Chặn sở hữu chéo ngân hàng từ các thành viên HĐQT

(ĐTTCO) - ĐTTC tiếp tục cuộc trò chuyện với TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Anh xung quanh việc ngăn chặn sở hữu chéo (SHC) như thế nào và hành lang pháp lý phải thay đổi ra sao?

Chặn sở hữu chéo ngân hàng từ các thành viên HĐQT

PHÓNG VIÊN: - SHC trong NH ngày càng tinh vi mà ngay cả hệ thống Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) và Luật Doanh nghiệp (DN) cũng không thể ngăn chặn. Quan điểm của TS. về vấn đề này như thế nào?

TS. Hồ Quốc Tuấn: - Thực ra không chỉ Việt Nam, mà ngay cả các nước trước đây cũng xảy ra tình trạng tương tự. Tôi lấy thí dụ một tập đoàn lớn và họ có rất nhiều công ty con chi phối một vài NH, các NH này chỉ chuyên cho những công ty trong cùng một hệ thống của tập đoàn này vay.

Như vậy khi xảy ra vấn đề về tập đoàn này sẽ ảnh hưởng đến an toàn vốn toàn hệ thống tài chính vì liên quan đến nhiều NH.

Ở Việt Nam thời gian gần đây, SHC đã nâng lên tầm cao hơn, tức không chỉ cho vay bên ngoài là hệ thống các DN thân hữu hay những DN sân sau của giới chủ NH, mà còn cho vay người liên quan bên trong NH, tức những DN có liên quan đến những thành viên HĐQT, CEO điều hành của NH.

Và những DN này thật ra là trung gian để đẩy dòng vốn cho vay đó vào những công ty liên quan đến giới chủ đích thực của NH, một minh chứng rõ nhất là trái phiếu thời gian qua. Một lô trái phiếu phát hành riêng lẻ lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nhưng chỉ có một vài nhà đầu tư không thuộc các định chế tài chính nắm giữ.

Đó cũng chính là lý do bằng mọi giá cổ đông lớn phải được ngồi trong ghế HĐQT, để dễ dàng chi phối và cấp tín dụng cho các công ty sân sau của mình.

- Như vậy giải bài toán đầu tiên trong SHC là ngăn chặn từ HĐQT?

- Đúng thế, HĐQT phải là tuyến phòng thủ đầu tiên. Đã từ lâu nhiều nước trên thế giới đưa ra quy định trong HĐQT phải có thành viên độc lập. Nhưng với Việt Nam có thật sự độc lập hay không khi thông thường thành viên này được đề cử từ những người thân cận với giới chủ NH. Bởi người ứng cử thành viên độc lập phải có ai đề cử đại hội mới bầu cử, và thường do HĐQT nhiệm kỳ sắp bãi nhiệm sẽ ra nghị quyết đề cử, hoặc nhóm cổ đông lớn đề cử, chứ không thuộc về quyền giới thiệu từ NHNN, bảo hiểm tiền gửi, hay hiệp hội nghề…

Chặn sở hữu chéo ngân hàng từ các thành viên HĐQT ảnh 1

Với những thành viên độc lập này đặt ra 2 vấn đề. Thứ nhất, năng lực của họ có đủ khả năng hiểu biết về quản trị NH để kiểm soát hay không? Bởi nếu không giới chủ NH chỉ cần một chút “bùa phép” về mặt kỹ thuật sẽ không thể nhận ra được.

Thứ 2, nếu thành viên độc lập là những người am hiểu thật sự, thì họ có thật sự lao vào công việc hay không, bởi họ còn rất nhiều việc trong khi quản trị hay giám sát NH cần phải hoạt động liên tục. Minh chứng là nhiều NH hiện nay khi họp đưa ra nghị quyết mới, thành viên này thường xuyên vắng mặt hoặc biểu quyết dưới dạng an toàn trong một số vấn đề nhạy cảm.

Chính vì vậy để thuận cả đôi đường, thường thành viên độc lập này là những người rất thân cận với giới chủ NH nên cũng dễ bị vô hiệu hóa.

Yếu tố lựa chọn thành viên HĐQT độc lập phải thay đổi. Thí dụ ở Đức, họ có thể đưa ra một số thành viên được bầu lên mà không dựa vào tỷ lệ phiếu sở hữu của chủ. Việt Nam cũng nên xem xét chọn lựa giải pháp này.

Để giải quyết câu chuyện này phải nhìn ở nhiều khía cạnh. Chẳng hạn trong quá trình bổ nhiệm phải có tiếng nói của cổ đông nhỏ và phải đủ lớn lượng cổ phần. Nhưng thông thường giới chủ NH chi phối và kiểm soát cuộc họp đại hội cổ đông.

Do vậy, yếu tố lựa chọn thành viên HĐQT độc lập phải thay đổi. Thí dụ ở Đức, họ có thể đưa ra một số thành viên được bầu lên mà không dựa vào tỷ lệ phiếu sở hữu của chủ. Việt Nam cũng nên xem xét chọn lựa giải pháp này.

Tuyến phòng thủ thứ 2 liên quan đến HĐQT chính là vấn đề trừng phạt. Hiện nay rất nhiều nước phương tây đi song song với mô hình HĐQT là mô hình kiểm soát của cổ đông nhỏ, và cho phép cổ đông nhỏ kiện cổ đông lớn. Nếu HĐQT không hoàn thành nhiệm vụ làm cho cổ đông nhỏ bị tổn thất, họ có thể kiện để được đền bù. Họ có khái niệm là kiện tập thể, tức tất cả cổ đông nhỏ cùng đi kiện. Nếu như thắng kiện, tất cả những cổ đông nhỏ đều được đền bù và khoản đền bù này rất lớn.

- Vậy theo TS. điều này có thể áp dụng cho Việt Nam?

- Đúng là ở Việt Nam vấn đề này khá phức tạp và rất khó thực hiện, bởi một cổ đông nhỏ rất khó để kiện một HĐQT hay một công ty, vì đó là mối quan hệ dân sự. Minh chứng là đã bao nhiêu năm nay trên thị trường chứng khoán không có một vụ kiện nào cổ đông nhỏ kiện cổ đông lớn hay kiện thành viên HĐQT. Nói như vậy không phải là bế tắc mà muốn giải quyết phải đặt ra hai vấn đề.

Thứ nhất, NHNN phải có quyền lực, nguồn lực để theo dõi hết tất cả các NH và các công ty con liên quan đến giới chủ nhà băng. Nếu phát hiện chế tài và phạt thật nặng sẽ khiến giới chủ chùn tay khi cho vay sân sau. Và như vậy hệ thống tư pháp về chế tài trong NH phải thông suốt. Ở nước ngoài hiện nay bắt đầu xây dựng hệ thống dữ liệu và hệ thống dùng AI để tìm ra người sở hữu cuối cùng. Qua đó thiết lập hệ thống giám sát hoạt động NH từ thị trường.

Vẫn tổ chức ĐHCĐ, vẫn phát biểu ý kiến khuất tất trong HĐQT, nhưng cổ đông nhỏ thường không có tiếng nói chung để ra nghị quyết.

Vẫn tổ chức ĐHCĐ, vẫn phát biểu ý kiến khuất tất trong HĐQT, nhưng cổ đông nhỏ thường không có tiếng nói chung để ra nghị quyết.

Thứ 2, cơ chế hoạt động của HĐQT của một NH nên vận hành khác biệt với DN. Theo luật DN, HĐQT hoạt động trên cơ sở đối nhân và khi ra các nghị quyết chỉ cần quá bán, nhưng điều này không thể duy trì trong cơ chế của NH. Một NH có 5 thành viên HĐQT, thường có 1 hay 2 thành viên vắng mặt trong các cuộc họp, nên một nghị quyết được đưa ra thuộc về ai chúng ta đều hiểu có sự sắp xếp.

