Rau quả: kỳ vọng 4 tỷ USD
Khép lại năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 3,34 tỷ USD, giảm 6,6% so với 2021. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc chỉ đạt 1,53 tỷ USD, giảm 22% so với năm trước. Thực tế, năm 2022 ngành rau quả vừa đón nhiều tin vui lại vừa nhận nhiều thách thức.
Về tin vui, năm 2022 rau quả Việt Nam đã khai phá được nhiều thị trường khó tính. Tiêu biểu như Mỹ, tính đến tháng 11 bưởi trở thành loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này. Trước đó Việt Nam đã có 6 loại trái cây là xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa có mặt ở xứ cờ hoa.
Năm 2022 cũng ghi dấu sự kiện trái bưởi và chanh Việt Nam được nhập khẩu vào New Zealand (trước đó đã có xoài, thanh long và chôm chôm). Thị trường khó tính khác là Nhật Bản cũng đã nhập nhãn tươi của Việt Nam (sau thanh long, xoài và vải).
Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh sau khi 2 nước ký kết nghị định thư. |
Với riêng thị trường Trung Quốc, năm 2022 đón nhiều tin vui đặc biệt trong nửa cuối năm, khi 2 bên đã ký nghị định thư về việc xuất khẩu nhiều mặt hàng trái cây như sầu riêng, chuối và chanh leo. Trong đó, sầu riêng đã có mức tăng trưởng mạnh ngay sau khi những chuyến hàng đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hồi tháng 9.
Cụ thể, trong tháng 10 giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD, tăng hơn 4.000% so với cùng kỳ 2021. Tháng 10 cũng là tháng đầu tiên trong 2022 xuất khẩu rau quả ghi nhận tăng trưởng dương.
Nhiều thông tin tích cực nhưng vì sao 2022 rau quả lại tăng trưởng -6,6%. Theo lý giải của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, những tháng đầu năm do chính sách zero Covid của Trung Quốc đã khiến xuất khẩu sang thị trường này giảm trung bình 35%/tháng so với cùng kỳ, kéo theo toàn ngành giảm khoảng 12-13%/tháng.
Trong những tháng cuối năm nhờ sự bứt tốc của sầu riêng, thanh long, chuối, xuất khẩu sang Trung Quốc đổi chiều tăng mạnh, trong đó chỉ riêng tháng 10 đã tăng 44% so với cùng kỳ. Việc mở cửa được nhiều thị trường khó tính là đáng mừng, nhưng do kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này còn ít nên chưa tác động rõ nét đến thương mại toàn ngành.
Bước qua 2023, ngành rau quả có nhiều kỳ vọng để cán mốc 4 tỷ USD kim ngạch. Thứ nhất, việc thị trường Trung Quốc chính thức mở cửa từ 8-1 đang mang đến làn gió mát cho ngành rau quả; đặc biệt trong thời điểm Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ tết nên nhu cầu tiêu thụ cũng nhiều hơn, giá bán đang rất tốt.
Năm nay nhiều mặt hàng chính ngạch khác cũng được kỳ vọng sẽ có nghị định thư để chuẩn hóa hơn trong xuất khẩu. Với các thị trường khác, 2023 sẽ được xem là thời điểm vàng để tăng tốc xuất khẩu, nhất là những mặt hàng thực phẩm thiết yếu.
Thủy sản: vui kỷ lục, lo năm mới
Trong những tháng cuối năm 2022 thủy sản đón nhận tin vui: cán mốc xuất khẩu 10 tỷ USD khi mới hết tháng 11. Và cả năm toàn ngành mang về 11 tỷ USD tăng gần 24% so với 2021, mức cao nhất trong lịch sử xuất khẩu của ngành.
Trong đó, mặt hàng tôm ghi nhận mức kỷ lục trên 4,3 tỷ USD, cá tra hơn 2,4 tỷ USD, cá ngừ cán mốc 1 tỷ USD lần đầu tiên trong 20 năm xuất khẩu, các sản phẩm khác đóng góp doanh số hơn 2 tỷ USD. Về thị trường xuất khẩu, điểm nhấn trong 2022 là thị trường Trung Quốc - Hồng Kông.
Chỉ tính riêng tháng 12, trong khi các thị trường đều giảm, xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông vẫn tăng 17%. Tính chung cả năm, xuất khẩu thủy sản qua thị trường này mang về 1,8 tỷ USD, tăng 59% so với 2021.
Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2023 chỉ đạt 10 tỷ USD. |
Dù kết quả của năm 2022 rất tích cực, nhưng bước qua năm 2023 ngành thủy sản chỉ đặt mục tiêu 10 tỷ USD? Nhìn lại quý IV-2022, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đã bắt đầu giảm dần. Theo đó, tháng 10 chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, thậm chí tháng 11 rơi xuống mức âm (giảm 14% so với cùng kỳ), và tháng 12 giảm 13%.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đưa ra dự báo quý I-2023 kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát đang khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các thị trường giảm mạnh. Thị trường có thể phục hồi từ giữa năm nên dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ ở mức 10 tỷ USD.
Trong bối cảnh còn nhiều lo lắng cho sức tiêu thụ của những tháng đầu năm 2023, thông tin Trung Quốc mở cửa thị trường lại mang đến những tín hiệu tích cực. Theo đánh giá của VnDirect, Trung Quốc đang là thị trường trụ cột cho xuất khẩu cá tra Việt Nam, khi thị trường này mở cửa sẽ hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) cá tra nói riêng và thủy sản nói chung.
Trước đó, chia sẻ cùng ĐTTC, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, cũng cho rằng việc Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 8-1 có thể xem là sự tháo gỡ rào cản tâm lý cho DN chế biến xuất khẩu thủy sản. Không chỉ kiểm soát hàng hóa dễ hơn, khi thị trường tỷ dân này mở cửa, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong đó có thủy hải sản sẽ tăng lên.
Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho DN Việt càng rõ nét hơn. Đặc biệt, cá tra có nhiều cơ hội khi người tiêu dùng Trung Quốc khá ưa chuộng mặt hàng này.
Điều: sau nốt trầm là thận trọng
Năm 2022 được xem là nốt trầm khi chấm dứt chuỗi 10 năm tăng trưởng xuất khẩu của ngành điều (2011-2021). Đầu năm ngành điều đưa ra kế hoạch xuất khẩu 3,8 tỷ USD. Nhưng qua nửa đầu năm, trước nhiều biến động thị trường, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, ngành điều đã điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu giảm 600 triệu USD còn 3,2 tỷ USD.
Chưa hết, Trung Quốc một trong những thị trường lớn của hạt điều Việt Nam áp dụng chính sách zero Covid. Kết quả, cả năm 2022 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 3,07 tỷ USD.
Năm 2023 ngành điều đặt mục tiêu rất thận trọng với kim ngạch 3,1 tỷ USD. |
Tại hội nghị tổng kết ngành điều mới đây, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, đã chia sẻ về việc ngành điều không đạt kim ngạch đề ra dù đã giảm so với đầu năm.
Theo đó, trong năm 2022 các nhà nhập khẩu và chế biến có xu hướng chậm mua hàng nguyên liệu. Nguyên nhân do sự không tương quan giữa giá điều thô nhập khẩu và giá nhân xuất khẩu. Giá điều thô vẫn ở mức rất cao so với giá nhân bán ra. Giá thành chế biến xuất khẩu cao trong khi giá bán nhân xuất khẩu thấp, khiến các nhà máy chế biến xuất khẩu khó cân đối để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, những biến động của thế giới trong năm 2022 cũng tác động tiêu cực đến chi tiêu của người dân và sức mua của thị trường hạt điều.
Từ kết quả không mấy khả quan của năm 2022, năm 2023 ngành điều đặt mục tiêu rất thận trọng với kim ngạch 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 300 triệu USD so với 2022. Theo chia sẻ của nhiều DN, như thông lệ hàng năm thời điểm này DN đã có đơn hàng cho quý I thậm chí quý II, nhưng nay hầu hết nhà nhập khẩu lớn không ký hợp đồng mua nhân điều.
Khó khăn đang chồng khó khăn. Vì vậy, niềm vui khi Trung Quốc mở cửa có thực sự trọn vẹn đối với ngành điều, còn phải chờ tín hiệu phục hồi của thị trường tỷ dân này, trong khi tại đây điều Việt Nam đang phải cạnh tranh khá gay gắt với điều của Myanmar. Ngoài ra, như tình hình giá nhập khẩu điều thô vẫn cao hơn giá nhân bán ra, cũng chưa hẳn là tín hiệu tích cực.
Dệt may: hy vọng khởi sắc từ quý II
Cũng như nhiều ngành hàng xuất khẩu khác sau thời gian dài chậm trễ giao hàng do ảnh hưởng của Covid-19, những tháng đầu năm 2022 xuất khẩu dệt may ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Toàn ngành trong không khí phấn khởi khi đơn hàng làm không xuể. Thế nhưng niềm vui chỉ kéo dài mấy tháng, từ tháng 6 đơn hàng có dấu hiệu giảm do lạm phát tại nhiều quốc gia, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, cắt giảm những mặt hàng không thiết yếu như quần áo, giày dép...
