PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trước sự trồi sụt của thị trường có vẻ như ông đang lo ngại về niềm tin của người dân, doanh nghiệp, NĐT hiện nay?
Ông NGUYỄN DUY HƯNG: - Lợi ích nhóm, dự án đắp chiếu khiến cho nguồn lực đổ vào sông, vào biển nhiều quá, và chỉ cần ngăn chặn việc này, tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều. Nếu làm được niềm tin của người dân, doanh nghiệp sẽ tăng, giới chủ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư.
Khi người ta mở rộng sản xuất, làm ăn bài bản sẽ tạo niềm tin cho NĐT, khi đó TTCK sẽ phục hồi. Hiện các doanh nghiệp thi nhau tăng vốn, điều đó có nghĩa giới chủ có niềm tin, và khi việc tăng vốn đầu tư mọi thứ sẽ phát triển.
Tăng trưởng của Việt Nam hiện nay, theo tôi đang có sự thay đổi đáng khích lệ. Cách đây 3-4 năm, khi ngồi nói chuyện đầu tư vào nông nghiệp, nhiều người cười bảo dại, làm sao bằng xin một dự án và bán.
Nhưng rõ ràng hiện nay đã khác. Năm 2017, nông nghiệp tăng trưởng khoảng 3% và sắp vào danh mục 10 tỷ USD. Tăng trưởng 1-2% hay 3% của nông nghiệp số người được hưởng lợi là rất đông, an sinh xã hội tốt hơn, không như tăng trưởng bất động sản rất ít người được hưởng.
- Nhưng có ý kiến cho rằng niềm tin của NĐT với TTCK khi đổ tiền vào liệu có “quá đà” không?
- Tôi nghĩ những hành động theo phong trào đều tiềm ẩn rủi ro. Nếu một NĐT cầm tiền đi đấu giá cổ phần A hay B chỉ vì người khác bảo nên tham gia thì sẽ có rủi ro. Với mỗi NĐT phải có tiêu chí riêng và mục tiêu của mình là gì. Đầu tư chứng khoán quan trọng nhất là doanh nghiệp tăng trưởng giá mới tăng, bởi có mấy ai mua cổ phiếu để chờ chia cổ tức. NĐT trong nước đổ vốn vào TTCK không nhiều bằng NĐT nước ngoài.
Với NĐT nước ngoài thì không có chuyện nóng hay không, vì họ đầu tư đều có tiêu chí, mục tiêu. Dòng vốn ngoại đang đổ vào TTCK Việt Nam từ đầu năm đến nay rất nhiều, nếu nói nóng mà không có cơ sở thì không đúng.
- Ông nghĩ sao khi chu kỳ tăng trưởng kinh tế cứ khoảng 10 năm chúng ta lại gặp khó khăn. Tương tự như vậy khi TTCK 10 năm lại bùng phát liệu có quá nóng?
- Tuy hội nhập nhưng đồng tiền chưa tự do chuyển đổi, những tác động từ bên ngoài sẽ có độ trễ, hay nói cách khác nền kinh tế ít bị ảnh hưởng. Nếu có bị ảnh hưởng chỉ là hoạt động xuất khẩu. Tất nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu của Samsung rất lớn thì mức độ ảnh hưởng cũng tăng. Còn sự lo ngại về chu kỳ 10 năm của nền kinh tế là có, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều động lực, dư địa để tăng trưởng.
Chẳng hạn, chúng ta có thể nói về con số thống kê của Việt Nam chưa phản ánh đúng thực tế hiện nay; khu vực kinh tế phi chính thức chưa thống kê được trong khi tài sản của các hộ gia đình lại hình thành từ phi chính thức. Thí dụ lương một người công chức không thể mua được nhà nhưng họ vẫn có nhà, vì có thể trước kia họ buôn bán đất. Và đó là những khoản không thống kê được, nếu làm được thực sự GDP của Việt Nam lớn hơn vì những thu nhập đó thực sự lớn.
Năm 2018 là năm tốt nhất của nền kinh tế và TTCK trong 17 năm tồn tại và phát triển. Mọi người đừng quên rằng, TTCK sinh ra để huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. VN Index chỉ là một trong những yếu tố ít quan trọng nhất trong các yếu tố quan trọng, cần phấn đấu như: quy mô thị trường, huy động vốn, thanh khoản, tính minh bạch…
Chỉ số chỉ là hệ quả mà khi chúng ta muốn đề cập thị trường tốt hay không thì phải đề cập đến nguyên nhân. Do vậy, đến lúc này phải nâng hạng TTCK. Và để làm điều đó cần phải liệt kê những tiêu chí còn thiếu để phấn đấu.
Chính phủ nói đi đôi với làm. Điển hình như đẩy mạnh cổ phần hóa, bán mạnh vốn nhà nước như tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát mà trước kia chúng ta không làm được, cũng tạo cho người dân, doanh nghiệp, NĐT có niềm tin. Niềm tin chỉ hình thành khi những người có chức, có quyền gắn nói đúng với làm đúng. NĐT nước ngoài có tiếp tục đổ tiền vào Việt Nam hay không, câu trả lời vẫn là niềm tin. Niềm tin là thứ không dễ gì mua được. |