Do vậy, quy chế hoạt động HĐQT của NH càng được thay đổi từ tỷ lệ thành viên dự họp, tỷ lệ tối thiểu để thông qua nghị quyết, đến việc minh bạch lý do không đồng ý của các thành viên đó.

Đã từ lâu nhiều nước trên thế giới đưa ra quy định trong HĐQT phải có thành viên độc lập. Nhưng với Việt Nam có thật sự độc lập hay không khi thông thường thành viên này được đề cử từ những người thân cận với giới chủ NH.

- Nói như vậy cần phải có một mô hình giám sát ngoài NHNN?

- Đúng. Hiện nay có khá nhiều nước trên thế giới tách bạch mô hình an toàn hệ thống tài chính ra khỏi vai trò của hệ thống NH trung ương như của Anh, Mỹ.

Chúng ta thấy vừa qua, Mỹ xử lý rủi ro không phải trực tiếp từ NH dự trữ liên bang Mỹ (Fed), mà là Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đóng vai trò này. Hay như câu chuyện trái phiếu của Anh khi xảy ra vấn đề, mặc dù NH trung ương Anh (BoE) là người thực thi các hoạt động mua trái phiếu, nhưng tổ chức giám sát độc lập là Cơ quan Kiểm soát tài chính Anh (FCA) phải tham gia.

Quay trở lại với mô hình của Việt Nam, nếu muốn thực thi như các nước trước hết phải xây dựng được một hệ thống dữ liệu: công bố của các công ty có liên quan và người có liên quan đến giới chủ nhà băng. Hay quy định về báo cáo công ty, thông báo về sở hữu của người có liên quan. Theo đó, giám sát NH cũng sẽ phải yêu cầu chủ nhà băng cung cấp những thông tin này và phải công khai thông tin ra. Khi đó cơ quan quản lý sẽ dễ dàng nhìn thấy được giới chủ nào đang sở hữu bao nhiêu phần trăm trong nhà băng.

Một thực trạng ở Việt Nam, quy định một cổ đông hay nhóm cổ đông nắm giữ 10% cổ phần liên tục trong 6 tháng mới được ứng cử hay đề cử thành viên HĐQT, vậy nhóm cổ đông này là ai, gồm những công ty nào và cổ phần sở hữu của họ có thực sự nắm giữ sau ngày đại hội hay không, lại không được minh bạch và biết đến.

Và một vai trò không thể thiếu là cơ quan báo chí. Chẳng hạn cơ quan báo chí nghi ngờ khi họ nghe được một câu chuyện về một giới chủ NH đang lợi dụng cho vay sân sau nhưng không có bằng chứng, họ có thể bắt đầu tổ chức dữ liệu phân tích để làm bằng chứng và công bố. Từ đây cả thị trường sẽ được đánh động với những bài phân tích được đưa ra. Cơ quan quản lý sẽ nhờ vào thông tin này để tham khảo và lần dò đầu mối.

- Nhưng đòi hỏi một sự minh bạch với hệ thống NH không hề dễ dàng?

- Về mặt thực tế, đúng là đòi hỏi một sự minh bạch rõ ràng của hệ thống NH rất khó, hơn nữa nhiều thuật ngữ NH cho dù có minh bạch đa số nhà đầu tư cũng không hiểu nổi, thậm chí những người làm phân tích tài chính nhìn vào chưa chắc hiểu. Hơn nữa, bản thân NH là lĩnh vực đặc biệt, là mô hình cung cấp máu cho nền kinh tế, khi siết quá chặt lượng vốn sẽ bị ứ đọng.

Ngay như Trung Quốc, quản lý NH có rất nhiều tầng, thí dụ như đợt vừa rồi việc hạ lãi suất chính sách nhiều lần của NH trung ương Trung Quốc, nhưng các NH cổ phần vẫn không hạ lãi suất cho vay, đặc biệt đối với lĩnh vực đang rất cần vốn là bất động sản càng không có động thái hạ lãi suất cho vay. Bởi lẽ họ không chỉ nhìn vào Ngân hàng trung ương Trung Quốc để hạ lãi suất, mà còn nhìn vào thị trường, con nợ và chủ nợ.

