Nhiều thủ đoạn gian lận tiền hoàn thuế GTGT
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong 9 tháng của năm 2022, cơ quan thuế cả nước giải quyết hoàn thuế đối với 2.998 quyết định hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn.
“Số thuế không đủ điều kiện hoàn của kiểm tra hồ sơ là 1.870 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,7% tổng số thuế đề nghị hoàn”, Tổng cục Thuế nêu rõ.
Cũng trong năm 2021, toàn ngành Thuế thực hiện được 5.240 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 811 tỷ đồng. Trong 9 tháng của năm 2022, ngành Thuế đã thực hiện được 4.646 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 414,39 tỷ đồng (trong đó: số thuế truy hoàn là 321,92 tỷ đồng, phạt là 92,47 tỷ đồng).
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua vẫn còn một số bộ phận không nhỏ tổ chức, và cá nhân đã thực hiện các hành vi vi phạm về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế của ngân sách Nhà nước (NSNN).
Về thủ đoạn, hành vi của các đối tượng gian lận hoàn thuế chủ yếu xảy ra tại khâu trung gian (F1, F2) mua bán hàng hóa. Các DN trong khâu trung gian sau khi xuất hóa đơn cho DN F1 thì tạm dừng kinh doanh hoặc bỏ trốn, việc kê khai doanh thu và thuế giữa các DN trung gian không khớp đúng, DN bán (F2) kê khai doanh thu nhỏ nhưng DN mua (F1) kê khai khấu trừ lớn.
“Việc thanh toán qua ngân hàng được Cục Thuế xác minh thì thanh toán tiền đều được thực hiện qua ngân hàng, tuy nhiên, việc thanh toán tiền hàng và rút tiền từ ngân hàng đều diễn ra trong cùng 1 ngày và cùng tên một người rút tiền”, đại diện Tổng cục Thuế thông tin.
Bên cạnh đó, DN hoàn thuế GTGT sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (mua của các DN không có hoạt động sản xuất kinh doanh) hoặc sử dụng hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh, thay đổi trạng thái hoạt động liên tục tại nhiều địa phương khác nhau để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT.
“DN hoàn thuế lập chứng từ, hồ sơ xin hoàn thuế nhưng không có hàng hóa mua vào, không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển, mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào hoặc sử dụng hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh (từ 1/7/2022 trở về trước)”, đại diện Tổng cục Thuế thông tin thêm.
Nêu rõ rủi ro và vi phạm đối với các nhóm ngành hàng, lĩnh vực hàng xuất khẩu cụ thể, Tổng cục Thuế, cho biết, có nhiều dấu hiệu vi phạm tinh vi hơn. Cụ thể, các doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu là linh kiện điện tử nâng khống giá trị lô hàng xuất khẩu, khi nhập khẩu các doanh nghiệp nhập khẩu khai báo giá trị nhập khẩu rất thấp, nhưng khi doanh nghiệp khác xuất khẩu thì khai báo giá trị rất cao so với giá nhập khẩu và chênh lệch nhau trên 50 lần, nguồn gốc hàng hóa thì không rõ ràng...
Còn đối với các DN kinh doanh mặt hàng nông sản, thu mua nguyên liệu tại các cơ sở kinh doanh trong nước rồi xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới sang Trung Quốc, Lào, Campuchia... khi cơ quan Thuế Việt Nam thực hiện xác minh hóa đơn với cơ quan thuế nước ngoài theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để thu thập thông tin củng cố hồ sơ hoàn thuế, thì cơ quan Thuế nước ngoài trả lời không có thông tin người nộp thuế, không liên lạc được và không tìm thấy địa chỉ trụ sở của các cá nhân và DN mua hàng nhập khẩu cần xác minh phía bên nước ngoài...
Tăng cường chống gian lận hoàn thuế
Ông Vũ Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Thanh tra Kiểm tra, Tổng cục Thuế nhấn mạnh: “Việc phát hiện, tổng hợp và đánh giá những hành vi vi phạm để đưa ra các dấu hiệu vi phạm về hoàn thuế là một bước quan trọng trong công tác quản lý hoàn thuế nhằm tăng cường công tác quản lý chống gian lận hoàn thuế, chống thất thoát ngân sách đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước”.
Đề cập đến những giải pháp trọng tâm, đồng bộ trong đấu tranh chống rủi ro về thuế, ông Vũ Mạnh Cường cho biết, thời gian tới, Tổng cục Thuế xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chống gian lận hoàn thuế. Trên cơ sở đó, đề ra một số giải pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt nhằm phát hiện các trường hợp DN có dấu hiệu rủi ro và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý thu hồi hoàn thuế.
Cụ thể, xây dựng và triển khai toàn ngành áp dụng Bộ tiêu chí và chỉ số phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT, lựa chọn DN có dấu hiệu rủi ro để lựa chọn, xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế GTGT. Hoàn thiện hệ thống ứng dụng hỗ trợ xác minh hóa đơn tại cơ quan Thuế (cho phép cơ quan Thuế thực hiện gửi và trả lời Phiếu yêu cầu xác minh hóa đơn trong toàn ngành); đẩy nhanh thời gian xác minh và tập trung thông tin làm cơ sở xác minh nguồn gốc hàng hóa; hoàn thiện cơ chế chính sách về hoàn thuế;…
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai việc sử dụng hóa đơn điện tử; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT và giám sát chặt chẽ công tác quản lý hoàn thuế đặc biệt là đối với một số nhóm mặt hàng có rủi ro cao, qua đó, thu thập thông tin và tổng hợp nắm bắt tình hình các đơn vị có dấu hiệu vi phạm về hoàn thuế GTGT để chỉ đạo toàn ngành, kịp thời chấn chỉnh trong công tác quản lý hoàn thuế nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế GTGT.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế các cấp với các cơ quan ban ngành trong công tác chống thất thu, gian lận về hoàn thuế GTGT.
“Trọng tâm của công tác phối hợp là hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan thuế với cơ quan Ngân hàng, cơ quan Hải quan, cơ quan Công an, Chính quyền địa phương, cơ quan Thuế nước bạn... để thực hiện các biện pháp kiểm tra xác minh các giao dịch phát sinh trên hồ sơ hoàn thuế”, ông Nguyễn Mạnh Cường cho hay.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ quan Hải quan trong việc trao đổi thông tin, dữ liệu về thuế, hải quan và tiếp tục tăng cường phối hợp với Cơ quan Ngân hàng để xác minh việc thanh toán qua ngân hàng và phối hợp với Cơ quan Công an để thực hiện xác minh các giao dịch kinh tế phát sinh, phát hiện các hành vi gian lận hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế.