vàng làm tiền lưu thông bị rút ra khỏi chu trình kinh tế.
Thúc đẩy co giãn của cầu theo giá: Xây dựng những chương trình kinh tế ngắn hạn để thúc đẩy tổng cầu gia tăng nhờ chủ động giảm giá bán ở phía cung. Chương trình ngắn hạn khó gây dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế, nhưng sẽ hỗ trợ phục hồi cầu tăng do giá giảm, và đồng thời phục hồi việc làm cho thị trường.
Bảo vệ lớp đệm vốn cho hệ thống ngân hàng: Biện pháp hỗ trợ tín dụng cần đúng đối tượng, khu vực kinh tế không chịu ảnh hưởng đại dịch như nông lâm thuỷ sản và ngành tài chính, bán lẻ nên ưu tiên những gói hỗ trợ cho khu vực chịu ảnh hưởng như đã liệt kê trên. Từ đó bảo vệ đệm tài khoá cho hệ thống ngân hàng, vì việc duy trì khả năng giải ngân tín dụng là then chốt để vượt qua khủng hoảng đối với chính sách vĩ mô thận trọng.
Khi kiểm soát được kỳ vọng lạm phát, tăng trưởng việc làm sẽ hỗ trợ giảm xu hướng lo sợ và tiết kiệm trong hộ gia đình. Từ đó, thúc đẩy tổng cầu nội địa tự nhiên. Lớp đệm vốn tốt, nợ xấu kiểm soát là cần thiết để không rơi vào khủng hoảng. Cầu tăng do giá giảm cần có sự chủ động của phía cung, do đó cần sự đồng bộ nhờ tổ chức của bộ ngành. Cầu hàng hoá xuất khẩu ở thị trường trọng điểm dự kiến suy giảm, do đó trục xoay kinh tế thông qua các FTA cần linh hoạt nắm bắt cơ hội. Cần tư duy và cách tiếp cận mới để việc phục hồi kinh tế 2022 không phải là lạc quan tếu.