Những ảnh hưởng này rõ nét hơn kể từ cuối tháng 9, và tháng 10 đánh dấu sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu đầu tiên trong năm. Tuy vậy, nhờ đà tăng của những tháng đầu năm nên cả năm toàn ngành vẫn mang về 44 tỷ USD tăng 8,8% so với cùng kỳ 2021. Bước qua năm 2023 tình hình không mấy khả quan, khi nhiều DN đang trong cảnh đói đơn hàng, công nhân phải chia ca, giảm giờ làm để duy trì việc làm.
Các DN dệt may hy vọng từ quý II-2023 tình hình sẽ khởi sắc hơn. |
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, bày tỏ lo ngại khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tại nhiều thị trường lớn của ngành may như Mỹ, châu Âu chưa có dấu hiệu hồi phục. Các DN chỉ còn biết hy vọng từ quý II tình hình sẽ khởi sắc hơn.
Theo đó, ngành dệt may đưa ra 2 kịch bản xuất khẩu năm 2023. Kịch bản tích cực là ngành may có thể đạt 47-48 tỷ USD, và kịch bản ít tích cực hơn sẽ đạt 45-46 tỷ USD. Như vậy cả 2 kịch bản đều tăng so với 2022.
Dệt may được xem là một trong những ngành sẽ hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa thị trường. VnDirect nhận định Trung Quốc mở cửa xuất khẩu sợi Việt Nam sẽ hưởng lợi. Công ty Chứng khoán Agribank cũng đánh giá Trung Quốc mở cửa giúp tăng sản lượng xuất khẩu xơ sợi và khôi phục lại nguồn cung nguyên phụ liệu.
Theo đó, Trung Quốc mở cửa có thể giúp hoạt động xuất khẩu xơ, sợi tăng trở lại, bởi đây là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này nhiều năm qua. Tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc luôn duy trì ở mức cao trên 50% trước khi sụt giảm trong 11 tháng đầu năm 2022, do Trung Quốc thực hiện chính sách zero Covid.
Về mảng nguyên phụ liệu, Trung Quốc là nguồn cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho DN dệt may Việt Nam. Trong năm qua có những thời điểm DN gặp khó trong việc nhập khẩu nguyên liệu, nên việc mở cửa lại thị trường sẽ giúp DN tiếp cận nguồn cung nguyên phụ liệu dễ hơn, chi phí rẻ hơn.
Xuất khẩu gạo: dồn dập tin vui
2022 có thể xem là năm nhiều tin vui với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đều ghi nhận tăng trưởng cao. Theo đó, xuất khẩu gạo đạt gần 7,2 triệu tấn, mang về kim ngạch 3,49 tỷ USD, mức cao nhất trong mấy năm trở lại đây. Các thị trường lớn của gạo Việt Nam bao gồm Philippines, Trung Quốc và Bờ Biển Ngà.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường liên tục tăng trong năm 2022. Gần đây nhất, ngày 22-12-2022, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 453USD/tấn, tăng 10USD/tấn so với đầu tháng 12; gạo 25% tấm có giá bán 438USD/tấn, tăng 5USD/tấn.
Thậm chí, giá gạo 5% tấm của Việt Nam nhiều thời điểm còn vượt Thái Lan và đứng đầu thế giới. Đơn cử, trong tháng 11-2022, trong khi giá chào bán gạo 5% tấm của Thái Lan 440USD/tấn còn Việt Nam ghi nhận mức 447USD/tấn.
Gạo Việt Nam hướng đến mục tiêu chất lượng và xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị. |
2022 cũng là năm gạo thơm ST24, ST25 của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường Trung Đông, châu Âu với giá hơn 1.000USD/tấn, và các DN như Lộc Trời, Trung An đã xây dựng thành công thương hiệu của mình ở thị trường khó tính châu Âu.
Các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản cũng khá ưa chuộng gạo thơm Việt Nam. Những tín hiệu này cho thấy gạo Việt Nam đang hướng dần vào mục tiêu chất lượng và xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị.
Bước qua năm mới 2023 ngành gạo tiếp tục đón tin vui: hầu hết DN xuất khẩu gạo đã có đơn hết quý I, thậm chí có đơn hàng tới quý II. Sự kiện Trung Quốc, thị trường lớn thứ 2 của gạo Việt Nam chính thức mở cửa từ 8-1, cũng đang mang lại nhiều hy vọng hơn cho xuất khẩu gạo.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 tiếp tục thuận lợi, giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao, nhiều thị trường chính vẫn đang có nhu cầu nhập khẩu lớn…