Đối với nền kinh tế của một số nước, có thể đó là điều tối ưu, nhưng đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nên tham khảo mô hình các nước và ở mức độ nào Việt Nam chấp nhận được.

Giả sử NH bị khóa quá chặt, giới chủ sẽ chạy qua quỹ đầu tư, qua chứng khoán, vô tình sẽ tạo ra hệ thống NH ngầm và đây cũng là một rủi ro cực lớn. Thậm chí IMF còn lo ngại đợt khủng hoảng sắp tới không nằm ở hệ thống NH chính thống mà là hệ thống NH ngầm. Vẫn biết NH ngầm không thể huy động trực tiếp tiền gửi của người dân, nên sự sụp đổ của NH ngầm sẽ ít tác động hơn với nền kinh tế.

Do vậy, Việt Nam cũng nên tính đến việc cân bằng 2 điểm này. Chúng ta không thể ép NH đến mức độ mà dòng tiền sẽ chảy vào khu vực NH ngầm quá nhiều, mà phải để một khoảng trống cho 2 bên cân bằng.

NHNN phải có quyền lực, nguồn lực để theo dõi hết tất cả các NH và các công ty con liên quan đến giới chủ nhà băng. Nếu phát hiện chế tài và phạt thật nặng sẽ khiến giới chủ chùn tay khi cho vay sân sau. Và như vậy hệ thống tư pháp về chế tài trong NH phải thông suốt.

Nên nhớ, nền kinh tế Việt Nam khác nền kinh tế của những nước đã phát triển, chúng ta phải chấp nhận một sự linh hoạt cho nền kinh tế, đặc biệt là độ mở nền kinh tế.

Tóm lại, chúng ta phải chấp nhận ở một mức giống như thủy triều lên xuống, đó cũng là quan điểm về kiểm soát độ minh bạch và khống chế độ an toàn của NH. Tức khi thủy triều lên thì kìm hãm, khi thủy triều xuống bắt đầu chạm vào rủi ro, NHNN hoặc cơ quan giám sát lập tức can thiệp. Can thiệp sớm vào thời điểm trước khi bị rơi vào mắc cạn.

Tuy nhiên, NHNN và cơ quan giám sát cùng tham gia. Chính vì vậy, quan điểm của tôi là hệ thống NH Việt Nam không thể kỳ vọng quá ổn định hay quá tốt như hệ thống NH một số nước, nhưng sẽ phải có một điểm để can thiệp khi nhìn thấy rủi ro.

- Như TS. phân tích, quyền lực NHNN lúc khẩn cấp sẽ như thế nào?

- Để ổn định cả hệ thống tài chính cần thêm một vấn đề nữa. Tôi còn nhớ khi nói chuyện với một số chuyên gia về thị trường tài chính toàn cầu và họ đặt câu hỏi: “Việt Nam liệu đã có một báo cáo về ổn định tài chính, ổn định tài khóa hay chưa”?

Theo tôi thì đến nay chưa có. Trong khi hai báo cáo này rất quan trọng, nó giám sát hàng năm tất cả các hoạt động cho Quốc hội, cho các cơ quan quản lý. Báo cáo này có thể nằm trên cả báo cáo của NHNN, thậm chí trên Bộ Tài chính.

Bởi từ đây Chính phủ có thể bắt đầu chỉ định đâu là nơi có thể giải ngân các khoản tiền này để ngay lập tức hỗ trợ nền kinh tế; hoặc Chính phủ lập tức có thể cho NHNN quyền đặc biệt được kích hoạt với một mức cho phép của Chính phủ hoặc Quốc hội. Đó là một cơ sở để Chính phủ ra được một quyết định.

- Xin cảm ơn TS.

Các tin khác